Nội Dung Chính
Đảo Phú Quốc
Phú Quốc, còn được mệnh danh là Đảo Ngọc, là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, cũng là đảo lớn nhất trong quần thể 22 đảo tại đây, nằm trong vịnh Thái Lan. Đảo Phú Quốc cùng với các đảo khác tạo thành huyện đảo Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang. Toàn bộ huyện đảo có tổng diện tích 589,23 km² (theo thống kê số liệu đất năm 2005), xấp xỉ diện tích đảo quốc Singapore thập niên 1960 khi chưa san lấp lấn biển. Thị trấn Dương Đông, tọa lạc ở phía tây bắc, là thủ phủ của huyện đảo. Phú Quốc nằm cách thành phố Rạch Giá 120 km và cách thị xã Hà Tiên 45 km. Năm 2006, Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang bao gồm cả huyện này được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Bãi biển Phú Quốc đã được công nhận là 1 trong 13 bãi biển hoang sơ và đẹp nhất thế giới theo bình chọn của trang web Concierge.com (chuyên về du lịch tại Úc).
Hồ Hoàn Kiếm
Hồ Hoàn Kiếm còn được gọi là Hồ Gươm (trong bản đồ Hà Nội năm 1886, hồ này được gọi là Hồ Hoàn Gươm – Lac de Hoan Guom), là một hồ nước ngọt tự nhiên của thành phố Hà Nội. Hồ có diện tích khoảng 12 ha. Trước kia, hồ còn có các tên gọi là hồ Lục Thủy (vì nước có màu xanh quanh năm), hồ Thủy Quân (dùng để duyệt thủy binh), hồ Tả Vọng và Hữu Vọng (trong thời Lê Mạt). Tên gọi Hoàn Kiếm xuất hiện vào đầu thế kỷ 15 gắn với truyền thuyết vua Lê Thái Tổ trả gươm báu cho Rùa thần. Tên hồ được lấy để đặt cho một quận trung tâm của Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) và là hồ nước duy nhất của quận này cho đến ngày nay.
Hồ Hoàn Kiếm có vị trí kết nối giữa khu phố cổ gồm các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Cầu Gỗ, Lương Văn Can, Lò Sũ… với khu phố Tây do người Pháp quy hoạch cách đây hơn một thế kỷ là Bảo Khánh, Nhà thờ, Tràng Thi, Hàng Bài, Đinh Tiên Hoàng, Tràng Tiền, Hàng Khay, Bà Triệu.
Tuy không phải là hồ lớn nhất trong thủ đô, song hồ Hoàn Kiếm đã gắn liền với cuộc sống và tâm tư của nhiều người. Hồ nằm ở trung tâm một quận với những khu phố cổ chật hẹp, đã mở ra một khoảng không đủ rộng cho những sinh hoạt văn hóa bản địa. Hồ có nhiều cảnh đẹp.
Và hơn thế, hồ gắn với huyền sử, là biểu tượng khát khao hòa bình (trả gươm cầm bút), đức văn tài võ trị của dân tộc (thanh kiếm thiêng nơi đáy hồ và tháp bút viết lên trời xanh). Do vậy, nhiều văn nghệ sĩ đã lấy hình ảnh Hồ Gươm làm nền tảng cho các tác phẩm của mình.Hồ cũng là nguồn cảm hứng cho nhiều nhà nhiếp ảnh, trong đó nổi tiếng nhất là lão nghệ sĩ Võ An Ninh.
Vịnh Hạ Long
Vịnh Hạ Long (vịnh nơi rồng đáp xuống) là một vịnh nhỏ thuộc phần bờ tây vịnh Bắc Bộ tại khu vực biển Đông Bắc Việt Nam, bao gồm vùng biển đảo thuộc thành phố Hạ Long, thành phố Cẩm Phả và một phần huyện đảo Vân Đồn của tỉnh Quảng Ninh.
Là trung tâm của một khu vực rộng lớn có những yếu tố ít nhiều tương đồng về địa chất, địa mạo, cảnh quan, khí hậu và văn hóa, với vịnh Bái Tử Long phía Đông Bắc và quần đảo Cát Bà phía Tây Nam, vịnh Hạ Long giới hạn trong diện tích khoảng 1.553 km² bao gồm 1.969 hòn đảo lớn nhỏ, phần lớn là đảo đá vôi, trong đó vùng lõi của Vịnh có diện tích 335 km² quần tụ dày đặc 775 hòn đảo. Lịch sử kiến tạo địa chất đá vôi của Vịnh đã trải qua khoảng 500 triệu năm với những hoàn cảnh cổ địa lý rất khác nhau; và quá trình tiến hóa carxtơ đầy đủ trải qua trên 20 triệu năm với sự kết hợp các yếu tố như tầng đá vôi dày, khí hậu nóng ẩm và tiến trình nâng kiến tạo chậm chạp trên tổng thể. Sự kết hợp của môi trường, khí hậu, địa chất, địa mạo, đã khiến vịnh Hạ Long trở thành quần tụ của đa dạng sinh học bao gồm hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm nhiệt đới và hệ sinh thái biển và ven bờ với nhiều tiểu hệ sinh thái. 14 loài thực vật đặc hữu và khoảng 60 loài động vật đặc hữu đã được phát hiện trong số hàng ngàn động, thực vật quần cư tại Vịnh.
