Nội Dung Chính
Thịt trâu, lợn gác bếp
Hà Giang là một tỉnh miền núi phía Bắc với nhiều dân tộc anh em sinh sống với nhau nên tục gác thịt lên bếp đã trở thành thói quen, phong tục thông lệ tron mỗi gia đình. Từ bao đời, thịt trâu, lợn gác bếp đã trở thành món ăn không thể thiếu và là đặc sản Hà Giang mà du khách không thể bỏ qua khi đến đây.
Thịt trâu, lợn gác bếp thường là những thớ thái dọc dài, từng miếng thịt trâu hay thịt lợn được xiên vào nhưng que to rồi treo lên gác bếp. Trước khi mang lên gác bếp, người dân đã tẩm các gia vị vào thịt như ướp thịt với các gia vị như ớt, gừng, đặc biệt là mắc khén. Sau một thời gian, những miếng thịt sẽ khô lại nhưng vẫn giữ được gia vị quệt lên đó, và có hương vị đặc trưng rất ngọt và thơm. Cũng giống như thịt bò khô ở ngoài cửa hàng hay siêu thị nhưng thịt bò khô đã được thống kê là có rất nhiều chất bảo quản, nguồn thịt cũng không đảm bảo. Ngược lại, thịt gác bếp ăn ngon mà lại không có chất bảo quản, là món ăn khoái khẩu của du khách mỗi khi đến Hà Giang. Nhiều người đến đây không quên mua một ít về làm quà cho gia đình, người thân. Chính những du khách đã trở thành cầu nối mang thịt trâu, lợn gác bếp đến nhiều người hơn, trở thành món ăn vừa ngon vừa lạ với những người dân miền xuôi.
Giá dao động: 800.000 đồng – 1.000.000 đồng/kg.
Mật ong bạc hà
Mật ong bạc hà Đồng Văn có vị ngọt đậm đà khác hẳn với những loại mật ong ở những nơi khác, chúng êm dịu, thơm ngon, bổ dưỡng và nhất là có mùi hương rất đặc biệt. Sản phẩm do chính tay người nông dân làm ra, họ cất công chăm sóc ong rồi thu hoạch lấy mật, làm nên những giọt mật ong tinh túy, đặc trưng của vùng núi đá, mang lại giá trị kinh tế đến đồng bào dân tộc giúp cuộc sống ổn định hơn.
Cứ tới độ tháng 9 – tháng 12 âm lịch, khi mà những bông hoa bạc hà nở rộ một màu khắp nương đồi, sườn núi, cao nguyên đá là lúc bầy ong đua nhau đi lấy mật về tổ. Vì cây bạc hà là cây hoa dại, mọc rất nhiều trên cao nguyên, lại thêm hoa của chúng có màu tím hồng, đã thu hút những bầy ong đến lấy mật để rồi bay về tổ cho ra những giọt mật ngọt ngào. Chính bởi ong đua lấy mật của hoa bạc hà mà loại mật ong bạc hà đã được gọi tên như vậy từ lâu đời và nó cũng nổi tiếng. Mật ong bạc hà Đồng Văn có rất nhiều lợi ích với con người, chúng được xem như một vị thuốc có dược tính đặc biệt. Đó là khả năng bồi bổ sức khỏe, công dụng chữa các bệnh về hô hấp, đường tiêu hóa, vị thơm, ngọt dịu hiếm có của loại mật ong.
Giá dao động: hơn 350.000 đồng/lít.
Rêu nướng
Khách du lịch khi đến với Hà Giang sẽ nhận ra người Tày có một nền văn hóa ẩm thực rất phong phú và đa dạng với những món ăn thú vị và hấp dẫn, một trong số đó là món rêu nướng. Đây được coi là một đặc sản cực hấp dẫn và là một nét ẩm thực độc đáo của xứ này.
Là một món ăn bổ dưỡng lại có hương vị rất riêng nên rêu nướng được rất nhiều khách du lịch “nghiện” khi đến với Hà Giang. Khi đi tìm rêu, người dân thường chọn những bãi rêu lớn, bởi ở đó rêu vừa nhiều, vừa ngon. Rêu tươi kiếm về được đem vò, đập kĩ cho sạch nhớt phù sa sau đó có thể biến thành nhiều món. Cũng có nhiều món ăn hấp dẫn được chế biến từ rêu như: rêu khô, rêu rán nhưng độc đáo nhất đó là trộn gia vị vào và đem đi nướng. Sau khi xé tơi người ta đem trộn các gia vị như xả, lá mùi tàu, lá dăm, lá hẹ và có thể cho 1 – 2 hạt dổi vào cho thơm cùng với muối, mì chính,… tùy theo khẩu vị của từng gia đình mà người ta có thể thêm nhiều gia vị khác nhau và sau khi trộn xong gói lá, rồi đem nướng trên bếp than hồng. Không chỉ là món ăn nhiều đồng bào dân tộc ưa thích mà còn có khả năng chữa nhiều bệnh, giúp lưu thông khí huyết, giải độc, giải nhiệt, ổn định huyết áp và tăng cường sức đề kháng. Bởi vậy đây là một món ăn cự ngon lại vừa bổ giá cũng rất phải chăng, bạn nhất định không nên bỏ lỡ khi đến du lịch ở Hà Giang.
