Nội Dung Chính
Hồ Soài So
Hồ Soài So nằm tại sườn phía Đông của dãy núi Cô Tô, trên địa phận xã Núi Tô – huyện Tri Tôn. Khi vào đến hồ, bạn sẽ không khỏi chớp mắt trước một vẻ đẹp hùng vĩ của ngọn núi Cô Tô và sự độc đáo của bờ hồ, nước dưới hồ trong vắt, mặt nước phẳng lặng, càng làm tô đậm thêm nét quyến rũ cho khu hồ này.
Hồ Soài So có phong cảnh đẹp nên thơ với bầu khí hậu mát mẻ, trong lành. Đây là nơi thích hợp để vừa nghỉ ngơi, thư giãn và tham quan phong cảnh núi non.
Hồ Đá Cô Tô
Hồ Đá Cô Tô – một hồ đá được tạo từ việc khai thác đá nơi đây, giống tương tự như hồ Tà Pạ, lòng hồ khá sâu và nước trong mát quanh năm. Đường đi đến đây hơi gập ghềnh và bụi bậm do gần khu khai thác đá. Lâu lâu nghe tiếng nổ đá của nhà máy gần đó.
Hồ Tà Pạ
Hồ Tà Pạ là một hồ nước được hình thành từ việc khai thác đá, vô tình đã tạo nên một hồ đá chứa nước trên núi Tà Pạ, tạo nên cảnh quan thật đẹp, như bức tranh thủy mặc, làm cho biết bao người phải trầm trồ. Giống như các hồ nước trong vùng Thất Sơn, đường vào hồ Tà Pạ còn rất hoang sơ và yên tĩnh. Cảnh sắc xung quanh hồ khá đẹp, với núi non hùng vĩ bao quanh.
Khu Di Tích Cách Mạng Đồi Túp Dụp
Khu di tích lịch sử Túp Dụp thuộc địa phận thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Nằm ngay dưới chân núi Cô Tô cùng gắn bó trong suốt chiều dài lịch sử của vùng đất An Giang, đồi Tức Dụp ngày nay đã trở thành một khu du lịch nổi tiếng và gắn liền với các di tích lịch sử oai hùng của dân tộc.
Rừng Cây Sao
Trên đường đi từ đồi Tà Pạ đến KDL Tức Dụp, qua khỏi đồi Tà Pạ chừng 1-2 km, bên tay trái sẽ là khu rừng cây sao chạy dài dọc đường, rất lý tưởng để chụp các bộ ảnh thiên nhiên, đi lạc, …
Trải nghiệm săn mây ở Dồ Hội – Núi Tô, Tri Tôn
Dồ Hội (Vồ Hội) là điểm đến khá lý tưởng ở Tri Tôn. Gió mát, view cánh đồng lúa tuyệt đẹp, đi xe ôm cảm giác mạnh, vào mùa mưa mà đi săn mây thì cơ hội chụp được ảnh đẹp khá cao.
Hồ Ô Thum dưới núi Phụng Hoàng , xã Ô Lâm, huyện Tri Tôn
Hồ Ô Thum là hồ ngăn nước dưới chân núi Cô Tô để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Hồ nằm về hướng tây của núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn) và hướng đông của đồi Tức Dụp.
Hồ Ô Thum có khung cảnh khá đẹp, nhưng do nằm sâu dưới triền núi, khá vắng vẻ, nên ít người đến. Điều đó vô tình tạo không gian lý tưởng cho những ai yêu thích sự yên tĩnh của núi rừng. Trong lòng hồ có một gò đất khá cao so với mặt hồ, nhìn giống như một ốc đảo nho nhỏ. Một số người dân đã làm một cây cầu gỗ nối liền hai bờ để qua lại. Cầu gỗ đơn sơ nhưng vô tình lại làm tăng lên vẻ đẹp của núi đồi nơi đây.
Hồ Soài chek
Hồ Soài Chek ở Tri Tôn, dù là một hồ chứa nước sinh hoạt của địa phương nhưng cảnh vật ở đây phải gọi là đẹp sững sờ. Tuy nhiên đây không phải là địa điểm du lich, cũng như chưa có các dịch vụ du lịch hấp dẫn ngoài cảnh đẹp thiên nhiên. Bạn nào có đi thăm thú thì gìn giữ nét đẹp quê hương nhé.
