Nội Dung Chính
Chùa Diên Phúc
Địa chỉ: Làng Thái Bình, Xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội
Chùa Diên Phúc là ngôi chùa có lịch sử hơn 1000 năm, đây là ngôi chùa đã ghi dấu ấn trong sử sách là nơi bà Phạm Thị – thân mẫu của vua Lý Công Uẩn – đã cư ngụ và nghe giảng đạo trong một thời gian dài, cũng là nơi các vị vua nhà Lý thường đến bái yết Thánh mẫu… Đây là một ngôi chùa cổ, sự ra đời của ngôi chùa gắn liền với sự phát triển của vương triều nhà Lý, một vương triều rất thịnh trị trải qua hơn 125 năm với 8 vị vua anh minh. Vương triều nhà Lý cũng là một trong những triều đại mà Phật giáo phát triển rất hưng thịnh, Phật giáo đã trở thành Quốc Giáo.
Hiện ngôi chùa còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý như chuông, tượng Quan Âm, tượng Đức Thánh Trần và hơn 2.000 bộ kinh khác nhau.
Chùa Tự Khoát
Địa chỉ: Thôn Tự Khoát, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội
Chùa Tự Khoát còn có tên là “Hưng Phúc tự” là nơi gắn với việc tu hành của hai công chúa thời Lý. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông. Theo truyền thuyết, chùa được vua Lý Thánh Tông cho xây dựng trên núi Trúc Lĩnh vào thời Lý do hai công chúa con vua là Từ Thục và Từ Huy xuất gia tu hành, chia ruộng đất cho dân nghèo, giúp họ vốn liếng để trồng lúa, trồng dâu, mở lò rèn…
Chùa có kiến trúc kết cấu dạng chữ Công, gồm tiền đường, thiêu hương và thượng điện. Đặc biệt, chùa có tam quan chùa được xây dựng khá độc đáo với một ngọn tháp 4 tầng đặt trên cửa chính. Điện Phật được bài trí trang nghiêm. Chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia năm 1988.
Chùa Mía – Làng cổ Đường Lâm
Địa chỉ: Xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội
Lễ hội chính: Ngày 15 tháng 01 âm lịch hàng năm
Chùa Mía (tên chữ: Sùng Nghiêm tự) là một ngôi chùa nằm trong khu di tích Làng cổ Đường Lâm, nếu như phố cổ Hà Nội, phố cổ Hội An là “Bảo tàng của lối sống đô thị” thì làng cổ Đường Lâm được coi là “Bảo tàng của lối sống nông nghiệp” bởi nơi đây đặc biệt thu hút du khách ở vẻ đẹp mộc mạc giản dị đậm “chất quê” với bờ ao sen đầu làng, cánh đồng cỏ xanh mướt và những công trình kiến trúc nhà ở đậm chất truyền thống. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử vùng đất này còn lưu giữ khá nhiều di tích lịch sử có giá trị văn hóa như: Di chỉ khảo cổ Bến Mả (Văn Miếu) thuộc thời đại Đá mới, các di tích thời các vị anh hùng dân tộc : đình thời Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng, đền và lăng Ngô Quyền, nhà thờ Thám Hoa Giang Văn Minh…
Chùa Mía được mệnh danh là ngôi chùa lưu giữ nhiều tượng nghệ thuật nhất Việt Nam, do Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công bố. Trên các bức tượng, mỗi vị mỗi vẻ, nhưng đều toát lên vẻ uy nghiêm, thanh tịnh như: Động Quán Âm Nam Hải là một bức tượng thuộc loại quý hiếm, ít thấy trong các chùa ở miền Bắc cũng như cả nước; tượng Quan Âm tống tử, thường gọi là tượng bà Thị Kính cao 0,76 m; 18 tượng La Hán được tạo đắp diện tướng khác nhau, nhiều vẻ mặt nhưng đều với trạng thái từ bi đôn hậu; ngoài ra còn có tòa bảo tháp Cửu phẩm Liên Hoa cao 13 m thờ vọng Xá Lợi đức Phật. Với kiến trúc độc đáo và những tác phẩm điêu khắc có giá trị, chùa Mía được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Khu đền thờ Nguyễn Trãi
Địa chỉ: Xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội
Nguyễn Trãi là danh nhân văn hóa thế giới, nhà chính trị,nhà quân sự, nhà ngoại giao, nhà thơ, nhà văn thời Lê (thế kỷ XV). Đền thờ Nguyễn Trãi (còn có tên gọi là Đền Ông Khai Quốc), tại xã Nhị Khê, huyện Thường Tín từ lâu đã là địa chỉ đỏ để người dân Thủ đô đến thăm, viếng mỗi độ Xuân đến, Tết về. Nơi đây không chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa lịch sử của Người anh hùng, danh nhân văn hóa Thế giới Nguyễn Trãi, mà còn là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ những truyền thống tốt đẹp về lịch sử hào hùng của cha ông một thời.
