Top 5 Kinh nghiệm bỏ túi cần thiết nhất khi đi du lịch ở Hội An

Ẩm thực của Hội An

 Mặc dù Hội An tuy nhỏ so với các địa điểm du lịch khác nhưng văn hóa ẩm thực ở Hội An vô cùng phong phú, đa dạng để cho du khách lựa chọn và thưởng thức. Một số món ngon và địa chỉ sau đây sẽ giúp ích cho bạn khi đến thăm và thưởng thức ẩm thực tại Hội An.

 

1. Cơm gà Phố Hội

Với sự tỉ mỉ, khéo léo trong cách chế biến người Hội An đã tạo ra một món cơm gà đủ tạo dấu ấn để du khách thập phương cho nó một cái tên riêng: “Cơm gà phố Hội”. Cơm gà phố Hội được ăn với hành tây, đu đủ dầm chua ngọt, rau thơm Trà Quế, còn có một chén súp ăn kèm càng làm tăng thêm phần hấp dẫn.

Địa chỉ: Cơm gà Bà Buội -26 Phan Châu Trinh;

cơm gà Bà Hương – hẻm Sica;

cơm gà Bà Minh; Cơm gà Nga…

 

2. Cao Lầu

Theo nhiều người dân sống lâu năm ở khu phố cổ Hội An nói thì Cao Lầu xuất hiện ở Hội An khoảng từ thế kỷ 17. Có lẽ vì thế mà món cao lầu này chịu ảnh hưởng khá nhiều từ ẩm thực của người Trung Hoa. Tuy vậy, cao lầu Hội An vẫn mang đậm một nét riêng và duy chỉ có ở Hội An mới có món Cao Lầu đúng chất.

Địa chỉ: Du khách rất dễ dàng tìm thấy món Cao Lầu tại Hội An, từ hàng gánh lề đường đến các nhà hàng, quán Bà Bé, Trung Bắc.

 

3. Bánh bao, bánh vạc

Đây là hai loại bánh có cách làm và nguyên liệu gần giống nhau, nó thường được ăn chung trên một đĩa bánh. Cái khác là nhân bánh vạc được làm từ tôm giã nhuyễn trộn với một chút tiêu, tỏi, hành, sả cùng những gia vị bí truyền, còn nhân bánh bao thì được làm từ thịt heo, nấm mèo, hành lá thái mỏng rồi xào cùng gia vị bí truyền đó. Có lẽ phần gia vị này cũng là một bí quyết gia truyền nào đó mà khiến bánh bao, bánh vạc ngon khi thưởng thức ở Hội An.

Địa chỉ: Bông Hồng Trắng Restaurant đường Nhị Trưng.

4. Bánh đập – hến xào

Đây là một món ăn dân dã nhất tại Hội An, du khách sẽ được thưởng thức miếng bánh đập giòn rụm trong miệng được ăn kèm với hến xào vừa miệng là món ăn cực hấp dẫn ở Hội An.

Địa chỉ: Đi qua cây cầu Cẩm Nam chừng 100m, rẽ sang trái, vừa qua khúc cua này bạn sẽ thấy một dãy hàng quán nằm sát nhau và trên mỗi tấm bảng hiệu đều để món đặc sản: chè bắp, bánh đập, hến xào. Quán bánh đập “Bà Già” nổi tiếng nhất ở đây (Có tên gọi như vậy vì trước đây thì những người phục vụ quán này toàn những cụ bà đã lớn tuổi)

 

5. Chè bắp

Chè bắp là một món ăn dân dã trở nên rất nổi tiếng ở Hội An bởi nó được chế biến từ bắp của những người dân nơi đây. Chè có vị ngọt vừa, thơm thanh tao và tự nhiên của bắp mới bẻ, khác với chè ở miền Nam, chè bắp Hội An không nấu chung với nước dừa nên có hương vị nguyên chất của bắp non, chỉ khi ăn ta mới cho chút nước cốt lên trên để tăng vị béo của chén chè. Mùa bắp Cẩm Nam cũng là mùa chè, nhiều nhất là từ tháng 3 – tháng 9.

