Nội Dung Chính
Đảo Cò
Đảo Cò Chi Lăng Nam nằm giữa lòng hồ An Dương, thuộc địa bàn xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Đây là một địa điểm du lịch sinh thái cách trung tâm thành phố Hải Dương khoảng 30km về phía Nam theo hướng quốc lộ 39B. Đảo Cò Chi Lăng Nam được phát hiện năm 1994, nay phát triển thành khu du lịch sinh thái rộng 31,67ha. Theo thống kê hiện có 16.000 con cò và 6000 con hạc sống tại đây. Ở đây còn có nhiều loại chim quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng như: diệc xám, chim trả, bói cá, bồng chanh, cuốc, cú mèo,..
Gốm Chu Đậu
Khu vực sản xuất gốm sứ cổ Chu Đậu nằm tại thôn Chu Đậu, xã Thái Tân, Nam Sách, Hải Dương. Được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1992.
Khu di tích rộng tới 4 vạn mét vuông có các loại dụng cụ sản xuất đồ gốm như con kê, bao nung, bàn xoay, bàn in hoa văn cùng một số phế phẩm và các mảnh vỡ, đây là một trung tâm sản xuất đồ gốm lớn ở nước ta vào thế kỉ XV – XVI.
Văn Miếu Mao Điền
Văn Miếu Mao Điền nằm trên quốc lộ số 5, cách thành phố Hải Dương 15km. Tại miền Bắc Việt Nam Văn Miếu Mao Điền có quy mô và lịch sử lâu đời đứng thứ hai, chỉ sau Văn Miếu Quốc Tử Giám. Văn Miếu là một công trình kiến trúc bề thế, uy nghi. Phần chính gồm 2 tòa nhà lớn 7 gian, mái cong vút chạm trổ hình rồng, phượng, áp sát vào nhau. Nhà trong thờ Khổng Tử và Mạnh Tử. Nhà ngoài là nơi tụ hội của các quan trường học giả. Hai bên là 2 dãy giải vũ 5 gian đối diện nhau. Tiếp đến là hai tháp chuông xây cất rất hoành tráng. Phía trước là Cây gạo trăm năm in bóng xuống hồ nước trong xanh. Xung quanh là các loại cây cảnh và cây ăn quả.
Tháng 2 âm lịch hàng năm, tỉnh Hải Dương lại mở hội Văn Miếu. Người Hải Dương lại ở khắp nơi tề tựu về dự lễ hội, báo công, dâng hương tưởng nhớ các bậc danh nhân, tiên hiền của đất nước.
Cụm di tích thắng cảnh An Phụ – An Sinh
Cụm di tích An Phụ nay thuộc xã An Sinh, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, cách thành phố Hải Dương hơn 30km về phía đông.
Từ nhiều năm trước sử sách đã ghi “các núi An Phụ, Thiên Kỳ, Kính Chủ,…đều là những cảnh đẹp đáng du ngoạn.” Nay cảnh quan đã khác xưa nhưng là nơi có nhiều di tích cần tham quan nghiên cứu. Du khách đến tham quan An Phụ không chỉ là một cuộc tham quan di tích lịch sử mà còn là một cuộc đi thể thao bổ ích.
Khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc
Khu di tích Côn Sơn- Kiếp Bạc là một trong 62 di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam. Quần thể di tích này thuộc thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Đây là nơi gắn liền với thân thế, sự nghiệp của các vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo – hai vị anh hùng dân tộc kiệt xuất đã làm rạng rỡ non sông đất nước, cùng với nhiều danh nhân văn hóa của dân tộc: Trần Nguyên Đán, Pháp Loa, Huyền Quang,…
Nhà Tổ nằm ngay phía sau chùa Côn Sơn, thờ tượng 3 vị Trúc Lâm Tam Tổ( vua Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang), tượng Quan tư đồ Trần Nguyên Đán và vợ, tượng Nguyễn Trãi và vợ thứ của ông( bà Nguyễn Thị Lộ).
Đền thờ Nguyễn Trãi là công trình trọng điểm nằm trong quần thể khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc, tọa trên khuôn viên đất rộng 10.000 mét vuông, tại chân núi Ngũ Nhạc, nằm trong khu vực Thanh Hư Động và gần nơi ngày xưa có đền thờ bà Trần Thị Thái( thân mẫu của Nguyễn Trãi). Phía bên phải là dòng suối Côn Sơn chảy từ Bắc xuống Nam, uốn lượn từ phải qua trái ôm lấy khu đền. Đền có kiến trúc truyền thống và rất độc đáo, với một nguồn lớn kinh phí và những người có tâm đức, các nghệ nhân cùng với những người thợ khéo tay, cần mẫn lao động hơn 2500 ngày để có được công trình như ngày nay.
Đền thờ Trần Nguyên Đán được xây dựng năm 2004, gần thượng nguồn suối Côn Sơn, tại vị trí mà hơn 600 năm trước ông đã dựng nhà để nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già.
Giếng Ngọc nằm ở sườn núi Kỳ Lân, dưới chân Ðăng Minh Bảo Tháp. Tương truyền, vào một đêm rằm tháng bảy, thiền sư Huyền Quang mơ thấy một viên ngọc sáng lấp lánh nằm trên sườn núi Kỳ Lân. Trời sáng, thiền sư cùng các tăng ni lên sườn núi xem xét, khi phát quang bụi sim, mua, thấy một giếng nước trong vắt, uống thử thấy nước ngọt, mát, người khoan khoái. Khi về chùa, thiền sư đã làm lễ tạ thần linh vì ban cho chùa nguồn nước quý và xin được khơi sâu, kè bờ. Từ đó giếng được gọi là giếng Ngọc và các sư trong chùa thường lấy nước giếng để cúng lễ. Đã có thời gian giếng bị cỏ cây che lấp. Năm 1995, giếng đã được đầu tư khơi lại, kè đá, xây bờ, lát sân để tạo cảnh quan chung cho khu du lịch và cũng là để du khách khi về thăm Côn Sơn có dịp uống ngụm nước giếng thiêng.
Bàn Cờ Tiên: từ giếng Ngọc theo con đường lát đá khoảng 600 bậc sẽ đến đỉnh núi Kỳ Lân(cao 200m). Đỉnh núi là một khu đất bằng phẳng trên có một phiến đá khá rộng, người xưa gọi là Bàn Cờ Tiên.
Thạch Bàn là hai tảng đá sói kết, mặt tương đối bằng phẳng, nằm cách nhau gần 100m, bên cạnh suối Côn Sơn.
Đền Tranh
Đền Tranh hay còn gọi là đền Quan Lớn Tuần Tranh, là một ngôi đền cổ ở Việt Nam. Thờ vị thần sông nước cai quản khúc sông ở bến đò Tranh, thuộc xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.
Đền Tranh một năm có 3 mùa lễ hội. Hội tháng 2( từ ngày 10-20/2), trọng hội vào 14 – ngày sinh của quan lớn Tuần Tranh, đây là hội chính hàng năm. Hội tháng 5( từ ngày 20-26/5), trọng hội vào 25 – ngày hóa của Đức Thánh. Lễ hội đền Tranh có quy mô rộng lớn, thu hút khách nhiều tỉnh phía Bắc, một trong những hội lớn của Hải Dương, có sức hấp dẫn lạ thường, đặc biệt với các bà các cô ở các thành phố, bởi thế khách thập phương đến đây rất đông. Không chỉ trong những ngày hội mà những ngày thường cũng không ít khách đến lễ và không thể thiếu tiết mục hát chầu văn.