Hiện nay, quần thể di tích Nguễn Trãi gồm nhiều hạng mục như ngôi Mộ Tổ, tương truyền do một vị tiền bối của dòng họ thiên di từ Chi Ngại, Chí Linh, Hải Dương chuyển về, đặt tại nơi đắc địa, huyệt phát tích khoa bảng; Khu Trại Ổi – Ao Huê tương truyền là nơi cụ Nguyễn Phi Khanh mở trường dạy học từ năm 1387 đến 1400. Khu văn chỉ, là nơi đặt bia đá ghi danh các vị khoa bảng của làng trong đó có tên và tước vị của 2 cha con Nguyễn Trãi, Nguyễn Phi Khanh. Ngôi đền thờ do vua Lê Thánh Tông sau khi minh oan đã cho xây dựng để thờ phụng và tưởng niệm Nguyễn Trãi; di tích đã được Bộ Văn hóa Thể Thao và Du lịch ra quyết định xếp hạng di tích cấp quốc gia.
Đến đây, du khách được chiêm ngưỡng Tượng đài Nguyễn Trãi, Pho tượng Nguyễn Trãi tay phải cầm bút, tay trái cầm sách… đầy trang nghiêm nhưng không kém phần gần gũi, thân quen; Nhà trưng bày thân thế, sự nghiệp Nguyễn Trãi… Đặc biệt, giữa đền có tấm biển sơn son khắc chữ Hán, đề “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo” do vua Lê Thánh Tông (năm Quang Thuận thứ năm – 1464) ban cho Nguyễn Trãi khi minh oan cho ông năm 1442. Hậu cung của đền có bức chân dung lớn thờ Nguyễn Trãi, người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, là biểu tượng sáng ngời của tinh thần yêu nước.
Khu di tích Đền thờ Hai Bà Trưng
Địa chỉ: Xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội
Lễ hội chính: Từ ngày 06 đến ngày 10 tháng 01 âm lịch hàng năm
Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” sau khi Hai Bà Trưng tạ thế, nhân dân ở nhiều nơi đã lập đền thờ để ghi nhớ công đức của Hai Bà. Trong số 103 nơi thờ Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh ở 9 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, đền Hai Bà Trưng ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh là có ý nghĩa quan trọng nhất bởi ở đây không chỉ là nơi lưu lại dấu thiêng về 2 vị nữ anh hùng thời thơ ấu, lúc bình sinh, mà còn là nơi lưu niệm về quá trình chuẩn bị khởi nghĩa Hai Bà Trưng của dân tộc hồi đầu Công nguyên, là nơi xưng vương và lập đô sau khi đã đánh tan giặc ngoại xâm.