Chùa Xvayton
Chùa Xvayton (Xà Tón) tọa lạc tại khóm 3,thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, được xây dựng cách đây hơn 200 năm. Đây là ngôi chùa tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc chùa tháp của người Khmer ở Nam Bộ, là ngôi chùa Khmer xưa nhất của tỉnh, và đồng thời cũng là nơi lưu giữ nhiều nhất về sách kinh lá có tại Việt Nam.
Chùa Tà Pạ
Chùa Tà Pạ nằm trên núi Tà Pạ, thuộc xã Núi Tô – huyện Tri Tôn – tỉnh An Giang. Chùa không được xây trên nền đất bằng phẳng mà được xây trên những cột chống đỡ vững chắc cao hàng chục mét, nên khi nhìn từ xa ngôi chùa như đang lơ lửng giữa không trung, nổi bật giữa một vùng rừng núi hoang sơ.
Ngôi chùa có bầu không khí rất mát mẻ, thoáng đãng tạo cho mọi người khi đến đây có cảm giác thư giãn và bình yên đến vô cùng, nếu bạn nào đang tìm cho mình một chốn vùa yên tĩnh vừa có cảnh đẹp thì chùa Tà Pạ chính là điểm đó.
Ngoài cái tên Chùa Tà Pạ, người dân nơi đây còn gọi ngôi chùa này là Chùa Núi (Chùa Chưn-Num theo tiếng Khmer) là ngôi chùa theo Phật giá Khmer Nam Tông và được xây theo kiến trúc Khmer đặc trưng.
Hồ đá Latina
Hồ latina là điểm giáp ranh giữa địa phận Tịnh Biên và Tri Tôn, là một hồ nước nhỏ nằm dưới chân núi Cấm với tên gọi quen thuộc là hồ Đá. Hồ Latina thu hút khá nhiều du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ và hùng vĩ, với những vách đá lớn dựng đứng ngay trên bờ hồ.
Chùa Hàng Còng
Chùa Hàng Còng hay còn gọi là chùa Prochum Meáp Chhưm Kiriram (tên khác là Krăng Krốch, tọa lạc ấp An Hòa, xã Châu Lăng, Tri Tôn) là ngôi chùa duy nhất trong tỉnh có hàng cây còng cổ thụ nối dài từ cổng đến bên trong, có bề dày lịch sử hàng trăm năm. Đặc trưng này khiến mọi người gần như quên bẵng tên thật của chùa, mà chỉ gọi dân dã, trìu mến là “chùa hàng còng”.
Chùa nằm trên trục đường chính, nhưng nếu lơ đãng một chút, khách phương xa sẽ không tìm thấy. Bởi, cổng chùa phủ đầy rêu phong, sương gió, lẩn khuất giữa dãy nhà dân, không đầy màu sắc nổi bật như những cổng chùa Khmer khác. Nhưng chỉ cần bước qua cổng, một hình ảnh rất đẹp đập vào mắt: đường đi vào chùa trải dài theo hàng cây còng, mà cây nào cũng có hoành to, 2-3 người ôm mới xuể. Các nhánh cây hướng vào nhau, tạo thành mái vòm thiên nhiên, che mát con đường, mang đến cảm giác bình yên đến lạ.
Hồ Ô Tà Sóc
Hồ Ô Tà Sóc nằm dưới núi Ngọa Long, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn Hồ Ô Tà Sóc vừa được xây dựng và đưa vào sử dụng trong năm 2016. Hồ cũng có chức năng phục vụ nông nghiệp cho những cư dân canh tác trong vùng. Lòng hồ nằm giữa khe núi, mặt nước rất đẹp, vì gió lúc nào cũng thổi đến, tạo thành những gợn sóng lăn tăn trên mặt hồ.Một số người dân dưới chân núi hay dẫn trẻ em ra đây bơi lội và đánh bắt cá. Nước trong hồ rất mát, sạch, do nước từ các khe đá trên núi xuống.
Tảng đá đầu voi xã Núi Tô
Tảng đá Đầu Voi (Núi Cô Tô – Tri Tôn, An Giang) nằm trên đỉnh núi Tô cùng với Dồ Hội. Đây cũng là một địa điểm check in, sống ảo tuyệt đẹp trên cao với những tảng đá lớn xung quanh các bạn có thể thỏa sức tạo dáng chụp ảnh với phía sau là một tảng đá lớn trong nôm na như một chú voi con được các bạn trẻ yêu thích khi đến với núi Tô.