Nội Dung Chính
Chợ Tịnh Biên
Chợ Tịnh Biên cách cửa khẩu hai nước Việt Nam – Campuchia tầm 2km. Đây là chợ miền Tây duy nhất buôn bán các loại côn trùng cực độc như mối chúa, rắn chun, rắn mối, bò cạp, nhền nhện,…Ngoài ra đây còn là nơi phân phối sỉ các mặt hàng thiết yếu cho các tỉnh thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bạn có thể mua các món đặc sản của An Giang tại đây về tặng cho người thân, bạn bè.
Làng người Chăm Châu Giang
Làng người Chăm Châu Giang thuộc xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang. Nơi đây có nhiều nhất là những Thánh đường Hồi giáo có kiến trúc tháp tròn độc đáo, ngoài ra còn thu hút khách du lịch với những chiếc khăn ma-tơ-ra xúng xính, những món ăn truyền thống và lối sống văn hóa của nhiều vùng miền.
Miếu bà Chúa Xứ Núi Sam
Miếu bà Chúa Xứ Núi Sam, tọa lạc dưới chân núi Sam, thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Tại đây nổi tiếng nhất là lễ Vía bà Chúa Xứ được tổ chức trang trọng từ ngày 23 đến ngày 27 tháng 4 âm lịch ,hàng năm thu hút hàng nghìn tín đồ đến dâng hương, thờ cúng.
Từ năm 2001, lễ hội Vía bà Chúa Xứ Núi Sam được Bộ Văn hóa Thông tin và Tổng cục Du lịch Việt Nam công nhận là lễ hội cấp quốc gia.
Chợ Châu Đốc
Chợ Châu Đốc nằm ở phường Châu Phú A, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Nơi đây được gọi là “thiên đường mắm”, nổi tiếng với nét ẩm thực riêng biệt. Các loại mắm và khô ở đây có thể gọi là đặc sản, ngoài ra còn là thiên đường của các loại bánh làm từ thốt nốt và nhiều loại trái cây với giá vô cùng bình dân
Thất Sơn
Thất Sơn hay còn gọi là Bảy Núi, gồm có 37 ngọn núi trong đó có 7 ngọn núi nổi bật không liên tục nhau, đột khởi trên đồng bằng miền Tây Nam Bộ, thuộc hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Có thể nói đây là địa điểm du lịch thu hút số lượng lớn khách tham quan hàng năm và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Đầu tiên là Núi Cấm, một trong những ngọn núi đẹp nhất và cao nhất dãy Thất Sơn, dọc theo khúc cua lên núi là những cảnh sắc không khác gì bồng lai tiên cảnh và ở đây có tượng phật Di Lặc lớn nhất Việt Nam ngự tại chùa Vạn Linh. Tiếp đến là Núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn), bên trong núi là một hệ thống các hang động ngầm như một tổ ong lớn, và nơi đây cũng rất nổi tiếng với khu di tích lịch sử Tức Dụp ghi dấu những sự kiện trọng đại trong lịch sử kháng Mĩ. Tiếp theo sau là Núi Két (Anh Vũ Sơn), Núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hổ Sơn), Núi Dài (Ngọa Long Sơn) là những ngọn núi có địa hình khá hiểm trở, thách thức các phượt thủ yêu thích mạo hiểm ghé thăm. Cuối cùng, Núi Tượng (Liên Hoa Sơn), Núi Thủy (Thủy Đài Sơn) cũng là hai ngọn núi có cảnh sắc thơ mộng trong dãy Thất Sơn.
Ngoài ra, nếu đã đến Thất Sơn thì không thể không nói đến lễ hội đua bò. Đây là một lễ hội đặc trưng và cũng là nét độc đáo, thú vị của vùng 7 núi – Thất Sơn. Hằng năm, cứ đến dịp lễ “Đôn ta”( vào tháng 10 âm lịch), người dân nơi này lại náo nức, tưng bừng chuẩn bị cho lễ hội đua bò mang đậm bản sắc văn hóa dân gian.
Làng nổi Châu Đốc
Làng nổi Châu Đốc nằm ngay tại trung tâm thành phố Châu Đốc. Điểm du lịch độc đáo nhất ở Châu Đốc chính là làng bè nổi, nét văn hóa đặc sắc mang đậm phong cách của vùng sông nước. Xuồng, ghe là phương tiện chủ yếu của mỗi gia đình ở những làng nổi này. Ở đây, mỗi chiếc bè như một căn hộ kết nối nhau trải dài dọc hai bờ sông. Mỗi chủ bè có ít nhất 3 – 4 chiếc bè, thường có thêm một chiếc bè sinh sống cặp bên. Đặc biệt, gần đây, một số người dân có xu hướng đóng bè xuống sông định cư. Cuộc sống của gia đình được gói gọn trên chiếc bè ngang 4m, dài 7 – 8m
Rừng tràm Trà Sư
Rừng tràm Trà Sư nằm trên địa bàn xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Khu rừng ngập mặn này chính là địa danh đại diện cho nét đẹp của vùng Tây sông Hậu và đồng thời cũng là nơi cư trú của 70 loài chim, 11 loài thú, 25 loài bò sát và ếch nhái, hơn 20 loài cá và hơn 140 loài thực vật.
Thời điểm mà khách du lịch có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn hết vẻ đẹp của rừng tràm Trà Sư là vào khoảng từ tháng 8 đến tháng 10 âm lịch, cũng tức là vào mùa nước nổi. Đi thuyền dọc theo khu rừng, chắc chắn rằng bạn sẽ choáng ngợp bởi không gian toàn màu xanh của tự nhiên tựa như trong thần thoại. Những đầm bèo xanh mướt và hàng cây dọc ven bờ sẽ khiến bạn cảm thấy như được hòa mình với thiên nhiên, thỉnh thoảng bạn sẽ nghe thấy tiếng mái chèo, tiếng chim, tiếng cá,… vang vọng cả một khu rừng.
Khu di chỉ Óc Eo
Khu di chỉ Óc Eo thuộc vùng Núi Sập – Ba Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.
Đây là một khu di tích cổ rộng lớn và nổi tiếng bậc nhất ở An Giang. Hiện nay, khu di chỉ Óc Eo không những đón các nhà sưu tầm, khảo cổ đến nghiên cứu mà còn hấp dẫn nhiều du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu các di chỉ, vết tích về một thời kỳ phát triển rực rỡ của vùng đất An Giang xưa và đồng bằng sông Cửu Long.
Núi Tà Pạ
Núi Tà Pạ thuộc xã Núi tô, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ngọn núi này mang vẻ đẹp hoang sơ từ những vách đá, cột đá cao và những tảng đá đỏ màu gan gà được in bóng xuống hồ Tà Pạ trong xanh tạo nên một quan cảnh lạ mắt.
Bạn có thể dạo quanh chùa Chưng Num được xây toàn bộ bằng đá granit, theo lối kiến trúc của người Khơ-me. Ngoài ra, khi đứng ở đỉnh đồi bạn có thể nhìn toàn vẹn những cánh đồng Tà Pạ xanh ngát nơi đây. Xen lẫn với những thảm lúa tuyệt đẹp kia là những hàng cây thốt nốt cao vút tạo ra một bức tranh riêng chỉ ở vùng quê này mới có. Du khách có thể ghé Tà Pạ vào tháng 9 đến đầu tháng 11 để chiêm ngưỡng sự rực rỡ những sắc vàng, xanh của cả lúa lên đòng, lúa đương thì và lúa trổ bông. Thời điểm tuyệt vời để có những bức ảnh đẹp nhất là vào buổi sớm khi những giọt sương sớm còn đọng trên lá.