Nội Dung Chính
Làng hoa Tân Quy Đông – Đồng Tháp
Làng hoa Tân Quy Đông trồng nhiều các loài hoa đẹp mắt, điển hình như: cúc mâm xôi, cúc tiger, cúc đồng tiền, cát tường, vạn thọ, hoa mười giờ,… Đặc biệt có khoảng 50 giống hoa hồng xuất khẩu.
Đến làng hoa Tân Quy Đông, dù bất cứ tháng nào trong năm bạn cũng có thể ngắm hoa thỏa thích với nhiều chủng loài, màu sắc, hương thơm. Đặc biệt, khi những cánh én chao lượn báo hiệu mùa xuân đã đến, cũng là lúc làng hoa Tân Quy Đông vào hội, các loài hoa đua nhau tỏa hương, khoe sắc trong ánh nắng vàng nhè nhẹ gió xuân, như đón chào lữ khách về thăm.
Làng hoa Tân Quy Đông đã góp phần làm cho du lịch Đồng Tháp thêm sinh động. Du khách đến đây ngoài việc mãn nhãn với các loài hoa đa dạng và phong phú, còn được nghe các nghệ nhân giới thiệu về đặc điểm, xuất xứ, ý nghĩa và giá trị tinh thần lẫn kinh tế của từng loài hoa kiểng. Có thể nói, làng hoa Tân Quy Đông đã trở thành hội hoa xuân thơ mộng của miền Tây Nam Bộ vào dịp cuối năm.
Cánh đồng điện gió khổng lồ – Bạc Liêu
Cánh đồng quạt gió lãng mạn giữa nền trời xanh mướt đang trở thành địa điểm check-in quen thuộc của giới trẻ mỗi khi ghé chân tới Bạc Liêu. Từ khoảng cách xa cả chục cây số, người ta đã có thể nhìn thấy những lắp cánh quạt quay đều như những chong chóng khổng lồ in trên nền trời. Có tất cả 62 cột tháp và turbine điện gió đều được đặt trên biển.
Mỗi cột turbine cao 80 m, đường kính 4 m, nặng trên 200 tấn, được chế tạo bằng thép không gỉ. Cánh quạt dài 42 m được làm bằng nhựa đặc biệt. Khi thời tiết xấu, cánh quạt có thể gập gọn lại để tránh hư hỏng.
Du khách cần lưu ý là không phải khu vực nào của cánh đồng quạt gió cũng được vào tham quan, nhiều chỗ được chụp hình thoải mái, nhưng cũng có những đoạn có người canh gác và phải xin phép mới được vào. Để có thể chụp được những bức hình đẹp tại đây, bạn nên đi vào buổi chiều lúc tầm 4 giờ, bởi lúc này nắng chiều hướng về turbine, chụp vừa sáng mặt vừa có nắng đẹp không quá chói chang.
Chợ Nổi Cái Răng – Cần Thơ
Thời gian họp chợ kéo dài từ sáng sớm cho đến 9 trưa nhưng thời điểm náo nhiệt nhất là khoảng 7 – 8h sáng và đến 9h hơn chợ đã vãn. Mỗi chiếc ghe như một quầy hàng di động, treo loại hàng trên mũi ghe để thuận tiện cho việc trao đổi mua bán.
Tuy nổi tiếng là xứ trái cây với những miệt vườn trái cây xum xuê, nhưng giá cả các loại trái cây, rau củ quả ở chợ nổi Cái Răng không quá rẻ so với những thành phố khác. Điều hấp dẫn du khách tới phiên chợ nổi này là nét đặc trưng của vùng sông nước và những loại trái cây tươi ngon.
Du lịch chợ nổi Cái Răng có gì thú vị? Bạn sẽ được tận hưởng không khó trong lành, làn gió mát rượi của sông nước hòa quyện cùng tiếng máy nổ, tiếng mái chèo và sóng vỗ mạn thuyền, tiếng mời chào mua bán rộn rã cả khúc sông.
