Nội Dung Chính
Làng gốm Bát Tràng
Không những nổi tiếng về mặt hàng gốm tinh xảo, chất lượng cao, làng gốm Bát Tràng còn trở thành điểm du lịch làng nghề gốm nổi bật của Hà Nội, thu hút khách du lịch với các trải nghiệm thú vị. Trung tâm làng gốm có khu chợ gốm rộng khoảng 6.000 mét vuông, được chia thành những gian hàng bày bán đủ loại mặt hàng thủ công mỹ nghệ gốm sứ, từ những gian hàng đồ bình dân, cao cấp, đồ trang trí cầu kỳ cho đến tiểu cảnh non bộ, những món đồ lưu niệm nhỏ xinh,… tất cả đều được bày bán tại đây. Trong số nhiều mặt hàng của làng nghề gốm, gây thích thú với các bạn trẻ có lẽ là những viên đất nung khắc chữ, đủ màu sắc. Sau khi đã chọn cho mình những viên như xếp thành thông điệp, các cô bán hàng ở đây sẽ giúp bạn kết lại thành những chiếc vòng tay, vòng cổ bắt mắt. Bạn có thể dạo một vòng tham quan làng gốm Bát Tràng bằng xe trâu cũng khá thú vị đấy nhé hoặc thả bộ men theo những ngõ nhỏ trong làng, bạn sẽ dễ bắt gặp những giàn phơi gốm ngộ nghĩnh, những bức tường kỳ lạ, làm phông nền chụp ảnh thì rất độc đáo.
Quanh làng gốm còn có nhiều xưởng gốm chất đầy đồ gốm phía trước như một cách trưng bày sản phẩm, bạn có thể ngỏ ý vào tham quan hay mua gốm ngay tại đây, có khi bạn sẽ mua được những món đồ độc hơn ngoài chợ mà giá cũng thấp hơn đấy nhé. Còn 1 điều thú vị khi đến đây là bạn có thể trải nghiệm cảm giác trở thành thợ gốm với chi phí khá rẻ, tha hồ sáng tạo, đùa nghịch với đất sét trên bàn gốm. Nếu khéo tay bạn có thể cho ra tác phẩm ưng ý, bạn có thể nung gốm, mang về làm kỷ niệm.
Đi lại: 50.000 đồng
Ăn uống: 80.000 đồng
Vui chơi: 60.000 đồng
Bắc Sơn
Bắc Sơn là một huyện miền núi, nằm ở phía Tây Bắc của Lạng Sơn, không chỉ nổi tiếng là địa danh lịch sử, mà cảnh sắc còn đẹp đến mê hồn. Thung lũng Bắc Sơn nằm lọt giữa những bốn bề núi đá vôi trùng điệp, điểm tô là những dòng sông uốn lượn qua những đồng lúa bạt ngàn, tất cả đã tạo nên một bức tranh phong cảnh hữu tình. Cư dân Bắc Sơn gồm người Kinh, Dao, Tày, Nùng,… với những nhà sàn truyền thống đã điểm tô cho Bắc Sơn thêm phần mộc mạc, thanh bình. Đất đai ở nơi đây màu mỡ, người dân chủ yếu làm nông, đặc biệt là trồng lúa nước, ngoài ra họ còn canh tác thêm ngô, khoai để chăn nuôi gia súc, gia cầm. Điều đặc biệt ở cánh đồng lúa nơi đây là, những thửa ruộng không hoàn toàn được gieo trồng cùng một thời điểm, tạo nên “tấm thổ cẩm” khổng lồ nhiều màu sắc, đan xen giữa ruộng lúa chín, lúa xanh, lúa vừa mới cấy… mang lại cảm giác lâng lâng khác lạ cho những ai được ngắm nhìn tận mắt. Trong lịch sử, Bắc Sơn còn từng là căn cứ kháng chiến, nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn lẫy lừng vào năm 1940, còn là nơi phát hiện ra nhiều di chỉ khảo cổ về người tiền sử, tại đây rất nhiều nhà khảo cổ đã tìm thấy nền văn minh của người Việt cổ vào đồ đá mới, mang tên văn hóa Bắc Sơn. Đến đây bạn nhất định phải trải nghiệm đỉnh núi Nà Lay, làng Quỳnh Sơn, thác Đăng Mò, bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn, đình Nông Lục là một trong những địa điểm nổi tiếng của Bắc Sơn đấy nhé.
