Top 9 địa điểm du lịch lý tưởng ở Bến Tre

Vườn cây ăn trái Cái Mơn

Cái Mơn thuộc địa bàn huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, là vùng nước ngọt quanh năm với những vườn cây ăn trái trĩu quả đã thành thương hiệu như măng cụt, sầu riêng,… Khách không chỉ được tận mắt ngắm nhìn vườn cây sai quả mà còn được tận tay hái xuống và thưởng thức tại chỗ trái cây tươi ngon. Chủ vườn “bao bụng” cho khách ăn tại chỗ và cân tính tiền theo kg khi mang về. Đặc biệt, giống như những khu du lịch sinh thái trên các cồn, các nhà vườn Chợ Lách cũng  phục vụ thêm các món ăn đặc sản miền quê Bến Tre, như cháo gà thả vườn, cháo hến, bánh xèo ốc gạo Cồn Phú Đa,.

Bên cạnh đó, ở Cái Mơn còn có điểm chế tác cây cảnh cho du khách tham quan. Làng hoa kiểng chợ Lách nằm trong số những làng hoa nổi tiếng vùng Tây Nam Bộ, được ví như Đà Lạt vùng sông nước với muôn hoa khoe sắc, sẽ làm nức lòng khách tham quan.

Cồn Ốc

Cồn Ốc thuộc xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, cách thành phố Bến Tre khoảng hơn 10 km. Trên Cồn có nhiều vườn dừa và vườn cây ăn quả. Giống như những cồn du lịch khác, Cồn Ốc xây dựng một chương trình hoạt động đa dạng  đưa du khách đến thăm quan và tìm hiểu cuộc sống của dân miệt vườn.

Đến với Cồn Ốc hoang sơ, bạn sẽ được tham gia nhiều hoạt động thú vị. Du khách sẽ ngồi trên những chiếc thuyền men theo kênh rạch bồng bềnh sóng nước, ngắm những ghe thuyền đầy ắp dừa trên sông, xem người dân chài lưới, đăng mé… Quay về với những vườn cây trĩu quả, du khách sẽ đạp xe quanh đường làng thơ mộng, quan sát cuộc sống và sinh hoạt của người dân địa phương, chiêm ngưỡng ngôi nhà cổ đặc trưng Miền Tây Nam Bộ, và thăm cơ sở làm hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa… Thậm chí bạn còn có dịp gặp gỡ và giao lưu với ông Đỗ Thành Thưởng là người đầu tiên trong tỉnh Bến Tre sưu tầm và lưu giữ trên 20 giống dừa các loại  góp phần đa dạng các giống dừa ở Việt Nam. Đến ngay tại một vườn dừa, thưởng thức thứ nước uống thiên nhiên ngọt mát và ăn những món ăn đồng quê dân dã thì còn gì bằng.

Cồn Phụng

Cồn Phụng là một cù lao nổi giữa sông Tiền, thuộc địa phận huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre. Đi từ phía Thành phố Hồ Chí Minh, Cồn Phụng nằm ngay cửa ngõ của tỉnh Bến Tre, đón du khách bằng những tàu dừa xanh mướt đung đưa theo gió.

Đây là nơi ông Đạo Dừa Nguyễn Thành Nam đã xây chùa Nam Quốc Phật và thành lập nên một giáo phái gọi là Đạo Dừa vào đầu thế kỉ 20. Và trong thời gian xây dựng ngôi chùa ấy, những người thợ nhặt được một cái chén cổ có hình con chim phụng, nên nó còn được gọi là Cồn Phụng, và trở thành tên phổ biến cho đến ngày nay. Tương truyền, ông Đạo Dừa đã uống nước dừa để sống trong thời gian tu hành.

Hiện nay, trên Cồn Phụng vẫn còn sót lại những di tích kiến trúc và hoạt động của ông Đạo lúc sinh thời. Đến đây, du khách có thể tham quan những công trình độc đáo được xây dựng từ thế kỉ trước. Ngoài ra bạn còn có thể tham gia những hoạt động thú vị như câu cá sấu, đi qua chiếc cầu khỉ cheo leo, đi xuồng trên rạch, đi xe ngựa trên những con đường làng xuyên qua vườn cây ăn trái. Khi thấm mệt, bạn có thể ngồi lại uống tách trà mật ong, ăn miếng kẹo dừa nóng hổi mới ra lò, vừa nghe đờn ca tài từ réo rắt. 

