Nội Dung Chính
Bánh xèo
Được xem như một trong những món ăn đặc sản miền Tây Nam Bộ nói riêng, cũng như đặc sản ẩm thực Việt Nam nói chung, món bánh xèo từ lâu đã nhận được sự ưa chuộng, yêu thích từ thực khách mọi miền trên đất nước, cũng như bạn bè quốc tế. Nguồn gốc của bánh xèo không phải xuất phát ở Tây Nam Bộ, nhưng chính nơi đây lại là bước đệm để phát triển món bánh này, chế biến món bánh ngày càng trở nên ngon miệng và hấp dẫn hơn.
Bánh xèo gồm hai thành phần chính là vỏ bánh và nhân bánh. Vỏ bánh phải được xay từ bột gạo thật nhuyễn, nêm nếm một ít gia vị vừa ăn. Bên cạnh đó, chúng ta có thể mua bột gạo đóng gói sẵn ở các tiệm tạp hóa. Nhưng chắc chắn dẫu thế nào, bột gạo được xay nguyên chất vẫn mang mùi vị thơm ngon hơn bột đóng gói rất nhiều. Bên cạnh đó, phần nhân bánh thường được làm từ nhiều nguyên liệu, trộn thập cẩm lại với nhau. Nhân bánh thường thấy nhất là củ sắn xào với giá, hẹ cho vừa chín tới, sau đó để tôm, thịt vào đảo đều, nêm gia vị vừa ăn. Bên cạnh đó, người làm bánh còn có thể biến đấu các loại nhân như nhân măng xào, nhân thịt vịt xiêm băm,…tùy vào sở thích cũng như khẩu vị của người dùng.
Một phần không thể thiếu khi ăn bánh xèo đó chính là rau sống và nước chấm. Rau sống ăn kèm với bánh xèo rất đa dạng: xà lách, cải xanh, rau mùi, đọt bằng lăng, lá xoài non,…đều rất ngon. Nước chấm thường là nước mắm tỏi ớt, thêm vào một ít nước cốt chanh để tạo hương vị. Tất cả hòa quyện vào nhau, tạo nên cảm giác ngon miệng cho thực khách ngay từ lần thưởng thức đầu tiên.
Nếu có dịp đến với miền đất Tây Nam Bộ, hãy thử qua món bánh xèo nơi đây bạn nhé. Chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng đâu.
Mắm chưng
Mắm là một trong những nguyên liệu rất được ưa chuộng trong các món ăn ở Nam Bộ. Để tiết kiệm phần mắm còn thừa khi sẻ thịt mắm cá, người ta thường hay chưng mắm trong một tô nhỏ, cùng với trứng vịt để dùng trong bữa cơm gia đình.
Tuy đơn giản và không có gì quá cầu kì, nhưng mắm chưng vẫn được xem như một trong những món ăn đặc sản Tây Nam Bộ bởi hương vị tuyệt vời của nó. Mắm cá được lược bỏ xương, ướp gia vị vừa ăn kèm với thịt băm hoặc trứng vịt tươi hay trứng vịt muối, đem chưng cách thủy cho đến khi tô mắm đông lại, vừa ăn. Món mắm chưng thường ăn kèm với rau sống, rất “bắt” cơm.
Bánh canh tôm nước cốt dừa
Chắc hẳn bạn từng nghe qua và thưởng thức món bánh canh nổi tiếng. Nhưng với món bánh canh nước cốt dừa – một trong những món ăn đặc sản Tây Nam Bộ, bạn sẽ thích thú bởi sự sáng tạo cũng như khám phá công thức làm món bánh canh độc đáo này của người miền Tây.
Sợi bánh của món bánh canh nước cốt dừa được làm từ bột gạo. Sau khi bột gạo được nhồi kĩ, còn ấm thì sẽ được xắt ra thành từng sợi bánh vừa ăn. Nước dùng của món bánh canh được nấu từ xương heo, xương gà để tạo độ ngọt cho món ăn. Bên cạnh đó, người chế biến còn thêm vào tôm khô hoặc thịt tôm băm, vo thành từng viên nhỏ và cho vào nồi bánh canh. Sau khi bánh canh vừa chín tới, chúng ta nêm nếm các gia vị vừa ăn và đun với lửa vừa phải, tránh làm bột bánh bị nhừ.
Phần quan trọng tiếp theo đó là thành phần đặc biệt của món ăn: nước cốt dừa. Dừa khô sau khi nạo phầm cơm sẽ được chắt lấy nước cốt, cho vào nồi bánh canh, đảo nhẹ. Lưu ý là chúng ta nấu cho nước bánh canh ở độ sền sệt là thơm ngon nhất. Sau đó có thể thêm ngò rí, tiêu vào để tăng hương vị cho món bánh canh nước cốt dừa.