Đi lại: 120.000 đồng
Ăn uống: 150.000 đồng
Thung Nai
Du lịch Thung Nai Hòa Bình mỗi mùa lại có một vẻ đẹp riêng, tuy nhiên vào mùa hè, từ tháng 5 đến tháng 8 không khí rất trong lành, mát mẻ, phù hợp để tránh nóng. Đặc biệt là vào những ngày cuối tuần, những hôm rằm, bạn có thể thưởng ngoạn ngắm trăng trên lòng hồ sông Đà bởi ngày rằm trăng vô cùng sáng và tròn đẹp. Nếu bạn đi vào mùa nước cạn, bạn có thể tham quan động Thác Bờ, đền Thác Bờ, đã đến Thung Nai nhất định bạn phải một lần chèo thuyền ngắm cảnh lòng hồ sông Đà, với làn nước trong xanh, mát lạnh, có thể tự mình chèo thuyền, chiêm ngưỡng non nước nơi đây. Suối Trạch là một bể tắm thiên nhiên lý tưởng, ai đến Thung Nai vào mùa hè cũng đều không thể bỏ qua. Đền bà Chúa Thác Bờ nổi tiếng linh thiêng lúc nào cũng tấp nập, ngôi đền này thuộc huyện Đà Bắc, bạn muốn lên được thì phải leo hơn 100 bậc, rồi vượt qua một triền dốc thoải mới có thể đến nơi.
Thung Nai cũng như bao địa phương khác, có những giờ lao động tươi vui, mỗi buổi sáng cuối tuần người dân địa phương trên phiên chợ nổi Thác Bờ họ trao đổi, gặp gỡ để đổi lấy những món hàng hóa, để tạo nên những niềm vui nho nhỏ trong ngày. Động Thác Bờ với hình ảnh những khối thạch nhũ kỳ ảo cùng không gian yên tĩnh, động Thác Bờ cứ yên lặng đi vào lòng khách du lịch với những ấn tượng đặc biệt như thế.
Đi lại: 100.000 đồng
Ăn uống: 100.000 đồng
Qua đêm: 100.000 đồng
Vườn Quốc Gia Ba Vì
Cách trung tâm thủ đô gần 50km về phía Tây, với khí hậu trong lành, mát mẻ, từ lâu Vườn Quốc Gia Ba Vì đã trở thành điểm đến lý tưởng cho bao khách du lịch trong lẫn ngoài nước. Đến Vườn Quốc Gia Ba Vì, bạn sẽ được đắm mình giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng, được trở về truyền thuyết Sơn Tinh- Thủy Tinh đậm chất thơ. Ở giữa vùng đồi núi của xứ Đoài nổi lên một khối núi cao sừng sững với 3 đỉnh núi đã làm nên cái tên Ba Vì, đó là đỉnh Vua cao 1.296m, đỉnh Ngọc Hoa cao 1.131m, đỉnh Tản Viên cao 1.227m. Lưng chừng núi có khá nhiều thác nước đổ xuống tạo nên những điểm du lịch hấp dẫn như Ao Vua, Khoang Xanh, Thác Ngà, Suối Ngọc,… tất cả tạo thành một quần thể non nước hữu tình. Vườn Quốc Gia Ba Vì nằm trong khối núi đồ này kéo dài tới tận đỉnh Viên Nam Hòa Bình. Trên đỉnh Vua là Đền thờ Hồ Chí Minh, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam ta, danh nhân văn hóa thế giới. Ngôi đền nằm trong một không gian huyền ảo, mây trắng bồng bềnh, cùng tiếng chim rừng lảnh lót dưới những tán cây cao vút. Ở độ cao 600m là khu di tích lịch sử cách mạng ghi lại trận đánh dũng cảm giữa bộ đội ta với Pháp trong chiến dịch Hòa Bình năm 1952. Đến Vườn Quốc Gia Ba Vì bạn như được sống lại quá khứ hào hùng, được trải lòng với hồn thiêng núi Tản.
Đi lại: 80.000 đồng
Ăn uống: 80.000 đồng
Hồ Tiên Sa
Hồ Tiên Sa có diện tích 150ha, ở độ cao 65 – 400m trong đó có 120ha là rừng, 30ha là mặt nước. Cánh rừng xanh phủ trên sườn núi, trên những quả đồi bao quanh, hồ nước mênh mông, trong vắt đã tạo nên một vùng tiểu khí hậu ôn đới trong lành. Nó cũng tạo cho Hồ Tiên Sa một khung cảnh hùng vĩ, thơ mộng. Hồ Tiên Sa có nước trong vắt quanh năm, trên đó có những chiếc nhà nổi để bạn ngồi hưởng thú vui câu cá hay thả hồn theo nhịp sóng nước. Những đôi bạn trẻ đến đây thường hay chọn cho mình một chiếc thuyền phao để đùa vui đùa cùng sóng nước. Ở đây cũng có xuồng cao tốc để phục vụ cho những bạn thích môn lướt ván, đưa bạn thăm vòng quanh hồ. Ngoài vẻ đẹp tự nhiên với núi rừng sóng nước Hồ Tiên Sa còn mang nét hoang sơ của những công trình nhân tạo cũng rất hấp dẫn khách du lịch. Tất cả các công trình xây dựng đều theo lối kiến trúc truyền thống của người phương Đông với những đường nét cầu kỳ, tinh tế, màu sắc tươi tắn. Cổng Ngũ Phúc, lầu Liên Hoa, lầu Uyên Ương, khách sạn Viên Sơn, cầu Thuận Thiên,… với mái ngói đỏ tươi, những đầu đao cong vút nổi lên giữa màu xanh cây lá, mây trời nhìn như một bức tranh thủy mạc, làm say lòng bao khách du lịch. Dựa vào điều kiện tự nhiên, Hồ Tiên Sa được chia thành nhiều khu vực với những hình thức giải trí đa dạng, phù hợp với mọi đối tượng.