Khu lăng mộ Nguyễn Thị Định

Bà Nguyễn Thị Định, quê ở  xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, là nữ tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngày 30-8-1995, bà Nguyễn Thị Định được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 

Sau khi bà mất, đền thờ bà được lập ngay trên chính quê hương bà. Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định rộng gần 15.000 m2, được xây dựng theo lối kiến trúc cổ Việt Nam với cổng Tam Quan, kiến trúc mái cong và chạm khắc tinh xảo. Trước đền là sân lễ, sân được phủ một thảm cỏ xanh đem đến cảm giác dễ chịu và những cây cảnh được trang trí phù hợp với kiến trúc công trình tạo nên vẻ mỹ quan. Trong đền thờ có tượng đồng chân dung bà, tượng có chiều cao 1,75 m, nặng 1.025 kg, đặt trên bệ thờ cao 1,5 m do Bộ Quốc phòng trao tặng. Ngoài phần đền thờ còn có khu bảo tàng trưng bày hiện vật, hình ảnh, tư liệu để minh họa về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của bà Nguyễn Thị Định để du khách quan tâm có thể tìm hiểu.

Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định không chỉ là điểm đến lý tưởng cho du khách, mà còn là điểm hẹn lịch sử của lớp trẻ, là điểm hẹn để tổ chức của phụ nữ các cấp để tổ chức các buổi giao lưu, gặp gỡ, tọa đàm, họp mặt, là nơi tổ chức các buổi dã ngoại, hội trại,… cho học sinh – sinh viên về nguồn.

Đền thờ Phan Thanh Giản

Về huyện Ba Tri, Bến Tre, ngoài khu lăng mộ Nguyễn Đình Chiểu ở thị trấn Ba Tri, xuôi về ven biển còn có khu mộ của đại thần Phan Thanh Giản tại xã Bảo Thạnh.

Phan Thanh Giản là tiến sĩ đầu tiên ở Nam Kỳ. Ông đã tự vẫn sau khi 3 tỉnh miền Tây dưới sự cai quản của ông bị rơi vào tay giặc Pháp. Có rất nhiều luồng ý kiến trái chiều về việc ông bán nước cho giặc. Tuy nhiên về sau ông đã được minh oan và được xây lăng tưởng niệm. Khu mộ tưởng niệm ông hiện đặt tại xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, quê nhà của ông.
 
Đền được khánh thành vào năm 2004, trước đền thờ là khu vực mộ với tường rào, bệ thờ, sân tráng xi-măng có cổng trang nghiêm. Tại đền có bức tượng đồng toàn thân của cụ Phan Thanh Giản (cao 2,1 m) đã được phục chế và dựng lại, được chuyển đến vào lễ khánh thành đền sau một thời gian dài đặt ở trung tâm thành phố Bến Tre. Đến đền thờ Phan Thanh Giản, du khách có dịp thắp một nén nhang và nghe câu chuyện về cuộc đời gây nhiều tranh cãi của vị đại thần mang bản án oan suốt hàng trăm năm này.

Khu lăng mộ và nhà lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu

Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ mù yêu nước thời Pháp thuộc. Tuy không sinh ra tại Bến Tre nhưng phần lớn cuộc sống và lao động nghệ thuật của ông đều tập trung trên mảnh đất này. Lúc sinh thời ông xem đây như quê hương thứ hai và người dân xứ dừa cũng quý mến ông như một người cha già đáng kính. Khu lăng mộ và nhà lưu niệm nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu được đặt tại nơi ông mất, ở xã An Đức, huyện Ba Tri. 

Đền thờ cụ Nguyễn Đình Chiểu được thành lập với mong muốn trở thành nơi cho đời sau quay về, tìm hiểu về vị anh hùng một thời đã đi vào thơ ca, làm rạng danh xứ sở và từ đó học tập cho mai sau. Bước đến trước cổng đền, các đoàn du khách sẽ được tiếp đón tại nhà khách phía bên trái. Từ cổng đền đến nhà bia có sân rộng với nhiều cây cảnh được trang trí công phu, làm nơi cho du khách nghỉ chân nhìn ngắm tổng thể cảnh vật nơi đây. Phần đền thờ hình tròn với 3 tầng mái tượng trưng cho ba nghề nghiệp của cụ Đồ Chiểu đó là nghề dạy học, bốc thuốc và nhà thơ. Tầng dưới cùng của khu đền thờ là nhà triển lãm, nơi trưng bày những hiện vật cụ để lại cũng như giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp thơ ca của ông. Phía sau khu vực đền thờ hiện nay là nhà thờ cũ và khu lăng mộ của cụ. Tất cả được xây theo lối kiến trúc truyền thống, hòa hợp với khung cảnh làng quê thanh bình quanh khu đền thờ.

Khách có dịp đến Bến Tre rất nên ghé thăm đền thờ cụ Nguyễn Đình Chiểu để thắp nén hương thầm kín bên lăng người, để tấm gương anh hùng soi sáng tấm lòng dẫn bước mai sau.

