Nội Dung Chính
Phan Si Păng – Sapa (Lào Cai)
Sa Pa là một địa điểm du lịch quen thuộc ở Việt Nam, nằm ở huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Sa Pa nằm trên địa hình núi cao 1500 mét đến 1650 mét ở sườn núi Lô Suây Tông, địa hình vùng núi Tây Bắc với phong cảnh tuyệt đẹp và thiên nhiên phong phú, khí hậu mát mẻ và nét đặc sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số.
Nơi đây được coi là khá lý tưởng cho các hoạt động leo núi. Đến Sa Pa, bạn không thể bỏ qua trải nghiệm chinh phục đỉnh Phan Si Păng – nóc nhà Đông Dương với độ cao 3143 mét, nằm ở trung tâm dãy Hoàng Liên Sơn. Đỉnh Phan Si Păng cách Sa Pa 9km, và để đi lên hết ngọn núi này cần khoảng 5 – 6 ngày. Nếu bạn muốn trải nghiệm mạo hiểm, thì có thể chọn cách tự leo núi thay vì dùng cáp treo lên đỉnh. Ngoài ra bạn có thể leo bộ lên núi Hàm Rồng, nằm ngay sát thị trấn.
Kon Tum – Tây nguyên
Là một tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên của Việt Nam, Kon Tum nằm về phía cực Bắc của Tây Nguyên, có vị trí địa lý nằm ở ngã ba Đông Dương, phần lớn nằm ở phía Tây dãy Trường Sơn.
Tây Nguyên luôn nổi tiếng bởi sự hoang dã của núi rừng. Đến Kon Tum là phải đến những địa danh như núi Ngọc Linh, Chu Mon Ray, rừng hoang dã Sa Thầy, khu du lịch Đắk Tre ở huyện Kon Plông hay suối nước nóng Đắk Tô.
Dưới đây là một lộ trình “lý tưởng” cho chuyến du lịch mạo hiểm Tây Nguyên:
Ngày 1: thành phố Kon Tum – Cầu treo KonKlor. Xuất phát từ cầu treo KonKlor, bạn đến thăm làng KonKlor II và làng KonJoRi, đi qua rừng để vào làng du lịch văn hóa KonKoTu – nơi làng dân tộc BahNar còn giữ nguyên được những nét sinh hoạt và cảnh vật thiên nhiên hoang sơ. Đến đây, bạn có cơ hội ngâm mình trong dòng nước mát lạnh của con sông DakBla huyền thoại, tìm hiểu văn hóa nhà rông, lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên và thưởng thức rượu cần đặc sản cùng người dân tộc nơi đây.
Ngày 2: KonTum – huyện KonRay, thăm làng KonRoSieng, KonCheoLeo. Đi bộ từ KonCheoLeo sang làng KonDu, tắm mình trong dòng sông DakPoNe, nghỉ đêm và giao lưu văn hóa cùng dân bản ở nhà rông, lấy sức để thực hiện chuyến hành trình khám phá tiếp theo.
Ngày 3: KonRay – rừng phòng hộ đèo Măng Đen – đỉnh đèo Măng Đen.
Hà Giang
Hà Giang là tỉnh có địa hình khá phức tạp với nhiều ngọn núi đá cao và sông suối. Đặc biệt là đỉnh Tây Côn Lĩnh cao 2419 mét và ngọn Kiều Liêu Ti cao 2402 mét. Hà Giang luôn nổi tiếng với các cung đường ngoằn ngoèo thử thách mạo hiểm cho khách du lịch. Khách đến đây là phải ghé qua huyện Xín Mần, phượt đèo Mã Pí Lèng, thăm cột cờ Lũng Cú và tìm hiểu một chút về bản sắc dân tộc Lô Lô.
Cát Bà
Cát Bà là nơi tụ hội của hình thế biển và núi. Mặc dù đã được khai thác từ lâu, nhưng nơi đây vẫn ẩn chứa nhiều phong cảnh hoang sơ cần được khám phá.
Ở Cát Bà, bạn sẽ không chỉ tắm biển mà còn có thể leo núi. Hai địa điểm leo núi được ưa thích nhất ở đây là đảo Đầu Bê và núi ở Bến Bèo. Với đảo Đầu Bê, khách di chuyển từ cảng du lịch Cát Bà mất 2 tiếng. Còn núi Bến Bèo chỉ cách trung tâm Cát Bà 2 km. Ngoài ra còn có đảo Ba Trái cách cảng du lịch 22 km về phía Nam.