Giá dao động: 20.000 đồng – 50.000 đồng/đĩa.
Phở gà
Phở gà, phở lòng gà hoặc cháo gà mê hoặc khách du lịch bởi hương thơm và vị béo ngậy ngọt ngào đặc trưng. Sợi phở mềm kết hợp thịt gà hoặc lòng mề xào rất vừa vị. Tuy nhiên những bát phở ở Đồng Văn thường nhạt hơn một chút so với miền xuôi nên nếu chưa quen, bạn nên cho thêm bột canh vào để cảm nhận đầy đủ trọn vẹn hương sắc ẩm thực nơi đây. Ở ngay trung tâm thành phố Hà Giang cũng có rất nhiều những quán phở ngon giúp bạn thêm phấn chấn cho một chuyến đi dài.
Giá dao động: 35.000 đồng – 40.000 đồng/bát.
Bánh tam giác mạch
Thời điểm tháng 10 và đầu tháng 11 hàng năm là khoảng thời gian các du khách kéo nhau lên cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang để ngắm nhìn cánh đồng hoa tam giác mạch. Khác với nhiều loài hoa, thời điểm đẹp nhất của tam giác mạch là khi đến độ sắp tàn. Lúc đó, hoa chuyển từ màu trắng sang màu hồng phớt rồi đỏ thẫm.
Hạt của cây tam giác mạch giàu dinh dưỡng không kém gì hạt gạo hay ngô với nhiều khoáng chất như sắt, kẽm, inositol, selen rất tốt cho sức khỏe. Để làm được những chiếc bánh thơm ngon như vậy, người dân phải thực hiện qua nhiều công đoạn. Trước tiên, hạt tam giác mạch phải được phơi khô đủ độ rồi đem đi xay bằng tay. Quá trình xay cũng phải thật khéo léo đẻ ra mẻ bột thật mịn, đều, tránh bị lợn cợn sau khi chế biến. Người ta nhào bột đã xay với nước rồi đóng thành khuôn, đem đi nướng. Xé một miếng bánh nóng hổi đưa lên miệng, nhấm nháp từng chút một để thấy được hương vị đặc trưng và vị béo, bùi của loại bánh mà chỉ Hà Giang mới có, quả đúng là trải nghiệm hết sức thú vị. Giá thành sản phẩm sau khi ra lò nóng hổi là 10.000 đồng – 15.000 đồng một chiếc bánh. Dù không cao giá như những món hàng ở nơi khác nhưng bánh tam giác mạch đang góp phần lớn vào sự phát triển ẩm thực, du lịch, kinh tế khi đến Hà Giang.
Nếu có dịp tới Hà Giang, bạn đừng quên mua những gói bánh tam giác mạch dẻo hay bánh tam giác mạch giòn về làm quà. Bên cạnh đặc sản này, vùng đất Hà Giang còn có nhiều loại bánh nổi tiếng khác như bánh ba kích, bánh khẩu mang, bánh cốm nếp hái giòn, bánh cốm nếp hái dẻo,…
Giá dao động: 10.000 đồng – 15.000 đồng/cái.
Phở bò
Ấn tượng đầu tiên của hầu hết các thực khách khi thưởng thức tô phở bò ở Phố cổ Đồng Văn là vị nước dùng ngọt thanh, bò tái dai thơm và sợi phở mềm. So sánh vị phở Đồng Văn với hương vị gia truyền của người Hà Nội thì rõ ràng không thể bì kịp, tuy nhiên giữa khí lạnh của đất trời nơi đây, được xì xụp bát phở nóng, ngọt thơm đầy quyến rũ đã làm nhiều du khách thích thú, ấm lòng.
Giá dao động: 35.000 đồng – 45.000 đồng/bát.
Xôi ngũ sắc
Xôi một màu thì ta có thể nhìn thấy ở mọi nơi, nhưng khi đến với Hà Giang, bạn chắc chắn sẽ phải trầm trồ ngạc nhiên khi thấy món xôi ngũ sắc gồm 5 màu: trắng, đỏ, xanh, tím, vàng. Không phải ngẫu nhiên mà người Tày lại chế biến món xôi thành những màu như thế. Mỗi màu xôi lại truyền tải một ý nghĩa nhất định, đó là đại diện cho ngũ hành: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Tất cả những màu tạo nên một màu sắc không những hài hòa âm dương, ngũ hành mà còn tạo nên sự thu hút đối với những vị khách du lịch, những dân phượt từ khắp mọi miền.