Trong tâm thức người Việt, hình ảnh Hai Bà Trưng cưỡi voi dẫn đầu đoàn quân xung trận, đánh tan quan quân nhà Hán giành độc lập cho dân tộc sau hơn hai thế kỷ bị phong kiến nước ngoài đô hộ là một kỳ tích trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Sử sách đã hết lời ca tụng Hai Bà. Người Việt Nam xem Hai Bà là anh hùng của dân tộc nên đã lập đền thờ ở nhiều nơi.
Đền thờ Hai Bà Trưng là di tích lịch sử văn hoá linh thiêng không chỉ của người dân Mê Linh mà còn với người dân cả nước. Đây là minh chứng cho tinh thần yêu nước, bất khuất của người phụ nữ Việt Nam. Lễ hội là hoạt động tưởng nhớ công ơn Hai Bà, cũng là hoạt động thiết thực nhằm giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.
Chùa Bối Khê
Địa chỉ: Xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội
Lễ hội chính: Ngày 20 tháng 02 âm lịch hàng năm
Bối Khê được coi là một trong những ngôi chùa đẹp nhất Việt Nam, chùa có tên chữ là Đại Bi Tự (nghĩa là ngôi chùa có bia rất lớn), nhưng nằm trên đất làng Bối Khê nên người dân quen gọi là chùa Bối Khê. Chùa có mặt bằng bề thế, được làm theo kiểu “nội công, ngoại quốc”: phía trước là nơi thờ Phật, phía sau là nơi thờ Thánh. Kiểu chùa như vậy thường được gọi là chùa “Tiền Phật, Hậu Thánh”. Hai bên tòa thượng điện còn có hai dãy hành lang bao bọc.
Chùa được xây dựng vào khoảng năm 1338, khi đó thuộc về nhà Trần dưới sự trị vì của vua Trần Hiến Tông. Sau đó, chùa được trùng tu và mở rộng trong 8 đợt dưới các triều Lê Sơ, Mạc, Lê Trung Hưng và Nguyễn. Những kiến trúc và hiện vật trong chùa đều vương dấu tích của các thời đại này. Tòa thượng điện, có kết cấu chồng rường giống gác chuông chùa Keo Thái Bình. Đáng chú ý ở tòa tiền đường là hệ thống cột bằng đá xanh. Trên các cột đá chạm nhiều đôi câu đối ca ngợi cảnh chùa.
Cụm di tích đình, chùa, bia Bà La Khê
Địa chỉ: Làng La Khê xưa, nay là phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội
Lễ hội chính: Từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 01 âm lịch hàng năm
Những ngày đầu năm mới, hàng ngàn du khách thập phương đổ về chùa Bia Bà (Hà Đông, Hà Nội) để thắp hương cầu tài, cầu lộc với quan niệm “Cầu duyên thì đến chùa Hà, cầu tài, cầu lộc thì đi Bia Bà”. Cụm di tích La Khê gồm đình La Khê, chùa Diên Khánh và đền Đức Thánh Bà, trong đó Đền Đức Thánh Bà nổi tiếng linh thiêng với những ai muốn cầu tài, cầu lộc. Nơi đây thờ bà Trần Thị Hiền, con gái cụ đô lực sĩ, dung quận công Trần Chân. Bà là đệ nhị vương phi, vợ vua Mạc Đăng Doanh.
Đến với cụm di tích La Khê, du khách không chỉ được chiêm bái những di tích lịch sử – văn hóa của địa phương mà còn có những trải nghiệm thú vị trong cuộc hành hương về quá khứ. Sự thâm nghiêm cổ kính của đình Bia Bà và sự linh ứng của lời nguyện cầu phát tài phát lộc đã thu hút nhiều người đến đây. Năm 1998, đình Bia Bà – La Khê đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật.
