Top 9 Món ăn phải thưởng thức khi đến đảo Jeju – Hàn Quốc

Bún thịt và bún cá cơm (Kogi kuksu & myuong ji kuksu)

Đây là 2 món bún nhất phẩm của Jeju. Bún thịt với nước lèo được hầm từ giống heo đen ở Jeju nên sẽ có màu hơi đục, thịt thái thành lát mỏng rải đều. Món còn lại thì chắc chắn là được hầm từ cá cơm rồi nên nước cũng vì thế mà trong hơn, kết hợp cùng rong biển vô cùng hài hòa. Bên trên cả hai món bún đều rắc hành lá và chút tiêu ớt – hai nguyên liệu gần như không thể thiếu trong bất cứ món Hàn nào.

Thịt heo đen nướng

Khác với các vùng miền khác trong nước, người dân đảo Jeju chỉ chăn nuôi một giống heo đen đặc biệt. Thịt heo nướng lên ăn rất mềm, ngọt và mỡ không có cảm giác ngậy ngậy, ngán ngán. Bì heo mỏng nên khi chế biến, chủ quán vẫn để nguyên bì cho chúng ta thưởng thức. Tựu chung lại, người Hàn tâm niệm rằng một khi đã ăn thịt heo đen nướng rồi thì tất cả mọi loại thịt ba chỉ, sườn, thịt cổ (mokssal) của heo trắng thật là… tầm thường.

Vì ngon hơn nên giá thành cũng sẽ mắc hơn, một suất dành cho một người thường dao động khoảng 15.000 – 20.000 won.

Mực tươi nướng xì dầu

Món ăn được bán trong một quầy hàng nhỏ, nằm dọc trên con đường đi bộ ra vách đá Jusangjeolli – một địa điểm tham quan kì thú do dung nham núi lửa tạo thành. Bốn bề bao quanh là biển, bạn sẽ không bao giờ phải lo nghĩ về độ tươi sống của mực đảo Jeju, thậm chí được tận mắt chứng kiến cả đàn vẫn bơi “tung tăng” trong bể. Mực được làm sạch cẩn thận, chia làm hai phần: râu và thân. Chủ quán nhúng mực vào chảo gia vị đã chuẩn bị trước, phết xì dầu Hàn Quốc, xong đâu đấy đặt lên vỉ nướng lật qua lật lại. Đến khi mực đã chín vàng, râu được cắt nhỏ để vào li giấy, thân xiên vào que tre. Đối với người Việt Nam, món này sẽ gợi ta nhớ đến đồ ăn đường phố nước mình, cũng nhanh nhanh chóng chóng nhận từ tay cô bán hàng, rồi xì xụp người đứng người ngồi “xử lí” tại chỗ luôn. Ở đây là giống mực nang dày mình, thịt dai, chắc, riêng phần râu khi ăn có cảm giác sần sật trong miệng, quyện với hành khô thái sợi rắc bên trên thì rất tuyệt.

Giá thành so với mức chi tiêu ở Hàn Quốc thì cũng không quá đắt: 5.000 won một cốc râu mực và 8.000 won đối với một xiên thân mực nướng.

Lẩu hải sản

Đây đích thị là một nồi lẩu thập cẩm đúng nghĩa, bao gồm tất tần tật mọi loại hải sản: bạch tuộc, bề bề, tôm, ghẹ, sò lông,… cùng hỗn hợp các loại rau củ: cà rốt, xà lách, bắp cải,… trên cùng điểm thêm vài miếng đậu phủ thái mỏng hình tam giác trắng mịn. Nước lẩu thường nêm rất nhạt, người nào quen ăn mặn còn tưởng như không cho muối. Kì thực, mục đích là để chúng ta dùng chung với các món ăn kèm như: kim chi, cá mòi,… vừa để giảm bớt vị tanh, vừa tăng thêm hương vị chua, cay, mặn, ngọt trong miệng thực khách.

Với mức giá khoảng 10.000 won, đây cũng là món ăn rất đáng để thử.

Cá Okdom

Có ai thắc mắc vì sao gọi là thập cẩm nhưng món lẩu hải sản bên trên lại thiếu đi cá. Đơn giản bởi, cá là loại hải sản chủ lực của biển đảo Jeju, hoàn toàn có thể đứng độc lập làm món chính trên bàn ăn, nên chẳng mấy khi chung nồi với các hải sản khác. Có vô vàn các loài, nhưng nổi tiếng nhất có lẽ vẫn là cá Okdom. Được đánh bắt trực tiếp từ trên đảo, giống cá này mình nhỏ, toàn thân ánh đỏ, hương vị thơm ngon vô cùng, thường sẽ nướng hoặc nấu canh với đậu hũ và kim chi trắng. 

