Nội Dung Chính
Núi Lảo Thẩn
Được mệnh danh là địa điểm săn mây đẹp nhất Y Tý (Lào Cai), núi Lảo Thẩn là một địa điểm du lịch tuyệt đẹp được các phượt thủ ưa chuộng. Nhưng để tới được đây, du khách sẽ rất vất vả mới có thể vượt qua bởi đường đi có nhiều cây bụi, gió mạnh, nắng gắt và khan hiếm nước. Bên cạnh đó, dù đường mòn nhưng có nhiều lối rẽ với những cung đường gấp khúc và nhiều dốc cao. Do đó, nên các du khách cần thuê những người dân bản địa dẫn đường để tránh bị lạc trong rừng.
Tà Năng – Phan Dũng
Tà Năng – Phan Dũng trải qua 3 tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận và được mệnh danh là cung đường đẹp nhất Việt Nam. Tuy nhiên, đây lại là điểm du lịch rất khó chinh phục và đặc biệt nguy hiểm trong mùa mưa bởi tính chất địa hình đồi núi cao.
Cung đường này có tổng chiều dài khoảng 55km, được bao bọc bởi rừng, núi và những con suối hoang sơ, tuyệt đẹp. Tuy nhiên khi chinh phục cung đường này, phượt thủ không chỉ cần có thể lực mà còn phải trang bị đầy đủ kỹ năng sinh tồn, sự tôn trọng đối với thiên nhiên và phương án ứng phó với thời tiết. Nhiều tai nạn đáng tiếc đã xảy ra tại đây chính là hồi chuông cảnh báo về sự an toàn cho những ai đặt chân đến địa danh này.
Đỉnh lùng Cúng
Đỉnh Lùng Cúng cao 2.913 m với mây trắng bao phủ quanh năm, tên đỉnh núi được đặt theo tên một bản nằm sâu trong vùng núi hiểm trở bậc nhất tại xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.Muốn tới đây, du khách có thể leo từ 3 hướng khác nhau (từ bản Thào Chua Chải, bản Lùng Cúng hoặc bản Tu San). Trước khi chạm chân tới nơi giao hòa giữa đất trời, tận hưởng vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, bạn sẽ phải mất khoảng 2 ngày băng qua quãng đường gian nan đầy hiểm trở với rừng nguyên sinh, lên và xuống các núi đá vách dựng đứng.
Đỉnh Fansipan
Fansipan thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn, cách thị trấn Sa Pa khoảng 9 km về phía tây nam, nằm giáp hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu thuộc vùng tây bắc của nước ta. Fansipan không chỉ là đỉnh núi cao nhất Việt Nam, mà còn là “nóc nhà” của Đông Dương và là mục tiêu chinh phục của cộng đồng phượt thủ. Với độ cao hơn 3.100 m, du khách có thể chinh phục ngọn núi này bằng nhiều con đường khác nhau. Nếu khám phá theo kiểu “truyền thống”, tức là không dùng cáp treo, các du khách phải mất 2 – 4 ngày để di chuyển.
Đèo Cả
Đèo Cả là cung đường phượt mạo hiểm dài nhất miền Trung. Nó nằm giữa hai sườn núi Hảo Sơn và núi Đá Bia có độ cao hơn 330m, có tổng chiều dài 12km nối tỉnh Khánh Hòa với Phú Yên. Con đường đèo ngoằn nghèo trên núi uốn lượn như một con rắn khổng lồ thách thức sự gan dạ của những ai thích khám phá, thích chinh phục. Đi qua đèo Cả, bạn có cảm giác như đang thưởng thức một bức tranh phong thủy với một bên núi rừng ruộng nương lấp ló sau màu xanh cây cỏ, một bên là ánh biển trong xanh với vô số chiếc thuyền neo đậu.
Đỉnh Tây Côn Lĩnh
Đỉnh Tây Côn Lĩnh cao 2419 mét và ngọn Kiều Liêu Ti cao 2402 mét thuộc địa phận tỉnh Hà Giang. Đến đây bạn phải trải qua các cung đường ngoằn ngoèo thử thách mạo hiểm một bên là vực sâu, một bên là vách núi cao dựng đứng. Khách đến đây là phải ghé qua huyện Xín Mần, phượt đèo Mã Pí Lèng, thăm cột cờ Lũng Cú và tìm hiểu một chút về bản sắc dân tộc Lô Lô.
Núi Bà Đen
Là một trong những ngọn núi cao nhất miền Nam, núi Bà Đen (Tây Ninh) luôn là đích đến yêu thích của phượt thủ hay những người đam mê leo núi. Từ chân núi lên Điện Bà – vị trí giữa núi với hệ thống điện thờ, chùa có 3 phương án di chuyển là cáp treo, máng trượt và đi bộ. Mỗi phương án mất khoảng 20-60 phút di chuyển.
Tuy nhiên, từ Điện Bàn lên đỉnh núi chỉ có một phương án là men theo đường mòn sau lưng Điện Bà. Du khách phải len qua những tảng đá và hang động để lên đến đỉnh. Đoạn đường này có địa hình vô cùng phức tạp và nguy hiểm. Đôi lúc, du khách sẽ gặp phải tình trạng đá lở hoặc rắn độc trên núi.