Khu di tích Đền, miếu Sóc Sơn (Đền Sóc)
Địa chỉ: Xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội
Lễ hội chính: Từ ngày 06 đến ngày 08 tháng 01 âm lịch hàng năm
Khu di tích đền Sóc được nhà nước xếp hạng khu di tích lịch sử văn hoá vào năm 1962, được xây dựng từ thời Tiền Lê (năm 980), gồm có 6 công trình kiến tạo, mỗi công trình có một giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật riêng biệt. Tâm điểm của tập hợp các di tích này là đền Thượng – nơi thờ Đức Thánh Gióng với quy mô đồ sộ, kiến trúc theo kiểu chuôi vồ, bên ngoài ngôi đền gồm năm gian hai trái, bên trong là hậu cung. Cách bài trí trong đền, cách sắp xếp đồ thờ, khí tự … tạo ra sự linh thiêng của nơi thờ cúng thần linh. Tương truyền sau khi đánh thắng giặc Ân với sự giúp sức của Thánh Gióng, vua Hùng sai dựng đền thờ để ghi nhớ công ơn của Thánh Gióng. Vua phong sắc ghi hiệu thần là Phù Đổng Thiên Vương. Đền Thượng là ngôi đền thờ Thánh Gióng đầu tiên.
Ngoài Đền Thượng khu di tích này còn có: Đền Mẫu thờ mẹ của Thánh Gióng; Chùa Đại Bi; Đền Hạ (Đền Trình) thờ sơn thần thổ địa (các vị thần cai quản núi Sóc). Bên phải đền lùi về phía sau, trên lưng chừng núi có tấm bia 8 mặt kể chuyện Thánh Gióng có niên đại Dương Đức thứ nhất (1672); Chùa Non Nước (tên chữ là Sóc Thiên Vương Thiền Tự) là nơi toạ lạc của pho tượng Phật tổ Như Lai bằng đồng đúc liền khối lớn nhất tại Việt Nam. Tượng nặng 30 tấn, cao 6,50m; Tượng đài Thánh Gióng với chiều cao 9,9m, rộng 13,5m trọng lượng hơn 60 tấn, được đúc bằng đồng mô tả hình ảnh Thánh Gióng cưỡi ngựa sắt về trời từ trên đỉnh núi. Đứng trên đỉnh núi nhìn ra xa ngút tầm mắt là một khoảng không gian bao la với bát ngát ruộng đồng, rừng cây xanh mướt. Và quan trọng hơn là du khách đã vượt qua một quãng đường leo núi thật là dài và gian nan để được hiểu thêm, cảm nhận sâu hơn về truyền thống hào hùng của dân tộc.
Chùa Thầy
Địa chỉ: Thôn Đa Phúc và thôn Thụy Khuê, huyện Quốc Oai, Hà Nội
Lễ hội chính: Từ ngày 05 đến ngày 07 tháng 3 âm lịch hàng năm
Nằm trong phong cảnh hữu tình, Chùa Thầy không chỉ được nhiều người biết đến là di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của nước ta mà lối kiến trúc độc đáo và phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp đã biến chùa Thầy trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn nhất ngoại thành thủ đô Hà Nội.
Nằm ở chân núi đá vôi có hình vòng cung giữa vùng đồng bằng trong xã Sài Sơn, Sài Sơn có tên Nôm là núi Thầy nên chùa được gọi là chùa Thầy, đây là nơi có khung cảnh thiên nhiên hữu tình với những phong cảnh trông như thế giới Bồng Lai xuất hiện trong sự yên tĩnh dưới màn sương mờ sẽ cho du khách những ấn tượng đặc biệt.
Chùa gắn liền với tên của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, người được các phường rối nước tôn là Thủy tổ nghề, và truyền rằng, bài Giáo trò và nhân vật chú Tễu là do chính Tổ sư Từ Đạo Hạnh sáng tạo nên. Đến với Chùa Thầy, người dân địa phương và du khách có cơ hội để chiêm ngưỡng biểu diễn múa rối nước và một số lượng lớn các trò chơi dân gian độc đáo và sôi động. Chùa Thầy chắc chắn sẽ đem lại cảm giác bình an và niềm vui cho khách du lịch.