Du khách đến Hồ Tiên Sa còn rất thú vị bởi các hoạt động giải trí diễn ra vào buổi tối, bạn có thể tham gia vào buổi biểu diễn văn nghệ vui vẻ hay quây quần quanh đống lửa trại diễn ra giữa thiên nhiên hùng vĩ.
Đi lại: 100.000 đồng
Ăn uống: 100.000 đồng
Cắm trại: 100.000 đồng
Tây Thiên
Tây Thiên là một quần thể kiến trúc cổ xưa có chùa, đền, miếu,… mang đậm dấu ấn lịch sử, nằm giữa khung cảnh núi cao rừng thẳm, suối thác hữu tình. Tây Thiên còn là trung tâm thờ Mẫu, Phật giáo lâu đời ở Việt Nam. Nằm trên sườn ngọn núi Thạch Bàn thuộc dãy Tam Đảo ở độ cao đến 1.100m so với mực nước biển, Tây Thiên có phạm vi phân bố khoảng 11km², nằm giữa một vùng đa dạng sinh học, cảnh quan còn nguyên nét hoang sơ. Tây Thiên có hệ thống tài nguyên nhân văn gắn với lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng được các bậc tiền nhân dày công kiến dựng với ngôi đền Tây Thiên thờ Quốc Mẫu Tây Thiên Năng Thị Tiêu, các ngôi chùa cổ như chùa Chân Tiên, chùa Phù Nghì, chùa Đồng Cổ, chùa Tây Thiên, chùa Thiên Ân, đền Thượng Tây Thiên, am Lưỡng Phong, am Song Tuyền, thang Bộ Vân, đền Thõng, cầu Đái Tuyết,…
Có thể nói, nhờ sự gắn kết hài hòa giữa thiên nhiên với tín ngưỡng, mà khi đến Tây Thiên Vĩnh Phúc, người ta dễ dàng tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn, thỏa ước nguyện về cuộc sống an lành, hạnh phúc. Tây Thiên đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1991. Tây Thiên Vĩnh Phúc càng trở nên đông vui hơn nếu đi vào ngày hội hàng năm được mở ngày 15, 16, 17 tháng Hai âm lịch, đây là lễ hội đủ đông vui mà không phải chen chúc, đủ thanh tao mà không quá vắng vẻ… Đi vào những ngày này bạn sẽ cảm thấy tâm hồn thanh tịnh, được tận hưởng cảm giác bình yên. Với tiềm năng vốn có cùng hệ thống giao thông thuận tiện, Tây Thiên đang có những bước chuyển mình ngoạn mục, góp phần xứng đáng vào việc quảng bá, kích cầu du lịch Vĩnh Phúc.
Đi lại: 120.000 đồng
Ăn uống: 100.000 đồng
Hàm Lợn
Hàm Lợn cách trung tâm Hà Nội 40km đi về phía Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc. Ở Hàm Lợn, bạn có hai trải nghiệm chính là Leo núi Hàm Lợn hay Cắm trại tại hồ Hàm Lợn. Do đó, nếu bạn xác định Leo núi thì có thể đi về luôn trong ngày, còn nếu bạn muốn cả leo núi cả cắm trại thì bạn nên thu xếp thời gian để cắm trại buổi đêm tại đây sẽ là trải nghiệm rất thú vị đấy nhé. Hồ Hàm Lợn là một hồ lớn nằm giữa các sườn đồi thông, có khung cảnh trong lành, hữu tình, hồ có nước trong xanh. Xung quanh hồ có bãi đất trống bằng phẳng để cắm trại. Sau khi thuê lều trại, vật dụng, các bạn được phép chọn vị trí cắm trại, thoải mái tự do mà không ai quản lí bạn cả. Quanh đó cũng có nhiều bãi đất để các bạn tổ chức các chơi trò chơi lớn, team building… Buổi tối, có thể thỏa sức nướng đồ ăn, đốt lửa trại, thuê dàn âm thanh, nhảy nhót hát hò thâu đêm vì khu vực đó cực kỳ yên tĩnh, không có dân cư nên bạn không lo. Nếu dự định ở lại qua đêm các bạn nên mang theo chăn mỏng vì ngủ tại đây đêm khá lạnh.
