Nội Dung Chính
Hang Bó Mười
Hang Bó Mười còn có tên gọi khác là hang Cây Bạc, thuộc địa phận bản Hang, xã Phú Lệ. Đây từng là nơi tập trung trú ẩn của nhân dân và dân công hỏa tuyến trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Nơi đây trở thành một địa danh lịch sử nổi tiếng, thu hút khách du lịch đến tìm hiểu, tham quan và giáo dục truyền thống cách mạng.
Hồ Vinh Quang
Đây là hồ tự nhiên thuộc địa phận bản Vinh Quang xã Phú Nghiêm. Tại đây du khách có thể đắm mình trong không gian mênh mông, sơn thủy hữu tình, chiêm ngưỡng cảnh sắc thiên nhiên. Cùng với đó là các hoạt động du ngoạn chèo thuyền, câu cá và đặc biệt du khách còn được thưởng thức hương vị thơm ngon của món gà nướng và canh cá Lăng vô cùng hấp dẫn.
Hang Co Phương
Hang Co Phương thuộc bản Sại, xã Phú Lệ. Từ Co Phương trong tiếng địa phương có nghĩa là Cây Khế. Nơi đây từng bị đánh phá ác liệt trong 2 cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Đặc biệt, đây từng là căn cứ quan trọng phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Câu chuyện về hàng Có Phương ở bản Sại, là câu chuyện bi tráng về nhiều Thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đang ở độ tuổi thanh xuân đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ.
Hang có diện tích khoảng 20 mét vuông, có hai cửa đi vào. Càng vào sâu bên trong lòng hang càng hẹp, xung quanh có nhiều khu núi đá Pố Há dài khoảng 60m rộng 40m với các phiến đá xếp chồng lên nhau vô cùng đẹp mắt.
Hang Co Luồng
Nằm trên núi Co Luồng, thuộc bản Khằm, xã Hồi Xuân, đây là một điểm đến hấp dẫn của những du khách đam mê khám phá. Hang rộng hàng nghìn mét vuông, cấu tạo thành ba tầng rõ rệt với nhiều lớp đá nhũ có giá trị. Tại đây du khách sẽ được chiêm ngưỡng những nhũ đá nguyên sơ có lịch sử hàng trăm năm, có các hình thù khác nhau như hình con rùa, hình chiếc giường, giếng nước, ruộng bậc thang, thác nước, hình tượng Quan Âm…
Vì nằm trên vị trí núi đá cao nên muốn tham quan toàn hang động hang, du khách phải mất khoảng 10 giờ đồng hồ và khi đi cần đem theo một bó cây rừng để đánh dấu các lối đi trong hang.
Hồ Pha Đay
Hồ thuộc bản Bút, xã Nam Xuân. Trong tiếng Thái, Pha có nghĩa là núi, Đay có nghĩa là bậc thang. Như ý nghĩa của tên gọi, hồ Pha Đay nằm trên đỉnh ngọn núi Bút cao 700m so với mực nước biển, đường lên chênh vênh, khúc khuỷu với những con dốc dựng đứng, những cung đường uốn lượn trong tầng tầng lớp lớp sương giăng.
Đây là nơi phù hợp cho những tour du lịch sinh thái, cắm trại, khám phá và cho các phượt thủ cơ hội trải nghiệm lý tưởng.
Đền thờ Thượng tướng thống lĩnh quân Khằm Ban – Lễ hội Mường Ca Da
Thượng tướng thống lĩnh quân Khằm Ban là vị thủ lĩnh tài ba, giỏi võ nghệ, đã có công giúp vua Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh khỏi bờ cõi nước ta. Đền thờ của ông nằm trên sườn đồi Pom Kéo thuộc bản Khằm, xã Hồi Xuân. Lối đi lên đền thờ là những bậc thang thấp nên du khách dễ dàng di chuyển. Không khí trong lành, yên tĩnh và sự linh thiêng đã khiến nơi đây trở thành điểm dừng chân lý tưởng trong tour du lịch tâm linh.
Thượng tướng thống lĩnh quân Khằm Ban cũng là người đã lập ra Mường Ca Da vào khoảng thế kỉ XV. Lễ hội Mường Ca Da là lễ hội truyền thống của cộng đồng các dân tộc huyện Quan Hóa, được tổ chức 5 năm một lần vào khoảng tháng 2 âm lịch. Đây là dịp để đồng bào nơi đây tưởng nhớ về vị tướng tài ba của Lê Lợi, có nhiều công đức tri ân với triều đình nhà Lê.
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu
Được thành lập năm 1999, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu có diện tích 24.200,87 ha thuộc địa phận hai huyện Quan Hóa và Mường Lát.
Với sự kết hợp độc đáo giữa các hệ sinh thái, sự phong phú về nguồn gen quý, Pù Hu có nhiều loài động vật như gấu ngựa, vượn đen tuyền, cu li lớn… và thực vật quý hiếm như táu mặt khỉ, sao hòn gai, trai lý… hệ thống các đỉnh núi Hoc và hang Dùn với ba tầng nhũ đá tự nhiên.
Đây thực sự là điểm đến đặc biệt với các du khách có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu và khám phá.
Khu bảo tồn hạt trần quý hiếm Nam Động
Pha Phanh là núi đá vôi có địa hình dốc thuộc xã Nam Động, có diện tích 646,95 ha, với nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, nguyên sinh với nhiều loài thực vật quý hiếm như Thông Pà Cò, Dỉnh tùng, Dẻ tùng sọc hẹp, Thông tre lá dài…
Đây là một nơi rất thú vị cho các du khách đến nghiên cứu và khám phá.
Di tích cộng đồng bản Hang
Nhờ sự ưu đãi của thiên nhiên và những giá trị văn hóa còn nguyên vẹn, bản Hang thuộc xã Phú Lệ là một trong số ít các bản được chọn phát triển mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng. Trong đó loại hình Homestay (du lịch xanh) đã thu hút lượng lớn khách du lịch đến đây, đặc biệt là du khách nước ngoài.
Nơi đây còn là điểm du lịch hấp dẫn kết nối các tour du lịch sinh thái bản Lác (Mai Châu – Hòa Bình), khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông và các điểm du lịch khác trong và ngoài tỉnh.
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thuộc địa phận hai huyện Bá Thước và Quan Hóa. Đây là nơi có cảnh quan thiên nhiên phong phú, đa dạng về các loài động thực vật. Cùng với đó là sự độc đáo bản sắc văn hóa dân tộc của cộng đồng người Thái làm cho Pù Luông mang vẻ đẹp có một không hai.
Pù Luông đẹp quanh năm, và đẹp nhất là vào tháng 5-6 với sắc xanh màu lúa mới của ruộng bậc thang và vào tháng 9-10 khi những thửa ruộng bậc thang lúa chín vàng trải dài trên các triền núi.
Đây là một địa điểm rất hấp dẫn cho các du khách yêu thích khám phá, hòa mình vào cuộc sống miền núi, và đặc biệt phù hợp với các bạn trẻ và các phượt thủ.