Địa chỉ: Vỉa hè phố Trần Phú, Lê Lợi, giá khoảng 7.000 VND/bát.

 

6. Bánh bèo Hội An

Người ta thường chọn loại gạo ngon để làm bánh bèo, nhân bánh bèo là tôm, thịt. Khách vào quán, người chủ sẽ sắp nhiều chén bánh nhỏ lên khay, lấy nhân đổ vào, thêm chút dầu mỡ, tương ớt, hành thơm rồi bày lên bàn thưởng thức. Đặc biệt, khi ăn bánh bèo phải dùng đến “dao tre”, đó là một thanh tre vót hình lưỡi dao nhìn rất dân dã, kiểu ăn như thế cũng gợi nhiều sự hiếu kỳ cho khách, tạo nên kiểu ẩm thực khác biệt giữa bánh bèo với các món ngon Hội An khác được chế biến từ gạo.

Địa chỉ: Quán tại Cẩm Châu, Cẩm Nam…

 

7. Mì Quảng

Đây được xem là một trong những đặc sản bật nhất của xứ Quảng. Nhìn bên ngoài thì Cao Lầu và Mỳ Quảng gần giống nhau nhưng chỉ cần bạn ăn thử một lần thôi bạn sẽ thấy đây là hai món ăn khác biệt nhau hoàn toàn, bởi sợi mỳ mềm hơn còn Cao lầu sợi mỳ dai hơn. Mì Quảng thường được ăn cùng với tôm, thịt, trứng cút… Tất cả đều ngấm gia vị, đậm đà, khi ăn mỳ Quảng không thể thiếu bánh tráng nướng giòn và rau sống ăn kèm, thêm một miếng chanh và ớt xanh sẽ làm tăng hương vị của tô mỳ hơn nhiều lần.

Địa chỉ: Quán bà Minh, khu Cẩm Hà hay trong chợ Hội An, đầu phố Trần Phú; hoặc các gánh mì Quảng bán rong trên hè phố.

 

8. Bánh tráng (bánh cuốn/bánh ướt)

Cũng gần giống như bánh cuốn Thanh Trì Hà Nội, thay vì là bánh tráng mỏng kèm với nhân nấm tai mèo (mộc nhĩ) thì ở Hội An bánh tráng còn có thêm tôm chấy nữa nên hương vị rất đặc trưng. Khi ăn, bánh được cho thêm chút mỡ hành rất thơm, ăn kèm chả lụa (giò lụa) kèm ít rau mùi, đu đủ, carot dầm chua ngọt, tương ớt.

Địa chỉ: Phố ẩm thực ven sông Hoài.

 

9. Bánh xèo Hội An

Đây là đặc sản được coi là chính hiệu của vùng đất phố Hội. Ngoài gạo là nguyên liệu chính dùng để làm bánh xèo thì còn có thêm tôm, thịt, giá đỗ, lá hành. Để đúc bánh xèo người làm phải ngồi bên bếp lửa liên tục rất nóng nực, do đó để thưởng thức món này được ngon nhất là từ tháng 10 – tháng 12, lúc này thời tiết se lạnh sẽ rất tuyệt khi bạn được thưởng thức những cái bánh xèo nóng hổi.

Địa chỉ: Quán Giếng Bá Lễ (hẻm Phan Chu Trinh); Bale Well – 45/51 Trần Hưng Đạo. Giá khoảng 5.000 -7.000 VND/ cái

MỘT SỐ ĐIỂM THAM QUAN PHẢI DI CHUYỂN XA

1. Biển Cửa Đại
Cửa Đại là một bãi tắm đẹp, có bãi cát trắng mịn, nước trong xanh, sóng nhỏ và có các quán hải sản tươi ngon với giá rẻ, bình dân. Nếu bạn đến biển Cửa Đại vào buổi tối cũng sẽ rất tuyệt vời, bởi lúc ấy bãi biển mênh mông, lung linh huyền ảo dưới những ngọn đèn dầu thật lãng mạn. Khách sạn đường Cửa Đại, Hội An giá chỉ từ 208.000 VND.
Địa điểm: Cách phố cổ Hội An 5 km về hướng Đông.  

