Nội Dung Chính
Chùa Cổ Am
Chùa ban đầu là một am nhỏ để nhân dân đến lễ bái nên được gọi là Sơn Am Tự. Sau đó vào cuối thời Hậu Lê, chùa được dời xuống chân núi và đổi tên thành Hương Phúc Tự. Tuy nhiên, vào đời vua Minh Mạng, chùa được trở về vị trí cũ với tên gọi Cổ Am Tự.
Hằng năm, chùa tổ chức các ngày lễ lớn như: Cầu an đầu năm, Đại lễ Phật đản, Đại lễ Vu lan Báo hiếu, Lễ kỷ niệm ngày sinh của đức Phật A Di Đà, Lễ kỷ niệm ngày thành đạo của đức Phật Thích Ca…. Từ cổng Chánh điện ở dưới chân lèn, chúng ta có thể lên thượng điện ở lưng chừng núi, rồi sang động Như Ý, lên đỉnh núi ngoạn cảnh. Trên đỉnh núi, chúng ta sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng tượng Quan âm lớn nhất Nghệ An với 3 mặt hướng về 3 phía khác nhau và tham dự những lễ hội tâm linh hoành tráng, đầy ý nghĩa nhân văn.
Địa chỉ: Chùa Cổ Am nằm trên địa phận xã Diễn Minh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
Chùa Bà Bụt
Chùa Bà Bụt có tên chữ là Tiên Tích Tự. Ngày xưa, chùa rộng khoảng 10 mẫu, gồm các hạng mục công trình như: sân vườn, ao sen, tam quan, nhà trạm, nhà thuyền, tiền đường và thượng điện cây cối xanh tốt. Chùa tổ chức lễ hai năm một lần vào ngày 20, 21 tháng Giêng âm lịch.
Hiện nay, chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật như chuông đồng, câu đối, đại tự, bài minh, lạc khoản và nhiều tượng phật. Đây là những tài liệu và hiện vật quý giá, đặc biệt là tượng Phật bà Quan Âm cổ. Kiến trúc chùa cổ kính, thiêng liêng với nhiều chạm khắc tinh xảo, giá trị.
Địa chỉ: xã Lam Sơn, huyện Đô Lương, Tỉnh Nghệ An
Chùa Đại Tuệ
Ngôi chùa thờ Phật Mẫu Đại Tuệ – tức đại diện cho trí tuệ Đức Phật (Tuệ Giác, Tuệ Kiếm, Tuệ Lực, Tuệ Tâm, Tuệ Mục, Tuệ Nhãn). Đây là nơi duy nhất trên đất nước ta có ngôi chùa thờ Phật Mẫu Đại Tuệ. Hiện nay, chùa Thượng đã hoàn thành với bảo tháp Đại Tuệ cao chín tầng, Đại hùng Bảo Điện, nhà Tổ đường, nhà thờ Ngũ đế, nhà kỷ niệm đường, Hồ Tiên (ao sen) cùng với khu Tăng xá…
Chùa Đại Tuệ đã được công nhận bốn kỷ lục: Ngôi chùa trên núi có hồ nhân tạo lớn nhất; Ngôi chùa có hệ thống tượng hồng ngọc nhiều nhất; Ngôi chùa có hệ thống tượng bằng gỗ dâu nguyên khối nhiều nhất; Ngôi chùa có hệ thống câu đối bằng thư pháp thuần Việt nhiều nhất Việt Nam.
Địa chỉ: Dãy núi Đại Huệ, xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, Nghệ An
Chùa Gám
Chùa Gám hay còn gọi là Chùa Chí Linh, là một công trình văn hoá tâm linh nổi tiếng được xây dựng từ đời Trần, là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Về tên chùa Gám, do chùa tọa lạc tại làng Kẻ Gám xưa nên lấy tên làng đặt cho chùa. Cũng có người nói rằng: do ngày xưa xảy ra hạn hán lớn, người dân vào rừng hái quả của cây Gám để ăn thay lương thực nên không bị chết đói. Nhớ ơn rừng đã ban tặng cây quả, người dân đặt cho vùng núi đó là Gám.
Phật giáo tại chùa Gám theo tông phái Trúc Lâm, một tông phái phát triển rực rỡ dưới các triều đại Lý, Trần. Cuối năm 2010, tỉnh Nghệ An đã quy hoạch chi tiết xây dựng Khu du lịch văn hoá tâm linh sinh thái Rú Gám ( Đền – chùa Gám).
Địa chỉ: xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An
Chùa Phổ Nghiêm
Chùa Phổ Nghiêm hay còn gọi là Chùa Trung Kiên tổ chức lễ hằng năm vào ngày 15/07 âm lịch. Với kết cấu của nhà 3 gian, chùa gồm chính điện dùng làm nơi thờ tự và khu vực nhỏ hơn làm nơi ở của chư tăng. Chính điện được xây theo dạng “trùng thiềm điệp ốc” – đây là nét đặc trưng của lịch sử kiến trúc cố đô Huế.
Chùa đã được Bộ VH – TT công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia. Đây là ngôi chùa nằm khá gần với biển Đông, một vị trí khá đẹp và linh thiêng.
Địa chỉ: làng Trung Kiên, xã Nghi Thiết, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.