Khu di tích Thành Cổ Loa
Địa chỉ: Xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội
Lễ hội chính: Ngày 06 tháng 01 âm lịch hàng năm
Thành Cổ Loa, là di tích lịch sử nổi tiếng nằm trên địa phận huyện Ðông Anh cách trung tâm Hà Nội khoảng 17 km về phía Tây Bắc, là một vùng thành trì lớn, một dấu tích vật chất về kiến trúc quân sự và thành cổ hiếm có cách đây hơn 2 thiên niên kỷ. Ðây chính là thủ đô thứ hai của Việt Nam, sau Phong Châu (tỉnh Phú Thọ hiện nay – là thủ đô thời các vua Hùng dựng nước). Thành Cổ Loa gắn liền với câu chuyện An Dương Vương và Nhà nước Âu Lạc cuối thời Hùng Vương. Tuy phải làm chứng cho một câu chuyện buồn về sự mất cảnh giác để nước rơi vào tay giặc, song trải qua thời gian, thành Cổ Loa vẫn luôn mãi là niềm tự hào của người Việt Nam về lịch sử chống ngoại xâm.
Theo truyền thuyết đình/đền Cổ Loa được xây dựng trên nền cũ của điện ngự triều, nơi bá quan triều hội ngày xưa, bên trong đình còn tấm hoành phi “Ngự triều di quy”. Cạnh đình là Am Bà Chúa tức là miếu thờ công chúa Mỵ Châu, nằm nép dưới gốc đa già cổ thụ. Miếu am bé bỏng như cuộc đời ngắn ngủi của nàng công chúa đáng thương “trái tim lầm chỗ để lên đầu”. Trong am có một tảng đá hình người cụt đầu. Ai cũng bảo đó là tượng Mỵ Châu. Qua am Mỵ Châu tới đền Thượng (tức đền An Dương Vương), trong đền có tượng An Dương Vương. Trước đền là giếng Ngọc, tương truyền là nơi Trọng Thuỷ tự tử vì hối hận, theo dân gian nước giếng này mà đem rửa ngọc trai thì ngọc sáng bội phần.
Cụm di tích Đền – Chùa bà chúa Tấm
Địa chỉ: Xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội
Lễ hội chính: Ngày 19 tháng 02 và Ngày 25 tháng 7 âm lịch hàng năm
Theo sử sách và truyền thuyết dân gian, cụm di tích đền – chùa Bà Tấm được xây dựng từ thời Lý. Sự ra đời của di tích gắn với Nguyên Phi, Hoàng thái Hậu Ỷ Lan – một nhân vật kiệt xuất của vương triều nhà Lý. Sử cũ cho biết: Nguyên phi Ỷ Lan giỏi việc trị nước (hai lần nhiếp chính), khiến nhân tâm hoà hợp, đất nước thanh bình, dân gian sùng Phật, tôn bà là Phật Bà Quan Âm. Các huyền thoại, truyền thuyết về Bà phủ trùm lên một vùng văn hoá lịch sử của xứ kinh Bắc xưa. Bà được dân gian gọi là bà Tấm – là hiện thân của lòng bao dung, đức độ và những điều tốt lành.
Hiện nay, trong chùa bà chúa Tấm còn lưu giữ nhiều di vật quý, phản ánh lịch sử và quá trình tồn tại, các lần trùng tu, sửa chữa di tích… Đáng chú ý nhất là 2 tượng sư tử (bệ thờ), kích thước rất lớn, 1 thành bậc trang trí sấu, chim phượng, cúc dây nổi tiếng được nhiều nhà nghiên cứu biết tới, cùng các di vật đất nung trang trí kiến trúc thời Lý đang được lưu giữ. Ngoài ra, còn có nhiều bia đá và nhiều di vật khác thời Lê – Nguyễn.