Nếu bạn đã quá quen thuộc với món bánh canh giò heo, bánh canh ghẹ, hải sản truyền thống thì hãy thử qua món bánh canh nước cốt dừa này nhé. Chắc chắn bạn sẽ thích thú ngay!
Bún riêu cua
Một món ăn đặc sản Tây Nam Bộ nổi tiếng không thể không kể đến đó chính là món bún riêu cua. Mặc dù bún riêu cua không phải xuất xứ ở vùng đất miền Tây, nhưng lại khá phổ biến và được người dân nơi đây biến tấu, chế biến rất thơm ngon, mang hương vị đặc trưng Tây Nam Bộ.
Nước dùng của bún riêu cua thường được nấu từ xương heo, xương gà hoặc có thể nấu trực tiếp với thịt cua đồng cũng rất thơm ngon. Để có được nồi nước dùng trong, chúng ta phải liên tục hớt bọt, cũng như để lửa nhỏ, không quá lớn. Cua đồng sau khi giã nhuyễn, được đổ nước vào để hòa tan phần thịt cua. Nước riêu cua khi nấu lên sẽ đông lại, tạo thành từng váng cua rất thơm ngon. Một số người khi chế biến còn có thể cho thêm trứng vào để tạo độ kết dính cho cua hơn.
Bún riêu cua được nấu bởi nhiều thành phần kết hợp, tạo nên màu sắc đa dạng, bắt mắt. Người ta có thể cho thêm vào bún chả lụa, chả cá, tôm khô, khoanh giò heo tùy ý thích. Một thành phần khá đặc biệt có trong bún riêu đó là huyết nếp, tạo nên vị thơm ngon, bùi bùi ăn rất vừa miệng.
Ăn kèm với bún riêu cua là các loại rau như rau muống bào, giá đỗ, cà chua, rau thơm,…Bên cạnh đó, một gia vị không thể thiếu khi ăn bún riêu đó là mắm tôm, tạo thêm mùi thơm cũng như tăng hương vị đậm đà cho món ăn.
Canh chua
Canh chua từ lâu được xem như một trong những món ăn đặc sản của vùng đất Tây Nam Bộ. Với hương vị đậm đà, chua chua ngọt ngọt, canh chua chắc chắn sẽ khiến bạn hài lòng khi thưởng thức.
Vị chua của canh thường được làm từ me. Nước cốt me được lấy bằng cách chần me sau khi chần qua nước sôi, lược bỏ hột. Vị ngọt của canh chua được tạo ra từ chất ngọt của cá, của tôm sú, mực,…Bên cạnh đó, người ta còn cho thêm các phụ liệu khác như khóm, đậu bắp, cà chua, giá đỗ, rau mùi vào canh để tạo vị thơm ngon.
Nếm thử nước dùng của canh chua đúng điệu, bạn sẽ cảm nhận được vị ngọt ngay đầu lưỡi, vị chua nhè nhẹ rất thanh, không hề gắt. Một bát cơm nóng hổi kèm với tô canh chua cá lóc, nước mắm ớt sẽ khiến cho bữa ăn của bạn thêm thú vị và ngon miệng hơn rất nhiều.
Vịt nấu chao
Thêm một món ăn đậm chất Tây Nam Bộ: vịt nấu chao. Thành phần chính của món ăn này được thể hiện ngay ở cái tên của chúng. Hơn gì hết, vịt nấu chao được xem như một món lẩu, được dùng khá phổ biến trong các bữa tiệc nhẹ, bữa ăn gia đình.
Thịt vịt sau khi làm sạch và cắt miếng vừa ăn thì được xào sơ với tỏi, gia vị để thịt săn lại, không bị khô, ngán khi ăn. Bên cạnh đó còn có khoai môn được chiên sơ cho vàng mặt, cho chung vào thịt vịt, nước dừa đun với lửa nhỏ. Sau khi nêm nếm gia vị vừa ăn, người ta còn cho thêm một ít nước chao để làm tăng mùi hương cho món ăn.
Món vịt nấu chao thường được ăn kèm với bún và các loại rau như rau muống, rau mồng tơi,…Nước chấm là chao kèm với vài lát ớt tươi. Vị bùi bùi của khoai môn, chất ngọt từ thịt vịt và mùi thơm của chao sẽ khiến bạn hài lòng về món ăn này. Nếu có dịp ghé thăm miền đất Nam Bộ, nhất định đừng bỏ lỡ món vịt nấu chao – món ăn đặc sản Tây Nam Bộ nổi tiếng này nhé các bạn.