Nhờ những cảnh đẹp nên thơ hữu tình, hạng động độc đáo, hệ sinh thái ven bờ phong phú cùng nền văn hóa, phong tục lâu đời. Vịnh Hạ Long được đánh giá là một trong 29 Vịnh đẹp nhất thế giới, cuối tháng 3/2012, tổ chức New Open World cũng đã chính thức công nhận vịnh Hạ Long là một trong bảy kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.
Ruộng bậc thang Sapa
Sa Pa là một thị trấn vùng cao thuộc huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, Việt Nam. Nằm trên một mặt bằng ở độ cao 1500 đến 1650 mét ở sườn núi Lô Suây Tông. Đỉnh của núi này có thể nhìn thấy ở phía Đông Nam của Sa Pa, có độ cao 2228 mét. Từ thị trấn nhìn xuống có thung lũng Ngòi Dum ở phía Đông và thung lũng Mường Hoa ở phía Tây Nam.
Trong rất nhiều cảnh đẹp nổi tiếng như đỉnh Phan Xi Păng, vườn hoa Hàm Rồng, nhà thờ đá cổ… thì ruộng bậc thang cũng là nơi nhiều du khách muốn ghé thăm nhất.
Năm 2009, Tạp chí Travel and Leisure (Mỹ) cũng đã bình chọn ruộng bậc thang Sa Pa là 1 trong 7 ruộng bậc thang đẹp nhất, kỳ vỹ nhất châu Á và thế giới. Tháng 12/2011 tạp chí du lịch Lonely Planet (Anh) đã giới thiệu vùng đất “Sa Pa là một trong 10 điểm tuyệt vời trên thế giới cho môn đi bộ” và đầu tháng 11/2013, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cũng đã quyết định xếp hạng ruộng bậc thang Sa Pa là di sản danh thắng Quốc gia.
Mũi Né
Mũi Né là tên một mũi biển, một trung tâm du lịch nổi tiếng ở Phan Thiết được đưa vào danh sách các khu du lịch quốc gia Việt Nam. Ngày nay, Mũi Né là một phường của thành phố Phan Thiết với tổng diện tích là 35,41 km², dân số năm 1999 là 24.275 người, mật độ dân số 686 người/km² và đang hình thành đề án nâng cấp thành thị xã của tỉnh Bình Thuận.
Từ một dải bờ biển hoang vu với các đồi cát đỏ như sa mạc nằm rất xa đường giao thông, chỉ có lác đác vài xóm chài nghèo, Mũi Né đã mọc lên hàng trăm khu resort. Cách trung tâm thành phố Phan Thiết 22 km về hướng Đông Bắc, Mũi Né được nối liền với thành phố biển này bởi hai con đường Nguyễn Đình Chiểu (đường 706) và Võ Nguyên Giáp (đường 706B) – được coi là tuyến trọng yếu cho ngành du lịch của Bình Thuận. Khi đến Mũi Né, du khách sẽ có thể được tham quan làng chài Mũi Né, có cơ hội chứng kiến được hoạt động của một làng chài xứ biển thuần chất Việt Nam.
Hội An
Hội An là một thành phố trực thuộc tỉnh, được thành lập ngày 29 tháng 1 năm 2008 theo Nghị định số 10/2008/NĐ-CP của Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hội An hiện nay đã được công nhận là đô thị loại III, trực thuộc tỉnh Quảng Nam.
Tại Hội An có Phố cổ Hội An là di sản văn hóa của UNESCO từ năm 1999.Hội An ngày nay gần như bảo tồn nguyên trạng các quần thể di tích kiến trúc cổ và nền tảng văn hoá phi vật thể trong những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hoá, các làng nghề truyền thống… Ngoài ra nét văn hóa ẩm thực ở Hội An cũng là một trong những điều đặc biệt mà du khách thường hay nhắc đến, nếu đã đến đây mà chưa thưởng thức các món ăn truyền thống như: Cao lầu, mì Quảng, bánh “hoa hồng trắng”… thì xem như chưa từng đến Hội An.