2. Biển An Bàng
Đến biển An Bàng, du khách sẽ được cảm nhận sự trong lành tuyệt diệu khi đi bộ dọc theo triền cát, đón ánh mặt trời lên, ngắm nhìn vẻ đẹp tinh khôi lúc hừng đông trên mặt biển.
Địa điểm: Thuộc phường Cẩm An, nằm cách trung tâm phố cổ Hội An khoảng 3 km về phía Đông.  

3. Du ngoạn cảnh sông Thu Bồn
Du khách có thể tham gia một tour đi ghe dọc sông Thu Bồn sẽ thấy rất thú vị. Hai bên bờ sông có những cồn cát tuyệt đẹp, cảnh đồng ruộng hòa quyện núi non đẹp như tranh vẽ. Đặc biệt, hoàng hôn trên sông Thu Bồn có thể khiến nhiều du khách phải xao lòng.
Địa điểm: Khởi hành từ bến thuyền trên đường Bạch Đằng, chạy một đoạn trên sông Hoài rồi ra sông Thu Bồn.  

4. Làng Mộc Kim Bồng
Các nghệ nhân ở làng mộc Kim Bồng đã từng tự hào với việc cha ông họ đã được vua chúa nhà Nguyễn mời ra kinh đô xây dựng và tôn tạo các công trình thành quách, lăng tẩm. Đến đây, du khách được tận mắt chiêm ngưỡng các khâu chế tác ra nhiều sản phẩm mỹ nghệ gỗ rất tinh xảo và độc đáo.
Địa điểm:  Nằm ở xã Cẩm Kim đối diện khu phố cổ Hội An, bên kia sông Thu Bồn. Từ bến đò phố cổ, bạn chỉ mất 10 phút đến làng Mộc bằng thuyền.  

5. Làng Gốm Thanh Hà
Vào thế kỷ 16, 17, Thanh Hà là một ngôi làng rất thịnh đạt, nổi tiếng về các mặt hàng gốm sứ, đất nung được buôn bán khắp các tỉnh miền Trung – Việt Nam. Nghề gốm của làng Thanh Hà có nguồn gốc xuất xứ từ Thanh Hóa, sau khi được tiếp thu một số vốn liếng kỹ thuật thì đã hình thành nên làng gốm Thanh Hà như ngày nay. Sản phẩm chủ yếu của làng gốm là các đồ dùng phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày như : chén, bát, chum, vại, bình hoa, chậu cây cảnh, hình thù các con vật… mang nhiều kiểu dáng, màu sắc phong phú, đa dạng và đặc biệt sản phẩm nhẹ hơn so với các sản phẩm cùng loại của các địa phương khác.
Địa điểm: Nằm cách Hội An 3 km về hướng Tây (di chuyển bằng thuyền khoảng gần 30 phút từ bến đò khu phố cổ).

  6. Tham quan đảo Cù Lao Chàm
Cù Lao Chàm gồm 7 hòn đảo nhỏ là: Hòn Lao, Hòn khô Mẹ, Hòn khô Con, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Lá, Hòn Tai, Hòn Ông. Đảo Cù Lao Chàm nổi bật về đa dạng sinh học với rừng tự nhiên, có bãi biển đẹp, rạn san hô và nhiều loài thủy sản có giá trị lớn.
Du khách chỉ cần thuê một cái lều với giá khoàn 50.000VND + đóng tiền lưu trú qua đêm là 20.000 VND để trãi nghiệm cảm giác qua đêm tại đảo Cù Lao Chàm. Khi tắm biển Cù Lao Chàm nên cẩn thận con sứa trong veo, chạm vào người sẽ bị mẩn ngứa khá khó chịu.
Địa điểm: Thuộc xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, cách bờ biển Cửa Đại 18 km về phía Đông, mất khoảng 30 phút đi tàu cao tốc xuất phát tại cảng Cửa Đại hoặc đi thuyền gỗ xuất phát tại bến Bạch Đăng với hành trình khoảng 2 giờ đồng hồ.  
Lưu ý: Khi tham quan bằng phương tiện đường thủy, du khách liên hệ:
+ HTX Vận tải Thủy bộ Hội An. ĐT: 0510.3861240
+ Xí nghiệp vận tải Sông Hội. ĐT: 0510.3861332
+ Văn phòng hướng dẫn tham quan Hội An. ĐT:0510.3862715