Cá Okdom rất giàu chất béo, đặc biệt là axit béo omega-3, ăn một con có thể đủ dinh dưỡng cho cả một ngày làm việc. Vì vậy, 12.000 won cho một con cá Okdom đã nướng xong có thể khiến nhiều người “hoảng hốt” về độ mắc nhưng thực tế lại vô cùng hợp lí.

Mâm cơm gia đình truyền thống Jeju

Vị trí chốt bảng khá đặc biệt, ngoài những món ăn đặc sắc, ta sẽ dành chút thời gian để thưởng thức một mâm cơm đúng nghĩa của gia đình cư dân Jeju: vị trí trung tâm lẽ tất nhiên vẫn là cá nướng – đại diện biển đảo, niêu trứng đun, thịt lên thớt (thực chất đơn thuần cũng chỉ là món heo luộc được xếp trên một tấm thớt nên mới có tên gọi khá kêu như thế. Khác biệt ở chỗ là nó được ăn kèm với món mắm tép của Hàn Quốc), dăm ba loại kim chi, salad, và tất nhiên không thể thiếu bát canh rong biển cho mỗi người. Một bữa cơm giản dị, thơm ngon quá đủ để trở thành đặc sản Jeju.

Quýt đường

Xinh đẹp, mỹ lệ nhưng Jeju lại là một hòn đảo rất “khắc nghiệt”. Nơi đây người dân không trồng được bất kì một loại cây lương thực, hoa màu nào, mọi nhu yếu phẩm đều nhập trực tiếp từ đất liền. Song, tạo hóa đã ban cho hòn đảo một tặng phẩm, duy nhất và cũng tuyệt vời nhất, chính là quýt đường. Đến Jeju vào mùa thu hoạch, khách du lịch sẽ thấy đâu đâu cũng là những trái quýt căng mọng, vàng tươi, thậm chí, có những cành quýt trĩu quả còn sa ra ngoài đường, ngồi trên xe ô tô có thể thò tay qua cửa sổ mà hái được. Vị quýt ngọt lịm, thấm tận sâu bên trong khi vừa mới thử miếng đầu tiên. Nếu đến vào khi trái mùa, quýt vẫn còn nhưng thường sẽ có vị chua, ngọt ngọt. Và ngoài ăn trực tiếp, người ta còn ép chúng ra thành nước giải khát, là đồ uống rất được ưa chuộng vào những ngày hè nóng bức.

Kem sốt xoài

Còn gì tuyệt vời khi ăn mực nướng xong lại được tráng miệng bằng một li kem sốt xoài. Có lẽ, có ý cả khi đặt quầy kem ngay đối diện quán mực, vì thế mà thực khách cứ qua lại hai cửa hàng đông như mắc cửi. Vị cay nồng của mực xì dầu được làm dịu đi bởi hơi kem mát lạnh, cùng nước sốt xoài tươi để lại dư vị ngọt ngào chua chua nơi đầu lưỡi. Thậm chí nhiều người chia sẻ họ ăn kem xong cảm giác ngấy cũng biến mất, lại quay ra mua tiếp mấy xiên mực nữa, cứ thế tạo thành một vòng tròn ẩm thực khép kín.

Giá: 4.000 won/ly

Snack khói

Món này chúng ta sẽ thấy khi đi leo đỉnh Seogsan về. Snack khói có thể hiểu nôm na là bỏng ni tơ. Để tạo ra snack khói, người ta có thể dùng bánh quy xốp, snack thông thường trộn cùng với những hương liệu nhiều màu, nhiều vị như việt quất, sôcôla, dâu tây… và nguyên liệu đặc biệt không thể thiếu được để làm cho miếng snack trở nên lạnh tê đầu lưỡi và tạo khói là nitơ lỏng. Hương vị giống như bỏng khô bình thường, có điều khi cắn một miếng sẽ thấy mình bỗng thở ra 2 làn khói, cảm giác hai lỗ mũi giống như hai ống khói. Giá là 5.000 won cho một lần muốn trải nghiệm cảm giác tạo khói.

Trả lời