Bến Ninh Kiều – Cần Thơ
Bến Ninh Kiều là một địa điểm mà du khách hay tìm đến nhất, nằm bên hữu ngạn sông Hậu, gần trung tâm thành phố Cần Thơ.Trên bến sông luôn tấp nập tàu bè, thuyền xuôi ngược chở đầy những sản vật vùng đồng bằng sông Cửu Long. Dọc theo Bến Ninh Kiều là cảng Cần Thơ. Cảng này được xây dựng hiện đại có khả năng tiếp nhận trọng tải 5.000 tấn, gần bến Ninh Kiều có chợ Cần Thơ, một trung tâm buôn bán lớn ở miền Tây Nam Bộ.
Đứng trên bến Ninh Kiều mắt ta nhìn sang Xóm Chài và hướng Cồn Ấu ở đầu vàm sẽ thấy một dải cù lao mập mờ cây lá, tạo cho ta niềm rung cảm dạt dào. Ngược lại nếu đứng từ bên kia Xóm Chài nhìn sang sẽ thấy toàn cảnh Ninh Kiều và phố xá rực rỡ ánh đèn soi bóng xuống mặt nước phù sa lấp lánh như rắc ánh vàng thật lung linh tuyệt đẹp giữa trời nước bao la, không khí trong lành nhờ cơn gió từ dòng Hậu Giang đưa vào.
Đến bến Ninh Kiều, du khách còn có thể tham quan các nhà hàng thủy tạ, chợ nổi trên sông, vừa thưởng thức các món ăn đặc sản, vừa ngắm dòng sông Hậu hiền hòa, thơ mộng.
Khu du lịch Mỹ Khánh – Cần Thơ
Theo Lộ vòng cung để vào Làng du lịch Mỹ Khánh, du khách luôn cảm nhận những làn gió nhẹ mát trong từ những vườn cây xanh mát dọc lối đi thổi qua. Trong diện tích hơn 50.000 m2, khu du lịch sinh thái này có đầy đủ các dịch vụ và không gian vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng cho du khách.
Với dịch vụ đa dạng của mình, Làng du lịch Mỹ Khánh đón du khách tham quan du lịch Cần Thơ 30/4, 2/9, tết, thậm chí là những ngày nghỉ cuối tuần khá đông. Khách đến đây không chỉ được tận hưởng một không gian làng quê Nam Bộ yên bình, tham gia các chương trình tour đa dạng từ Mỹ Khánh đến các điểm tham quan khác của Cần Thơ, mà còn có thể vui chơi giải trí với nhiều dịch vụ câu cá, thử bơi thuyền trên ao hồ, tham gia các trò chơi dân gian,… Khách còn có thể tham quan nhà cổ Nam Bộ ở đây đã hơn 100 năm tuổi, biết thêm nhiều nét đặc trưng thú vị về văn hóa và nếp sống, cũng như kiến trúc của người Nam Bộ xưa.
Nếu thích khám phá và tìm hiểu các làng nghề truyền thống tiêu biểu ở đây, phía sau nhà cổ là làng nghề làm bánh tráng và nấu rượu. Đến thăm làng nghề, du khách có thể thấy một quy trình làm bánh tráng thủ công khá tỉ mỉ và sản phẩm thu được từ sự tỉ mỉ ấy là những cái bánh tráng thật ngon và có hương vị rất đặc trưng của xứ sở này.
Không chỉ có dịch vụ phục vụ tham quan vui chơi giải trí, về phục vụ ẩm thực, Làng du lịch Mỹ Khánh có các nhà hàng như Nhà hàng cổ Nam Bộ II, Nhà hàng Thủy tạ, Nhà hàng du thuyền… phục vụ thực đơn rất đa dạng và phong phú. Với các đầu bếp có tay nghề lâu năm cùng đội ngũ nhân viên phục vụ chu đáo, du khách không phải đến các quán ăn ngon mới có thể thưởng thức được những món ăn như ý, mà ngay tại các nhà hàng của Làng du lịch Mỹ Khánh, những món ăn ngon và đậm đà nhất trong ẩm thực Cần Thơ luôn được chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ thực khách.
Cầu đi bộ du lịch Ninh Kiều – Cần Thơ
Cầu đi bộ từ Bến Ninh Kiều qua cồn Cái Khế rộng khoảng 7,2 m, được trang trí bởi hệ thống đèn led tạo nên vẻ đẹp sinh động và hiện đại, hai bên thành cầu được bố trí hệ thống cây xanh bên ngoài lan can, hệ thống tưới và thoát nước tự động được bố trí trong bồn hoa tiện lợi cho công tác bảo trì… Ngoài là điểm nhấn của trung tâm thành phố Cần Thơ, đây còn là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa miền sông nước của thành phố trong tương lai.