Nhà cổ Huỳnh Phủ

Về Thạnh Phú, du khách thường không chỉ ghé thăm biển Cồn Bửng mà còn đến với nhà cổ Huỳnh Phủ. Ngôi nhà thuộc xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, là một công trình kiến trúc điêu khắc gỗ độc đáo, mang đặc trưng miền sông nước Cửu Long do ông Huỳnh Ngọc Khiêm (1843-1927) để lại. 

Ông Huỳnh Ngọc Khiêm là người miền Trung vào Nam lập nghiệp từ lúc còn tay trắng cho đến khi sự nghiệp giàu có vào bậc nhất ở vùng cù lao Minh và đất Bến Tre lúc bấy giờ. Theo di tích để lại thì ngôi nhà được có thể  được xây dựng vào khoảng cuối thập niên 80 hoặc đầu thập niên 90 của thế kỉ XIX.

Ngôi nhà được xây dựng bằng những vật liệu gỗ tốt nhất với những hoa văn được chạm khắc vô cùng tinh xảo, công phu. Kiến trúc nhà ba gian của người Nam bộ xây theo kiểu nhà giàu xưa khiến người xem phải bất ngờ vì sự tráng lệ, nguy nga của ngôi nhà. Với những nét kiến trúc khiến cho người đời sau phải nghiêng mình ngưỡng mộ, năm 2011, nhà cổ Huỳnh Phủ đã được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch Việt Nam công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Đây là điểm phải đến cho những ai yêu thích kiến trúc cũng như văn hóa Nam bộ. 

Biển Cồn Bửng

Nằm cách thành phố Bến Tre khoảng 70 km, cồn Bửng thuộc xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú. Đến với Cồn Bửng, du khách cảm giác thoải mái, yên lành bởi cảnh vật nơi đây còn rất hoang sơ, người dân bản địa chan hòa, mến khách, hết lòng phục vụ theo cách “lấy công làm lời”.

Biển Cồn Bửng nổi danh với con đường ốc Viết và những hồ bơi thiên tạo. Con đường Ốc Viết do mẹ thiên nhiên tạo ra khi đánh từng đợt sóng mang theo những con ốc Viết nằm lại trên bãi cát dài. Những hồ bơi thiên tạo do các luồng xoáy của dòng hải lưu tạo thành, thường xuất hiện khi thủy triều rút, được người dân địa phương gọi là “hủng”. Các hồ này thường rất bằng phẳng, sạch, an toàn, không có bùn và xác ốc, lại rất nông nên là nơi tắm lý tưởng cho trẻ em và người không biết bơi.

Không chỉ có cảnh quan thiên nhiên, trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, biển và rừng tràm Cồn Bửng là bến tàu không số mật danh A101. Vậy nên Cồn Bửng còn là điểm du lịch tâm linh. Đến Cồn Bửng, khách tham quan thường đến Lăng Ông Nam Hải. Đối diện với Lăng Ông Nam Hải là Công viên Nghĩa trang đường Hồ Chí Minh trên biển – công trình ghi dấu và tôn vinh những chiến sĩ trên các con tàu không số. Đến đây du khách không chỉ vui chơi giải trí mà còn là dịp tìm hiểu về lịch sử nước nhà, đắm mình trong không khí hào hùng của một thời vang dội những chiến công.

Sân chim Vàm Hồ

Sân chim Vàm Hồ thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Sân chim Vàm Hồ là hệ sinh thái đặc sắc, tiêu biểu cho rừng ngập mặn ven biển cửa sông Cửu Long, có giá trị sinh học cao và tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Theo thống kê, sân chim Vàm Hồ có đa dạng loài rất lớn; đông đảo nhất phải kể đến cò trắng, cò ngang nhỏ, vạc, diệc xám…; các bụi cây thấp hơn là thế giới của các loài cuốc, bìm bịp, chèo bẻo…; dưới cùng là nơi sinh sống của các loài thú hoang dã như dơi, chồn, rắn, sóc, trăn….

Nếu may mắn đến vào lúc giao ngày, bạn có thể nhìn thấy được khung cảnh từng đàn chim bay kiếm mồi hoặc về tổ hết sức kỳ thú. Không chỉ ngắm chim trời, đến đây, bạn còn được đi dạo đường rừng, bơi xuồng len lỏi trong rừng ngập mặn, đến tham quan khu căn cứ kháng chiến, đi qua những chiếc cầu tre lắt lẻo, ngã lưng trên chiếc võng mắc đung đưa. Sau khi tận hưởng không gian thiên nhiên Nam Bộ thú vị, du khách có thể thưởng thức các món ăn dân dã từ tôm, cá, rùa… vừa bắt từ dưới ao lên. 

Trả lời