Lẩu mắm
Một món ăn không thể không nhắc đến khi nói về những món ăn đặc sản Tây Nam Bộ đó chính là món lẩu mắm. Từ trước đến nay, món lẩu rất đa dạng thành phần như lẩu chua, lẩu hải sản, lẩu kim chi, lẩu Thái,…Nhưng để nấu được một nồi lẩu mắm ngon, điều đó đòi hỏi người chế biến phải sành sỏi về các loại mắm, cũng như biết cách nêm nếm đúng điệu.
Nước dùng của lẩu mắm được chế biến rất công phu. Đó là nước dùng của nhiều loại mắm trộn lại, lược thật kĩ để bỏ bớt xương cá lẫn trong mắm. Khi nấu nước dùng phải ước lượng các lượng mắm vừa đủ, tránh cho quá nhiều hay quá ít lượng nào đó, sẽ làm mất đi vị ngon của nồi lẩu.
Khi nêm nếm gia vị vừa ăn cho món lẩu mắm, chúng ta còn có thể cho thêm vào nồi lẩu các loại hải sản như tôm sú, thịt ba chỉ, mực xắt khoanh, ốc, chả cá,…Các thành phần thực phẩm để nhúng lẩu mắm rất đa dạng, tùy theo sở thích của người dùng mà có thể có sự chọn lựa khác nhau. Thêm vào đó, người ta còn hay cho sả phi đã băm nhuyễn vào nồi lẩu, tạo nên vị thơm rất đặc trưng cho món lẩu.
Các loại rau ăn kèm với lẩu mắm cực kì đa dạng như cà tím, khổ qua, bông súng, rau muống bào sợi,…Sự đa dạng trong các loại rau sống ấy cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp cho món lẩu mắm ngon hơn. Ăn kèm với lẩu mắm có thể là bún, cơm tùy theo sở thích mỗi người.
Bật mí với các bạn một thành phố ở Tây Nam Bộ nổi tiếng có những hàng quán nấu lẩu mắm rất ngon chính là Cần Thơ. Nếu có dịp ghé thành phố xinh đẹp này, hãy nhớ thưởng thức món đặc sản ấy để cảm nhận vị thơm ngon đặc trưng nhé!
Cá kho tộ
Cá kho tộ là một trong những món mặn thường xuyên xuất hiện trong mâm cơm của người Việt. Đây cũng được xem như một trong những món ngon đặc sản miền Tây Nam Bộ.
Thường khi làm cá kho tộ, người ta sẽ dùng thịt cá lóc, vì cá lóc ở đây dễ tìm và giá thành không quá đắt. Cá sau khi làm sạch sẽ được cắt ra thành từng khứa nhỏ, ướp các gia vị vừa ăn và được đặt trong một tộ đất hay một cái thố và được kho với lửa nhỏ. Thêm vào đó, người chế biến có thể thêm nước màu caramel, nước mắm để tạo màu sắc cho món ăn, cũng như làm tăng thêm mùi thơm của cá. Sau khi cá chín, nước trong tộ cũng rút bớt đi, vừa sền sệt, chúng ta có thể thêm vào đó một ít hành lá, tiêu hay tóp mỡ để làm tăng hương vị.
Cá kho tộ khi dùng với cơm sẽ rất “bắt cơm”, tạo nên sự ngon miệng cho thực khách.
Cá lóc nướng trui
Được xem như món ăn đặc trưng của vùng đất Nam Bộ, cá lóc nướng trui được người dân nơi đây rất ưa chuộng, cũng như rất hấp dẫn thực khách phương xa khi ghé thăm miền Tây và thưởng thức món ăn này.
Món cá lóc nướng trui nhìn sơ qua tuy đơn giản, nhưng thật ra nếu không chế biến đúng điệu sẽ không ngon. Cá lóc đồng khi nướng không qua sơ chế, không ướp gia vị, chỉ rửa sạch và được xiên bằng một cây tre nhỏ. Cá được vùi vào rơm khô và nướng, cho đến khi rơm cháy thành tro tàn. Lúc bấy giờ, người ta mới cạo sạch lớp da cá bên ngoài và thưởng thức phần thịt cá thơm ngon bên trong.
Món cá lóc nướng trui thường được ăn kèm với rau sống, bún và nước mắm tỏi ớt. Nếu thích, chúng ta còn có thể cho một ít mỡ hành lên cá để làm tăng mùi thơm. Hay một ít đậu phộng rang bùi bùi cũng sẽ khiến khẩu vị của chúng ta ngon miệng hơn rất nhiều.
Tuy dân dã, đơn sơ nhưng món cá lóc nướng trui vẫn được xem như một trong những món ăn đặc sản Tây Nam Bộ bởi vị ngon, ngọt của thịt cá, cùng với mùi thơm lừng của hương đồng nội hòa quyện vào nhau.