Mai Châu – Hòa Bình
Mai Châu là một huyện miền núi thuộc tỉnh Hòa Bình, là một thung lũng nhỏ nằm dưới đèo Thung Khe, nơi có rất nhiều bản làng người Thái sinh sống. Đây đã là điểm đến quen thuộc của các lượt khách du lịch trong và ngoài nước mỗi năm.
Đến với Mai Châu là để tận hưởng không khí trong lành và cuộc sống chân chất mộc mạc của dân tộc Thái nơi đây. Đến Mai Châu, bạn có thể thử cảm giác mạo hiểm trên đèo Thung Khe, không hùng vĩ như đèo Ô Quy Hồ hay Mã Pí Lèng nhưng lại nguy hiểm bởi những chiếc xe tải ngược xuôi mỗi ngày cùng làn sương mù đặc quánh mỗi buổi sớm và khi chiều xuống.
Cách không xa trung tâm thị trấn Mai Châu, nằm sát quốc lộ 15 nhìn về phía bản Lác, bản Póm Coọng và hang Mỏ Luông đi sâu vào lòng núi hơn 500 mét với chiều rộng từ 1 – 30 mét, vòm trần cao trung bình 10 mét, thậm chí có chỗ cao nhất là 30 mét. Hay có thể đến thăm Hang Chiều với lối dẫn lên cửa hang là 1200 bậc đá.
Pù Luông – Thanh Hóa
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông thuộc địa phận các huyện Bá Thước và Quan Hóa, nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa 130 km. Nằm ở vùng biên giới phía Tây đất nước, Pù Luông đặc trưng với những ngôi nhà sàn nép mình bên cạnh núi đá. Khách du lịch ưa mạo hiểm có thể leo núi, vượt thác ở Pu Luông.
Đèo Cả
Đèo Cả là cung đường phượt mạo hiểm dài nhất miền Trung. Nó nằm giữa hai sườn núi Hảo Sơn và núi Đá Bia có độ cao hơn 330m, có tổng chiều dài 12km nối tỉnh Khánh Hòa với Phú Yên. Con đường đèo ngoằn nghèo trên núi uốn lượn như một con rắn khổng lồ thách thức sự gan dạ của những ai thích khám phá, thích chinh phục. Đi qua đèo Cả, bạn có cảm giác như đang thưởng thức một bức tranh phong thủy với một bên núi rừng ruộng nương lấp ló sau màu xanh cây cỏ, một bên là ánh biển trong xanh với vô số chiếc thuyền neo đậu.
Yên Bái
Yên Bái là một tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc Việt Nam. Đây bạn sẽ không thể bỏ lỡ địa điểm mơ ước của các tay leo núi chuyên nghiệp, đó chính là Tà Chì Nhù với độ cao 2979 mét. Thời điểm tuyệt vời nhất để leo Tà Chì Nhù là khi mùa xuân về, khi tiết trời dễ chịu hơn, thiên nhiên đâm trồi nảy lộc. Hoặc bạn có thể chinh phục “sống lưng khủng long” trên đỉnh Tà Xùa. Dãy Tà Xùa mọc lên sừng sững tạo nên ranh giới tự nhiên giữa 2 tỉnh Yên Bái và Sơn La, với ba đỉnh hợp thành một kỳ quan của đất nước. Đỉnh cao nhất là nơi dựng cột cờ Việt Nam trên độ cao 2850 m, tại đỉnh thứ hai hiện từng là nơi dựng cột cờ thời Pháp thuộc, hiện giờ vẫn còn dấu tích. Đỉnh cao thứ ba nằm ở giữa, tạo thành vạch nối tạo thành sống lưng của một con khủng long thời tiền sử.
Thác Bản Giốc – Cao Bằng
Cao Bằng là tỉnh nằm ở Đông Bắc nước ta. Nơi đây có khung cảnh thiên nhiên hoang sơ và hùng vĩ với thác nước, núi rừng tuyệt đẹp. Tới Cao Bằng, bạn sẽ không thể bỏ qua cơ hội ngắm nhìn Thác Bản Giốc – thác nước tự nhiên lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Thác Bản Giốc từ lâu đã đi vào văn thơ bởi vẻ đẹp hùng vĩ lạ thường của nó.