Nội Dung Chính
Làng dệt chiếu Hới
Làng Hới là ngôi làng thuộc địa phận xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Đây là làng có truyền thống dệt chiếu và từ xưa đến nay chiếu Hới luôn được mọi người nhớ đến bởi chất lượng tuyệt vời của nó. Khác với chiếu ở vùng khác, chiếu Hới được làm ra bởi kỹ thuật điêu luyện cùng với đó là sự đa dạng về hình thức. Đến với làng Hới, bạn sẽ được trải nghiệm cuộc sống bình dị, dân dã của những con người nơi đây. Bên cạnh những cánh đồng lúa bát ngát, bên cạnh những cánh ngô xanh nổi bật là những đôi chiếu được làm từ cói đa dạng do bàn tay tinh tế của những người dân nơi đây làm ra. Và sau chuyến tham quan thú vị tại làng Hới bạn sẽ thấm thía câu nói từ ngàn xưa “ăn cơm hom, nằm giường hòm, đắp chiếu Hới” là đây.
Đền Tiên La
Ngôi đền này thờ Mẫu Tiên La- Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục, một nữ tướng lừng danh dưới thời Hai Bà Trưng. Đền Tiên La có quy mô rộng và kiến trúc kiểu “chồng diêm cổ các” vô cùng đẹp. Tòa điện bái đường và thượng điện được làm từ gỗ tứ thiết, nội thất bên trong đền được chạm trổ long ly quy phượng, cùng với đó là hình ảnh của thông trúc cúc mai tinh xảo và bắt mắt. Không chỉ độc đáo bởi kiến trúc tinh tế, đền Tiên La còn là nơi lưu giữ những món đồ tế khí, đồ thờ có niên đại từ các thời Trần, Lê. Năm 1986, ngôi đền này đã công nhận là di tích lịch sử Quốc gia. Lễ hội đền Tiên La diễn ra từ ngày 10 đến ngày 20 tháng 3 âm lịch hàng năm, ngày hội chính vào ngày 17. Lễ hội được tổ chức công phu bao gồm các nghi thức tế lễ, hoạt động văn nghệ thể thao và trong những ngày diễn ra lễ hội, không khí tại đây sôi nổi bởi có rất nhiều khách thập phương về tham quan, du lịch và lễ. Vì vậy, các bạn có thể đến với đền Tiên La vào những ngày lễ để được hòa mình trong không khí náo nhiệt và thưởng thức những màn hát chầu văn, hát chèo hoặc các bạn cũng có thể đến đây vào những ngày khác trong năm để tận hưởng được không gian linh thiêng, yên bình tại đây.
Đồng Châu
Không trải dài như Cồn Vành, bãi biển Đồng Châu dài 5km ôm lấy mặt biển mênh mông, điểm tô vào đó là những hàng phi lao xanh phủ bóng trên bờ sẽ làm bạn bị hút hồn bởi nét đẹp mộc mạc, giản dị ấy. Và khác với Cồn Vành hay những bãi biển khác, khi đến với bãi biển Đồng Châu thay bằng việc nghỉ ngơi trong những điểm nghỉ dưỡng sang trọng, cao cấp đầy đủ tiện nghi các bạn sẽ có những trải nghiệm thú vị về cuộc sống bám biển của những người ngư dân tần tảo nơi đây. Bạn sẽ thấy được khung cảnh yên bình của nơi đây với những hình ảnh hết sức mộc mạc như: cánh đồng vạng (ngao) rộng lớn, những chòi canh mọc lên như nấm cùng với đó là hình ảnh những dáng người đang khom mình bới cát tìm ngao. Chắc chắn rằng giữa bộn bề cuộc sống bạn khó tìm được nơi nào mang đến bạn cảm giác yên bình và ấm áp như nơi đây.