Nhà Công Tử Bạc Liêu – Bạc Liêu
Công tử Bạc Liêu nổi tiếng với rất nhiều giai thoại ăn chơi bạt mạng và lắm vợ nhiều bồ. Ông là khách quen của tất cả các nhà hàng sang trọng ở Sài Gòn, đánh bạc với số tiền khổng lồ và lái máy bay đi thăm ruộng. Ông đã từng đốt tiền nấu chè với công tử Phước – thường được gọi là Bạch công tử.
Khu nhà gồm 2 tầng nổi bật bởi màu trắng sang trọng cùng kiến trúc Pháp lộng lẫy. Tầng trệt của căn biệt thự có 2 phòng ngủ, 2 đại sảnh và cầu thang dẫn lên lầu. Tầng lầu có 3 phòng ngủ, 2 đại sảnh, phòng công tử Trần Trinh Huy, có đầy đủ tiện nghi như giường đôi, tivi, điện thoại, máy lạnh, tủ áo và một bàn viết. Sau khi xây xong, đây được xem là ngôi nhà bề thế nhất Nam Kỳ lục tỉnh lúc bấy giờ.
Ngày nay, khu nhà công tử Bạc Liêu vẫn được bảo tồn và gìn giữ để phục vụ khách tham quan. Ngay khi bước chân vào ngôi nhà, du khách sẽ bị cuốn hút bởi những đường nét thiết kế tỉ mỉ, tinh tế, toát lên vẻ sang trọng. Những chiếc đèn màu vàng với ánh sáng lung linh tạo cảm giác ấm cúng và lịch lãm. Trên mỗi cây cột của ngôi nhà đều được trang trí nhiều hoa văn đẹp mắt. Một phần của khu nhà được trưng bày những đồ nội thất gia đình công tử Bạc Liêu từng sử dụng như các bộ bàn ghế được khảm xà cừ tinh xảo; những chiếc ấm, tách trà với họa tiết rồng bay, phượng múa…
Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam – Cần Thơ
Khi đến đây du khách sẽ bất ngờ với lối kiến trúc độc đáo nơi đây. Cổng chính của thiền viện được thiết kế vuốt cong với hình đầu rồng cách điệu, cửa làm bằng gỗ quý sơn màu nâu bóng loáng. Hai bên cổng đặt 2 bức tượng cao: bên trái là tượng Vi Đà Hộ Pháp (hay còn gọi là Ông Thiện) bảo vệ ngôi Tam Bảo; bên phải là tượng Tiêu Diện Đại Sĩ (hay còn gọi là Ông Ác) chuyên hàng phục quỷ yêu, cứu độ chúng sinh.
Phía sau cánh cổng là cảnh quan được bài trí cân đối khiến du khách cảm nhận ngay được sự thoáng đãng của chốn thanh tịnh. Hai bên là hai nhà thủy tạ nổi trên mặt hồ với những sắc màu của những bông hoa súng. Dẫn du khách vào nhà thủy tạ là chiếc cầu màu đỏ để chiêm ngưỡng bức tượng đặt trong đó. Bên phải chính điện là tháp chuông với chuông đồng nặng đến 1,5 tấn. Bên trái chính điện là tháp trống được chạm trổ công phu, tinh xảo.
Giữa chính điện là tượng Phật Thích Ca bằng đồng mạ vàng được được uy nghiêm, cao khoảng 2 m, nặng 3,5 tấn. Phía phải chính điện là bệ thờ: tượng Bồ Tát Văn Thù, Đức Chúa Ông. Phía trái là bệ thờ tượng: Bồ Tát Phổ Hiền, Đức Thánh Hiền. Tất cả đều làm bằng gỗ, chạm trổ tinh vi. Trên mỗi cột du khách còn được nhìn thấy những câu liễn đối chữ đen trên nền vàng.
Đến thiền viện Trúc Lâm Phương Nam cùng ngắm khung cảnh và cầu an sẽ là chuyến hành hương đáng nhớ của bạn trong những ngày đầu năm mới. Từ đó sẽ mang lại cho du khách những cảm giác bình an trong tâm hồn để khởi đầu một năm an lạc. Ngoài ra, những bạn trẻ đến đây ngoài cầu an, tham quan phong cảnh còn tranh thủ ghi lại những khoảnh khắc đẹp bên vườn hoa, cây cảnh trong khuôn viên thiền viện.