Chinh phục đỉnh Hàm Lợn nghĩa là bạn phải bỏ thời gian, sự mạo hiểm của mình để leo lên đỉnh Hàm Lợn. Đỉnh núi Hàm Lợn là cao nhất trong dãy Độc Tôn của thủ đô Hà Nội. Có hai cách để bạn chinh phục đỉnh Hàm Lợn: đó là đi đường mòn sẽ xa và lâu hơn, mất khoảng 2 tiếng đồng hồ, còn đối với những bạn thích khám phá, đam mê mạo hiểm thì đi theo vách đá của dòng suối, khá trơn trượt, ẩm ướt đấy nhé. Lên đến đỉnh, bạn có thể thỏa sức chụp choẹt, tổ chức ăn uống, nghỉ ngơi trên các bãi đất trống.
Đi lại: 100.000 đồng
Ăn uống: 70.000 đồng
Cắm trại: 120.000 đồng
Tam Đảo
Tam Đảo cách thành phố Hà Nội khoảng 80km, nơi đây được người Pháp phát hiện, tiến hành cải tạo từ những năm cuối thế kỷ XIX, ở Tam Đảo có hàng loạt những công trình như: biệt thự, bể bơi, sân chơi, sàn nhảy, khách sạn ở Tam Đảo cùng nhà hàng sầm uất được xây dựng lên, nhưng trải qua bao thăng trầm lịch sử đã không còn lại bao nhiêu. Tam Đảo có diện tích hơn 214ha, gồm 2 thôn, khu du lịch Tam Đảo được bao bọc bởi những cánh rừng nguyên sinh nên có khí hậu vô cùng mát mẻ, kết hợp với cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, huyền ảo chắc chắn sẽ đem lại cho bạn nhiều cung bậc cảm xúc.
Thời tiết ở Tam Đảo đem đến cho bạn nhiều trải nghiệm độc đáo như những cơn gió xuân khe khẽ buổi sớm, trưa đến kéo theo những tia nắng ấm mùa hạ, buổi chiều phảng phất những cơn gió heo may mùa thu còn khi màn đêm buông xuống mang theo chút giá lạnh của mùa đông. Vì vậy việc chọn một khách sạn ở Tam Đảo để nghỉ ngơi, thư giãn qua đêm là điều bạn chắc chắn không nên bỏ qua. Được mệnh danh là “Đà Lạt ở phía Bắc”, sở hữu thuận lợi lớn về thời tiết mát mẻ quanh năm. Mỗi mùa của Tam Đảo sẽ đem đến cho bạn những trải nghiệm, cảm nhận rất riêng. Tam Đảo luôn có nhiệt độ thấp hơn Hà Nội, vì vậy vào mùa hè Tam Đảo đây là địa điểm thuận lợi để mọi người tránh cái nóng gay gắt của thủ đô. Vào mùa đông, nơi đây mang một vẻ đẹp lãng mạn, trầm lắng với những đám sương mù dày đặc, phủ kín đất trời.
Đi lại: 100.000 đồng
Ăn uống: 100.000 đồng
Ngủ nghỉ: 100.000 đồng
Làng văn hóa dân tộc Việt Nam
Làng văn hóa dân tộc Việt Nam nằm cách Hà Nội hơn 40km có địa hình đồi núi đa dạng, bên những thung lũng, hồ nước nơi đây được xem là địa điểm lý tưởng cho những bạn tham quan, du ngoạn, cũng như tìm hiểu thêm về nền văn hóa dân tộc Việt Nam.
Với diện tích 198.61 ha Làng văn hóa dân tộc Việt Nam trên khu đất có đồi cao, địa hình phong phú, thể hiện sự phân bố các làng dân tộc trải rộng mọi miền đất nước. Các khu làng dân tộc được xây dựng thành quần thể tái hiện lại cấu trúc làng của các dân tộc Việt Nam nhằm giới thiệu, gìn giữ, phát triển giá trị văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam. Khu làng dân tộc có 4 cụm làng ứng với những vùng miền các dân tộc cư trú, thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật có hình thức phong phú, năng động, hấp dẫn, đậm đà bản sắc dân tộc diễn ra tại Làng văn hóa dân tộc Việt Nam đã bồi dưỡng thêm tình yêu thiên nhiên, đất nước nâng cao dân trí, hoàn thiện con người theo hướng chân, thiện, mỹ của mỗi khách du lịch khi đến nơi đây.
Đi lại: 90.000 đồng
Ăn uống: 80.000 đồng