Nội Dung Chính
Biển An Bàng
Trong những bãi biển ở Hội An, bãi An Bàng được ví như thiên đường của dân yêu biển. Bãi biển An Bàng mang một nét đẹp bình yên, nổi bật với làn nước biển màu xanh ngọc trải dài hút tầm mắt. Bãi biển rộng cho du khách thoải mái vẫy vùng và bãi cát trắng ngà mịn màng, sạch sẽ là nơi lý tưởng để du khách phơi mình dưới cái nắng rực rỡ. Tại bãi An Bàng có khá nhiều quán bar, nhà hàng cùng các dịch vụ phục vụ du khách. Bạn có thể tắm nắng ở đây, hay trốn mình dưới những tán cọ để nghỉ ngơi hóng gió biển, hay thuê ván trượt, ca nô, bóng ném…để giải trí.
Một hành trình tour du lịch dài ngày đến với Hội An, hẳn sẽ có những khoảnh khắc vui đùa ngắm biển. Bởi nếu thiếu những khoảnh khắc này, chuyến đi đến Hội An Quảng Nam của du khách sẽ mất đi nhiều phần thú vị. Ai nói Hội An chỉ có Phố cổ thôi? Ai bảo Hội An sẽ khiến bạn phải nhớ đến phố cổ rêu phong và những chiếc đèn lồng rực rỡ? Chắc chắn Hội An còn khiến bạn xao xuyến nhung nhớ hơn, từ những phút bình yên trước những bãi biển Hội An khoáng đạt yên bình.
Chùa Cầu
Chùa Cầu là viên ngọc giữa lòng Hội An. Cầu xây dựng vào cuối thế kỷ 16 và được gọi là cầu Nhật Bản. Ở giữa cầu có một ngôi miếu nhỏ thờ Huyền Thiên Đại Đế. Cầu có mái che khá độc đáo cùng các kết cấu, họa tiết trang trí thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa các phong cách kiến trúc Việt, Hoa, Nhật, và cả phương Tây.
Làng gốm Thanh Hà
Vào thế kỷ 16, 17, Thanh Hà là một ngôi làng rất thịnh đạt, nổi tiếng về các mặt hàng gốm, đất nung được trao đổi, bán buôn khắp các tỉnh miền Trung Việt Nam. Nghề gốm của làng có nguồn gốc xuất xứ từ Thanh Hóa, sau khi tiếp thu được một số vốn liếng kỹ thuật thì đã hình thành làng gốm như ngày nay. Sản phẩm chủ yếu là các đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày như chén, bát, chum, vại, bình hoa, chậu cảnh, hình thù các con giống… mang nhiều kiểu dáng, màu sắc rất phong phú và đặc biệt nhẹ hơn so với các sản phẩm cùng loại của địa phương khác.
Hội quán Quảng Đông
Hội quán được Hoa Kiều Quảng Đông xây dựng vào năm 1885, thoạt đầu để thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và Đức Khổng Tử, sau năm 1911 chuyển sang thờ Quan Công và Tiền Hiền của bang. Sự sử dụng hợp lý các chất liệu gỗ, đá trong kết cấu chịu lực, chi tiết trang trí đã đem lại cho Hội quán vẻ đẹp đường bệ, riêng có. Hàng năm vào ngày Nguyên Tiêu, vía Quan Công (24 tháng 6 Âm lịch) tại đây diễn ra lễ hội rất linh đình thu hút nhiều người tham gia.
Rừng dừa bảy mẫu Cẩm Thanh
Không chỉ đất Nam Bộ mới có dừa, điểm du lịch Hội An cũng có rừng dừa bảy mẫu Cẩm Thanh phủ xanh rì một góc trời. Được ví như Nam Bộ thu nhỏ trong lòng phố cổ, rừng dừa bảy mẫu Cẩm Thanh là khu di tích lịch sử đặc biệt của địa phương, nay được khai thác thành điểm du lịch sinh thái phục vụ du khách. Cách trung tâm Hội An 5km xuôi thuyền về phía đông, rừng dừa bạt ngàn, xanh mướt trải dài đến tận Cửa Đại, khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh đẹp thanh bình, nên thơ và làn không khí trong lành, dễ chịu. Đặc biệt tại đây còn có hải sản tươi sống phong phú cho bạn thỏa sức thưởng thức.
Nhà cổ Tấn Ký
Ðược xây dựng cách đây gần 200 năm, nhà Tấn Ký có kiểu kiến trúc đặc trưng của nhà phố Hội An với nội thất chia làm nhiều gian, mỗi gian có chức năng riêng. Mặt tiền nhà là nơi để mở cửa hiệu buôn bán, mặt sau thông với bến sông để làm nơi xuất nhập hàng hóa.
Nhà được xây dựng bởi những loại vật liệu truyền thống và được tạo tác bởi những thợ mộc, nề địa phương nên vừa mang dáng nét riêng, nhanh nhẹn, thanh thoát, ấm cúng, vừa thể hiện sự giao lưu với các phong cách kiến trúc trong khu vực. Ngày 17 tháng 2 năm 1990, nhà Tấn Ký đã được cấp bằng Di tích Lịch sử – Văn hóa Quốc gia.