Nội Dung Chính
Động Linh Sơn
Động Linh Sơn là một trong những thắng cảnh nổi tiếng ở Thái Nguyên được nhiều người biết đến với 2 hang đá tự nhiên tên là Thiên và Địa. Động trước kia còn có tên là “hang Núi Hột” hoặc “hang Dơi”, thuộc Xóm Núi Hột, xã Linh Sơn, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.
Hang Thiên và hang Địa có cùng chung một cửa chính rộng khoảng 5m và diện tích cả hai gần 600 mét vuông. Bước vào cửa động, rẽ trái là “hang Thiên”, nền bằng phẳng và có các bậc như tam cấp. Bên trong có bệ thờ phật cùng các nhũ đá có nhiều hình dạng khác nhau. Đặc biệt là hình ảnh đôi rồng vờn mây uốn lượn mang vẻ đẹp rung động lòng người.
Từ cửa động rẽ phải đi thẳng đến hang Địa, tuy có diện tích rộng hơn hang Thiên nhưng lại sâu và thấp hơn. Nền đá rộng và bằng phẳng cùng không gian yên tĩnh hòa cùng cảnh đẹp hoàn mĩ của các nhũ đá tạo nên nét hấp dẫn không thể chối từ.
Thác Nặm Rứt
Thác Nặm Rứt còn có một cái tên khá thơ mộng theo tiếng Tày là thác Mưa Rơi, cách trung tâm thành phố Thái Nguyên khoảng 35 km. Vẻ đẹp của thác trở nên biến đổi vào hai mùa đặc trưng của Việt Nam, tạo nét hấp dẫn kỳ lạ khó mà cưỡng lại cho những ai lần đầu tiên đặt chân đến nơi này.
Mùa mưa, từ trên cao giữa vùng núi non, thác ào ào đổ xuống thật mạnh trên dòng sông Nghinh Tường tạo nên một khung cảnh vô cùng hùng vĩ, tráng lệ. Mùa mưa qua, mùa khô đến, dư âm còn lại của một dòng thác oai hùng trở nên dịu dàng hơn, quyến rũ hơn bởi những màu xanh phủ đầy rêu trên dốc đá cao. Vẻ đẹp lấp lánh của nắng in đầy trên mặt sông hiền từ.
Cửa Tử
Cửa Tử nghe có vẻ gì đó hơi “khủng khiếp” nhưng lại là thiên đường của những ai thích phiêu lưu mạo hiểm với những chuyến dã ngoại vào những ngày nắng nóng. Suối Cửa Tử thuộc xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ, là một dòng suối mang vẻ đẹp hoang sơ và đầy bí hiểm.
Dòng nước Cửa Tử len lỏi chảy qua từng khe đá, bào mòn và “mài dũa” chúng thành những hình thù lạ lẫm nhưng cũng lắm thú vị. Càng vào sâu, rừng núi càng hoang vu. Hai bên dòng suối rợp đầy bóng những cây cổ thụ đang buông mình thả dài vô số chiếc rễ sần sùi rất đáng sợ. Không gian yên ắng trong những luồng khí lạnh lẽo. Đến đây, bạn sẽ có một cơ hội trải nghiệm một chuyến du lịch kỳ thú không bao giờ quên.
Hang Phượng Hoàng – Suối Mỏ Gà
Hang Phượng Hoàng – Suối Mỏ Gà thu hút du khách không chỉ bởi sự kỳ vĩ của hang động mà còn vẻ đẹp nên thơ của dòng suối trong veo ngày đêm rì rì chảy. Nơi đây thuộc xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên nổi tiếng là một trong những địa điểm du lịch sinh thái lý tưởng của cả nước.
Nằm trên đỉnh núi nhưng hang Phượng Hoàng ăn sâu xuống lòng núi và cửa hang động có độ cao khoảng 100m. Trên đỉnh hang và vách hang được tô điểm bằng vẻ đẹp sinh động của những khối nhũ đá có hình thù tuyệt đẹp và đa dạng như chim phượng hoàng, hổ phục, mẹ bồng con,…Những hình ảnh ấy tạo cho hang động một nét thần bí khó cưỡng.
Từ trong hang chảy ra, dòng suối Mỏ Gà ngày đêm xuôi chảy, nước trong vắt tạo thành một dòng thác nhỏ tung bọt trắng xóa. Đến đây, du khách không chỉ được hòa mình vào làn nước mát rượi mà còn thả hồn theo tiếng chim hót giữa núi rừng hùng vĩ xinh đẹp.
Bảo tàng dân tộc Việt Nam
Được thành lập năm 1960, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam nằm tại trung tâm thành phố Thái Nguyên, được biết đến như là một công trình kiến trúc lớn mà còn là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, nơi lưu giữ những giá trị dân tộc quý báu.
Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam không chỉ là nơi giới thiệu mà còn tôn vinh, phát huy và giữ gìn những bản sắc, phong tục, văn hóa của các dân tộc anh em Việt Nam. Đến đây du khách sẽ có cơ hội tìm về cội nguồn xa xưa của các dân tộc, ngỡ ngàng trước những hiện vật đẹp bắt mắt như quần áo dân tộc, đồ nghề thủ công, các mô hình ma chay, cưới hỏi,…Với những nét đặc sắc trên, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã lọt vào top những bảo tàng hấp dẫn nhất Châu Á được cả thế giới công nhận. Đó là một niềm tự hào cần phát huy hơn nữa của dân tộc Việt Nam.
Hồ Vai Miếu
Hồ Vai Miếu thuộc huyện Đại Từ – Thái Nguyên, nổi bật với mặt nước rộng trong veo ngay dưới chân những ngọn đồi tạo nên một vẻ thơ mộng hấp dẫn. Đến đây, đặt vào mắt du khách ấn tượng đầu tiên là một con đường leo lên gần mặt hồ bằng bêtông khá hẹp và cao phảng phất màu xanh của núi rừng cao vút.
Đến với hồ Vai Miếu là đến với một khung cảnh thiên nhiên ngập tràn màu xanh thuần khiết, đắm mình trong làn nước trong bên những tảng đá lớn và lưu lại những kỉ niệm tuyệt vời bằng những khung ảnh thật đẹp. Chuyến đi sẽ thật đầy đủ hơn nếu như du khách dừng chân lại một chút nghỉ ngơi và thưởng thức một vài món đặc sản như cá hồ nướng, mía, chè,…
Di tích lịch sử An toàn khu (ATK) Định Hóa
Di tích lịch sử An toàn khu (ATK) Định Hóa được biết đến như một khu an toàn thời kháng chiến mà Bác Hồ và các vị lãnh đạo của đã đã sống và làm việc trong thời kỳ kháng Pháp. Đây là một khu di tích rộng lớn thuộc tỉnh Thái Nguyên với diện tích quy hoạch bảo tồn trên 5.200 km vuông.
Hiện nay, du khách khi viếng thăm khu vực này có dịp nhìn thấy nhiều di tích về nơi ở và làm việc của Bác như nền nhà, hầm làm việc hay những hàng cây râm bụt Bác trồng đơm hoa đỏ thắm,…Có thể nói ATK không chỉ là một nơi ghi lại những sự kiện lịch sử oai hùng mà còn giữ mãi một tinh thần đấu tranh bất khuất của dân tộc lưu dấu cho đến ngày hôm nay.
Hồ Núi Cốc
Hồ nhân tạo Núi Cốc được xây dựng vào năm 1993 và hoàn thành sau một năm xây dựng. Hồ bao gồm một đập chính dài 480m và 6 đập phụ, diện tích mặt hồ rộng khoảng 25 km vuông, hấp dẫn du khách không chỉ với cảnh nước non hữu tình mà còn có những huyền thoại đi sâu vào tâm tưởng, nàng Công và chàng Cốc.
Đến đây, du khách tuyệt đối không được bỏ lỡ một chuyến du thuyền trên hồ và ngắm nhìn cảnh đẹp thiên nhiên thơ mộng của các đảo đất hoang sơ. Xung quanh bao bọc bởi những dãy núi nhấp nhô, cây cỏ rũ mình e ấp trong những cơn gió bất chợt tràn về. Làn nước trong xanh khiến du khách không khỏi ngẩn ngơ về vẻ đẹp như huyền thoại của một khu du lịch hồ trên núi giữa không gian bốn bề tĩnh lặng.
Đồi chè Tân Cương
Đồi chè Tân Cương có lẽ sẽ không còn xa lạ với nhiều người, nhất là những ai có sở thích “trà đạo” vì đây là nơi ra đời nhiều sản phẩm chè hảo hạng. Đồi chè tập trung chủ yếu ở 3 xã Tân Cương, Phúc Xuân, Phúc Trìu, với diện tích trồng chè trải rộng hơn 1.300 ha nổi bật với thiên nhiên tươi đẹp bốn bề xanh mát.
Đây là khu vực có địa hình đồi bát úp nhấp nhô, đất đai màu mỡ tươi tốt, môi trường tự nhiên trong lành. Có thể nói nhờ vào địa thế, thổ nhưỡng, khí hậu tốt mà hương vị chè của vùng Tân Cương có hương dịu tự nhiên, vị chát nhẹ, màu nước vàng và khi uống có hậu ngọt lắng động vô cùng đặc biệt.