Đảo Nam Du – Kiên Giang
Tháng 12 đến tháng 3 là thời điểm đẹp nhất để du lịch đảo Nam Du, vào khoảng thời gian này biển khá êm và trong xanh, do vậy những bạn bị say sóng cũng sẽ giảm được nhiều khó chịu khi di chuyển bằng tàu.
Hòn Mấu rộng khoảng 200 ha. Trong số 21 hòn đảo của quần đảo này, tạo hóa có vẻ thiên vị khi ban phát cho hòn đảo nhỏ này những bãi biển tuyệt đẹp. Có đến năm bãi biển trên đảo. Đó là Bãi Chướng, Bãi Nam, Bãi Bắc, bãi Ðá Ðen và bãi Ðá Trắng. Bãi Nam là mặt tiền của đảo. Bãi này hầu như yên ắng quanh năm, nên tàu bè đến giao thương đều dừng lại ở mặt này. Vì thế, cư dân ở đây cũng đông hơn. Dù vậy, bãi cũng rất sạch sẽ, cát trắng mịn và bãi Lài.
Hòn Ngang có bến cảng êm sóng nhất Nam Du. Hòn Ngang là trung tâm xã Nam Du. Bến tàu Hòn Ngang có hàng ngàn tàu thuyền ghe xuồng và gần 60 lồng bè nuôi cá neo đậu không theo một trật tự nào. Bờ cảng là dãy nhà sàn trên cọc tre và bê tông san sát nhau chạy dài 2 km. Chỉ có một con đường nhỏ chừng 1,5 m, không có bất cứ loại phương tiện giao thông nào.
Hòn Sơn nằm giữa Hòn Tre và quần đảo Nam Du, cách đất liền khoảng 60 km, đến Hòn Sơn, du khách mới thấy hết cảnh sắc nên thơ, sự kết hợp hài hòa giữa biển – đảo. Vào những ngày trời đẹp, nhìn từ xa Hòn Sơn như một viên ngọc lấp lánh với những đỉnh núi nhấp nhô trên sóng nước. Càng đến gần, màu xanh trên đảo càng cuốn hút bởi được bao phủ bằng những rặng dừa xanh ngút ngàn, cảnh sắc êm đềm, thơ mộng.
Rừng tràm Trà Sư – An Giang
Rừng tràm Trà Sư có diện tích gần 850 ha, là khu rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng Tây sông Hậu, nơi sinh sống của nhiều loài chim nước, động vật hoang dã và thủy sinh vật, thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam.
Hệ động vật ở rừng tràm Trà Sư khá phong phú. Hệ chim gồm 70 loài, trong đó có 2 loài chim quý hiếm là giang sen và điên điển. Hệ thú nổi bật với 15 loài dơi và 4 loài gặm nhấm, trong đó có loài dơi chó tai ngắn quý hiếm đã được ghi trong sách Đỏ Việt Nam. Hệ bò sát, ếch, nhái ghi nhận 25 loài, gồm cả rắn hổ mang và rắn cạp nong.
Hệ thực vật ở rừng tràm Trà Sư cũng khá đa dạng với 140 loài, trong đó có 22 loài cây gỗ, 25 loài cây bụi, 10 loài dây leo, 70 loài cỏ, 13 loài thủy sinh. Nổi bật nhất là cây tràm, và thảm bèo mơn mởn giăng kín mặt nước.
Chạy dọc con đường thơ mộng dẫn lối vào khu du lịch rừng tràm Trà Sư An Giang, hai bên là những đồng lúa trải rộng ngút ngàn, điểm tô những tụm cây thốt nốt cao cao, khoe dáng hình độc đáo… dễ khiến du khách mải mê ngoạn cảnh thanh bình, và chẳng mấy chốc đã đến nơi.
Tại đây, du khách sẽ có dịp ngồi trên chiếc tắc ráng đặc trưng miền sông nước. Thuyền lướt nhẹ trên thảm bèo màu mạ non, ngang qua vạt sen, khóm súng, rồi men theo “tuyến đường nước” đưa du khách vào sâu trong rừng tràm Trà Sư.