Nội Dung Chính
Cánh đồng hoa Hướng Dương
Cánh đồng hoa Hướng Dương rộng mênh mông của huyện Nghĩa Đàn có diện tích lên đến 60 ha, đã thu hút khách du lịch đặc biệt là giới trẻ đến đây chiêm ngưỡng. Khi đến đây du khách sẽ được tự do chụp ảnh, ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ mà không phải mất bất kỳ một chi phí nào. Một năm hoa hướng dương nở vào hai mùa, tháng 3-4 và tháng 11-12. Ngay từ cuối những ngày tháng 11, khi các bông hoa đầu tiên khoe sắc, du khách có thể đến hòa mình vào sắc vàng mê mải của thiên đường hướng dương lớn nhất cả nước này. Những “cánh hoa mặt trời” là biểu tượng cho niềm lạc quan, hy vọng nên dù có trong những ngày đông rét buốt xám xịt, Nghĩa Đàn vẫn rực sáng bởi hàng triệu bông hướng dương khoe sắc. Màu vàng của cánh đồng hướng dương trải dài từ quả đồi này đến quả đồi khác, như là vô tận đến cuối chân trời.
Khu di tích lịch sử Truông Bồn
Khu di tích lịch sử Truông Bồn, huyện Đô Lương là nơi 13 thanh niên xung phong đã hy sinh vào năm 1968. Từ đó địa danh Truông Bồn trở thành huyền thoại, ghi dấu chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Ghi nhận sự cống hiến và hy sinh anh dũng của các anh hùng liệt sĩ trên con đường huyền thoại Truông Bồn, đặc biệt là sự cống hiến và hy sinh anh dũng của 13/14 chiến sĩ “Tiểu đội thép” thuộc Đại đội TNXP 317, năm 1996, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Truông Bồn là di tích lịch sử Quốc gia. Truông Bồn hôm nay và mai sau, mãi vang vọng những lời ru của đất mẹ như là lời ru của cả dân tộc để linh hồn các chị, các anh được yên giấc ngàn thu.
Mộ bà Hoàng Thị Loan
Mộ bà Hoàng Thị Loan – Người mẹ đã sinh ra người anh hùng dân tộc Hồ Chí Minh nằm trên đỉnh của một ngọn núi cao có tên Động Thanh, được xây hướng về nhà Bác tỏ rõ sự mong muốn luôn dõi theo chồng con của bà lúc sinh thời. Những thứ làm nên Ngôi Mộ cũng mang những ý nghĩa đặc biệt, gắn với phần đời của Bà. Ví dụ như từ chân núi, lối lên phần mộ Bà nằm ở bên trái phần mộ có 269 bậc (con số 69 là năm Bác Hồ mất – 1969), lối xuống bên phải phần mộ có 242 bậc (con số 42 là năm cậu Khiêm;đưa hài cốt mẹ về đây – 1942). Trước phần mộ xuống sân bia 33 bậc, con số 33 là tuổi đời của Bà. Phía trên mộ là dàn hoa cách điệu hình khung cửi bởi lúc còn sống Bà thường dệt vải bằng khung cửi. Hai cụm cây hoa giấy che mát phần mộ Bà được lấy giống từ Huế – nơi bà mất và khu lăng mộ của ông Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp…
Quê hương của Bác Hồ
Nói đến Nghệ An, chúng ta không ai là không nghĩ đến chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại bởi đó là nơi sinh ra và lớn lên của Người. Vậy nên, nơi đầu tiên không thể không ghé thăm đó chính là Quê Bác – Kim Liên, thuộc huyện Nam Đàn. Chỉ nhà tranh vách nứa đơn sơ thôi nhưng khung cảnh tĩnh lặng, ấm áp lòng người. Về thăm nơi đây, du khách được đắm mình trong những câu chuyện xưa cũ về Bác, về gia đình của Bác qua lời kể nhẹ nhàng, cảm động của các cô thuyết minh thân thiện và xinh đẹp.
Vườn quốc gia Pù Mát
Trãi dài trên mảnh đất của 3 huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, một khung cảnh thiên nhiên hoang sơ như chưa hề có bàn tay của con người chạm đến: Rừng nguyên sinh thượng nguồn Khe Thơi, Khe Bu, Khe Choăng, Cao Vều… Thác Khe Kèm, suối nước Mọc, sông Giăng, rừng săng lẻ và những nét văn hoá đặc trưng của dân tộc Thái, H’mông, Đan Lai – nét hoang sơ là món quà của thiên nhiên ban tặng cho Pù Mát. Một điều kỳ lạ gần như hiếm có ở Pù Mát là trên những chiếc thuyền nhỏ rẽ sóng trên sông Giăng, du khách như được trở về với thiên nhiên đích thực, nơi con người chỉ là một phần nhỏ bé của thiên nhiên. Hai bên bờ cây cối rậm rạp, đậm vẻ hoang sơ với điểm nhấn là dãy núi đá vôi hùng vĩ, điểm xuyết những màu sắc sặc sỡ của các loài Phong lan và làn nước trong xanh dịu mát.