Lên lịch du lịch Hội An

Thời điểm để chúng ta du lịch Hội An tuyệt nhất là từ tháng 2 đến tháng 4 hàng năm, thời tiết vào những tháng này ít mưa, khí hậu dễ chịu, mát mẻ.
Để thưởng thức được hết nét đặc trưng của Phố cổ Hội An thì bạn nên ghé thăm vào ngày 14, rằm âm lịch hàng tháng. Bạn sẽ được tham gia các trò chơi dân gian rất thú vị: bài chòi, đập niêu,… bạn sẽ còn được thưởng thức một khu phố cổ lung linh ánh đèn lồng thật hấp dẫn.

Ở đâu khi đến du lịch Hội An?

Phố cổ Hội An à thành phố du lịch, đặc biệt thu hút du khách nước ngoài và khách thập phương nên Hội An không thiếu các khách sạn đầy đủ tiện nghi, ở ngay trung tâm thành phố thì giá phòng khá cao, nhưng khó có phòng trống. Du khách muốn lưu trú lại đây nên đặt phòng trước ít nhất 2 tháng để có giá tốt. Vào mùa cao điểm, nếu đặt muộn có thể tìm phòng xa khu trung tâm hơn.

Một số khách sạn Hội An được du khách chọn :

1. Khách sạn Họa My 2 Hội An – 44 đường Trần Cao Vân, Hội An.

2. Victoria Hội An Beach Resort & Spa – Biển Cửa Đại, Phố cổ Hội An.

3. The Palm Garden Beach Hội An – Đường Lạc Long Quân, Biển Cửa Đại.

4. Moon’s Homestay – 82 Đường Ngô Quyền, Hội An.

5. KimAn Hoi An Hotel & Spa – 461-463 Đường Hai Bà Trưng, Hội An.

Các điểm du lịch không thể bỏ lỡ khi ghé Hội An

NHỮNG ĐIỂM ĐẾN trong PHỐ CỔ HỘI AN
 1. Chùa Cầu
 Chùa Cầu được coi là viên ngọc giữa lòng Hội An. Cầu được xây dựng vào cuối thế kỷ 16 và được gọi là cầu Nhật Bản. Ở ngay giữa cầu có một ngôi miếu nhỏ để thờ Huyền Thiên Đại Đế, cầu có mái che rất độc đáo cùng các kết cấu cổ, họa tiết trang trí thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa các phong cách kiến trúc  như: Việt, Hoa, Nhật Bản và cả phương Tây.
 Địa chỉ: Cầu bắc ngang con kênh nước chảy ra sông Thu Bồn, giáp giữa hai đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú.  
 2. Hội quán Phúc Kiến
 Xưa kể lại rằng đây là tiền thân của Hội quán là một gian miếu nhỏ thờ pho tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu (người xưa thường gọi là bà chúa phù hộ cho thương nhân vượt qua sóng gió đại dương an toàn) tượng được vớt tại bờ biển Hội An vào năm 1697. Qua nhiều lần được trùng tu, với sự đóng góp chủ yếu của các Hoa Kiều bang Phúc Kiến, hội quán càng trở nên rực rỡ, khang trang góp phần tô điểm thêm diện mạo cho kiến trúc đô thị cổ Hội An. Địa chỉ: Số 46 đường Trần Phú
    3. Hội quán Triều Châu
 Hội quán Triều Châu xây dựng vào năm 1845 để thờ phục ba tướng quân Mã Viện – là các vị thần giỏi chế ngự sóng gió, giúp cho việc đi lại và buôn bán trên biển của bà con được thuận lợi, may mắn. Hội quán có giá trị đặc biệt về kết cấu kiến trúc với các bộ khung gỗ được chạm trỗ tinh vi cùng những họa tiết rất tinh xảo, hương án trang trí bằng gỗ và những tác phẩm đắp nổi bằng sành, sứ rất đẹp và cổ kính. Địa chỉ: 92B Nguyễn Duy Hiệu.  