Làng chạm bạc Đồng Xâm
Không nhẹ nhàng như đến với làng chiếu Hới, khi đến Đồng Xâm bạn sẽ được trải nghiệm trong một làng nghề chạm bạc nổi tiếng ở Thái Bình. Làng này nằm cách thành phố Thái Bình khoảng 15km về phía đông. Đến đây bạn sẽ nghe được những âm thanh của tiếng chạm khắc vang lên giữa chốn làng quê thanh bình yên ả. Bạn sẽ thấy hình ảnh của những dáng người tỉ mỉ chạm khắc nên từng nét hoa văn trang trí, sẽ quan sát những công đoạn chế tác thủ công điêu luyện bằng những dụng cụ thô sơ như dùi, đinh, búa của những người nghệ nhân khéo léo, tài hoa. Sản phẩm của làng chạm bạc Đồng Xâm ngày nay xuất hiện rất nhiều trên thị trường, từ đồ thờ cúng cho đến trang sức hay mỹ nghệ đều được chạm khắc kỹ sảo và tinh tế. Ngoài ra, khi đến với làng chạm bạc Đồng Xâm, các bạn còn có thể được tham gia vào lễ hội của làng vào ngày 1 đến ngày 5 tháng 4 âm lịch hàng năm. Trong không khí sôi nổi của ngày hội này, bạn sẽ có những trải nghiệm thú vị với nghi lễ rước, tế linh đình cùng các trò chơi dân gian vô cùng phong phú. Làng chạm bạc Đồng Xâm Thái Bình không quá ồn ào, không quá náo nhiệt nhưng cũng sẽ đủ để bạn lưu luyến, ấn tượng về nó bởi nét đẹp mộc mạc, yên bình nơi đây.
Cồn Đen
Cũng giống như hai địa điểm trên, Cồn Đen sở hữu bãi tắm trải dài cùng với một nguồn hải sản phong phú. Tuy nhiên, Cồn Đen có điểm khác biệt riêng cho mình đó là những chiếc cầu khỉ bắc qua những thảm rừng ngập mặn xanh mướt. Đến với Cồn Đen là bạn đến một hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển phong phú về thực vật như sú, vẹt, thông và đa dạng về các loài chim như dẽ mỏ thìa, bồ nông, mòng biển hay cò thìa. Tất cả sẽ tạo nên một không gian có phần hoang sơ nhưng rất thú vị, thích hợp cho những chuyến đi dã ngoại cuối tuần của các bạn. Ngoài ra, khi đến Cồn Đen các bạn không thể bỏ qua những nhà hàng ăn được trang trí dân dã mộc mạc giữa một không gian thoáng mát với rất nhiều món hải sản hấp dẫn như ngao, tôm sú, cua, ghẹ, các loại cá biển, ốc biển hay những món đặc sản của Cồn Đen như nộm sứa, rượu nếp Cồn Đen, nước mắm Diêm Điền Những món ăn đó tuy bình dân nhưng đậm đà hương vị đặc trưng của mảnh đất Thái Bình giản dị, mộc mạc và chân tình.
Chùa Keo
Chùa Keo là một công trình kiến trúc nghệ thuật thời Lê, với tuổi đời gần 400 năm cho đến nay chùa Keo vẫn giữ được dáng dấp của kiến trúc cổ ban đầu. Đây là ngôi chùa có quy mô rộng lớn gồm nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo được làm bằng gỗ, nó là minh chứng cho thấy sự tài hoa của những nghệ nhân thời nhà Lê.
Khi đến địa điểm này, các bạn không thể bỏ qua hình ảnh gác chuông chùa Keo bởi vì đây là công trình tiêu biểu cho kiến trúc cổ Việt Nam thời nhà Lê. Gác chuông này được xây dựng trên một nền gạch vuông, gác chuông cao 11m và gồm có 3 tầng mái được làm bằng những con sơn chồng lên nhau rất tinh tế. Điểm nổi bật ở gác chuông này là bộ mái của chuông có kết cấu từ gần 100 đàn đầu voi là viên ngọc quý trong kiến trúc Việt Nam thời cổ xưa. Với những nét tinh hoa trên, năm 1962, chùa Keo chính thức được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia. Đến năm 2012, chùa Keo tiếp tục được xếp hạng là một trong những di tích quốc gia đặc biệt.
Lễ hội chùa Keo được tổ chức 2 lần trong năm. Lần thứ nhất được tổ chức vào ngày mồng 4 tết Nguyên Đán (hội Xuân), lần thứ hai được tổ chức từ ngày 13-15/9 âm lịch (hội chính), gắn liền với sự tích của Khổng Lộ Thiền Sư. Vì vậy, các bạn có thể sắp xếp công việc để đến tham gia Lễ hội tại chùa Keo vào một trong hai thời điểm trên.