 4. Hội quán Quảng Đông
 Hội quán Quảng Đông xây dựng vào năm 1885, lúc đầu là để thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và Đức Khổng Tử, nhưng sau năm 1911 chuyển sang thờ Quan Công và Tiền Hiền. Việc sử dụng hợp lý các chất liệu: gỗ, đá có kết cấu chịu lực, chi tiết trang trí tinh xảo đã đem lại cho Hội quán vẻ đẹp uy nghiêm. Hàng năm vào ngày Tết Nguyên Tiêu, vía Quan Công (vào ngày 24 tháng 6 Âm lịch hàng năm) tại đây diễn ra lễ hội rất linh đình và thu hút nhiều người tham gia.
 Địa chỉ: 176 Trần Phú  
5. Nhà thờ Tộc Trần
 Nhà thờ Tộc Trần được xây dựng năm 1802, theo một số nguyên tắc phong thuỷ truyền thống của người Trung Hoa và người Việt. Nằm trên một khu đất rộng khoảng 1500 m2. Nhà thờ cổ tộc Trần ở Hội An là nhà thờ cổ còn mang nhiều phong cách nhà thờ tộc của người Việt từ đời xưa còn nguyên vẹn hình thể kiến trúc cổ.
 Địa chỉ: Số 21 đường Lê Lợi.  
6. Bảo tàng Lịch sử – Văn hóa:
 Được thành lập vào 1989, bảo tàng trưng bày 212 hiện vật gốc và các tư liệu có giá trị: gốm, sứ, đồng, giấy, gỗ…, phản ánh các giai đoạn phát triển của đô thị – thương cảng Hội An từ thời văn hoá Sa Huỳnh đến thời văn hoá Chăm và văn hoá Đại Việt, Đại Nam. Địa chỉ: Số 13 Nguyễn Huệ.  
7. Nhà Cổ Tấn Ký Đã được xây dựng cách đây khoảng 200 năm, nhà Tấn Ký có kiểu kiến trúc đặc trưng của nhà cổ, với nội thất chia làm nhiều gian nhỏ, mỗi gian có mỗi chức năng riêng. Nhà được xây dựng bởi những loại vật liệu truyền thống và được tạo bởi những thợ mộc, thợ nề địa phương nên vừa mang dáng vẻ riêng, thanh thoát, ấm cúng, vừa thể hiện sự giao lưu với các phong cách kiến trúc cổ trong khu vực. Nhà Tấn Ký đã được cấp bằng Di tích Lịch sử – Văn hóa Quốc gia vào ngày 17 tháng 2 năm 1990.
   8. Xưởng thủ công mỹ nghệ
  Xưởng quy tụ hầu hết các ngành nghề thủ công truyền thống vốn có của Hội An và Quảng Nam như: dệt chiếu, dệt vải, sơn mài, gốm… Du khách sẽ bắt gặp một khung cảnh thanh bình, êm ả của một làng quê Việt Nam, du khách sẽ được tận mắt chứng kiến đôi bàn tay khéo léo và kỹ năng tuyệt vời của các nghệ nhân để tạo nên những sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo và đặc sắc nhất. Du khách có thể tự tay làm một số vật lưu niệm cho mình dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân
 Địa chỉ: Số 9 Nguyễn Thái Học
 Chú ý: Có 21 điểm du khách cần phải mua vé mới được vào tham quan. Khách trong nước: 60.000 VND/vé/3 điểm tham quan, khách nước ngoài: 120.000 VND/vé/6 công trình văn hóa.
 * Chính sách miễn giảm: Đoàn 15 khách được miễn một vé, đoàn đi 8 khách miễn phí hướng dẫn viên; trẻ em dưới 16 tuổi thì được tham quan miễn phí.
 *Địa điểm mua vé: Văn phòng hướng dẫn tham quan Hội An.

Trả lời