Trên thị trường, có rất nhiều loại xôi với nhiều màu sắc khác nhau, nhưng xôi ngon và chuẩn thì phải nhắc đến món xôi của đồng bào thiểu số vùng cao. Xôi là đồ ăn được ưa chuộng tại miền cao bởi phù hợp với điều kiện và nét đặc trưng của tộc người thiểu số. Điều đặc biệt rằng, xôi được nấu bằng gạo nếp cái hoa vàng có chọn lọc vì vậy rất dẻo vào thơm, để lâu cũng không bị cứng và có thể ăn xôi mà không cần đến đồ ăn mặn như cơm gạo tẻ. Màu xôi đẹp tự nhiên được làm từ các màu trong đời sống hằng ngày của người dân địa phương. Trắng là màu nguyên của gạo, các màu còn lại được tạo nên bằng cách ngâm gạo với nước của các loại lá và củ cây rừng. Mỗi vùng dân tộc có một cách làm riêng. Màu đỏ dùng quả gấc hoặc lá cơm đỏ. Màu xanh dùng lá gừng, lá cơm xôi xanh, hoặc vỏ bưởi, vỏ măng đắng, lá cây ba soi, cây thành ngạnh khô, đốt lấy tro ngâm với nước có pha chút vôi. Màu vàng dùng củ nghệ già giã lấy nước. Màu tím dùng lá cơm đen hay lá cây sau sau…
Với món xôi ngũ sắc, không chỉ mang lại vẻ đẹp mắt, ngon miệng mà còn mang tính thiêng liêng vô cùng lớn. Món ăn đặc sản nổi tiếng này là thứ không thể thiếu trong mâm cỗ ngày lễ của đồng bảo dân tộc Hà Giang. Đó còn là biểu tượng văn hóa nơi đây khiến ai đến với Hà Giang đều mong muốn được tự mình thưởng thức món ăn này.
Giá dao động: 5.000 đồng – 15.000 đồng/gói xôi.
Lợn cắp nách
Lợn cắp nách có tên gọi rất đặc biệt mà ai cũng tò mò không biết cái tên đó sinh ra như thế nào. Sở dĩ chúng được gọi như vậy vì thân hình của con lợn này khá bé mà người dân khi bắt lọ hay để ôm thọt vào người hay treo dưới nách. Hơn nữa lợn ra đời từ thói quen chăn nuôi lạc hậu của bà con dân tộc vùng cao như: Dao, Thái, Mông,… Đây thực chất là giống lợn đặc trưng truyền thống được lai giữa lợn rừng và lợn Mường và việc nuôi dưỡng khá đơn giản. Thường thì sau khi lợn mẹ sinh ra lợn con, chúng được thả rông mặc cho mưa nắng không có chuồng trại, không được chăm sóc. Những con lợn phải tự kiếm ăn từ những cây củ dại từ ngoài vườn, rừng,… thỉnh thoảng mới được cho ăn những bắp ngô, củ sắn.
Không giống như loại lợn khác ở miền xuôi được chăm nuôi cẩn thận và ăn nhiều cám nên có thân hình béo mỡ hơn, còn lợn cắp nách nhỏ, do thói nuôi thả rông mà khiến chúng bé nhỏ và thịt của chúng nạc. Vì vậy, lợn cắp nách có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon khác nhau rất được ưa chuộng. Lợn cắp nách rồi có thể chế biến tùy theo sở thích của mỗi người. Với thịt lợn này có thể dùng nướng, hấp, kho tùy sở thích, có thể dùng xương để ninh thành món canh ngon. Ngon nhất phải kể đến món lòng dồi và thịt bụng còn lẫn cả xương sườn hấp cách thủy, chấm lá nhội giã nhỏ trộn hạt xẻn hoặc hạt dổi, ớt xanh. Vị hơi chua, chát và mùi thơm của hạt dổi, gặp món thịt ba chỉ ăn cũng sẽ có hương vị đặc biệt mà chỉ ăn một lần cũng sẽ rất khó quên.
Giá dao động: hơn 140.000 đồng/kg.
Bánh cuốn Đồng Văn
Đây là món ăn luôn đứng đầu khi khách du lịch nói về đặc sản của Hà Giang. Trong cái chớm lạnh đầu đông, các bạn trẻ ưa “xê dịch” lại có cơ hội di chuyển địa điểm tham quan của mình lên vùng núi rừng Đông Bắc, cùng quây quần bên nhau cạnh chiếc bàn nhỏ, hít hà cái hương vị trong lành của cái lạnh nơi đây, hít cái hương đất, cái không khí trong trẻo mà nơi thị thành đông đúc kia không bao giờ có được. Tìm vào dừng chân ở quán bánh ven đường, bạn mới thực sự cảm nhận được hơi ấm ở đây, hơi ấm từ bếp lửa tráng bánh, hay chính là hơi ấm từ lòng người.
Mới nhìn qua ai cũng nghĩ bánh cuốn ở đây sẽ rất giống với những bánh nơi khác, không có gì đặc biệt cả. Nhưng phải thật sự khi bạn nếm miếng bánh đầu mới cảm nhận được hương vị khác biệt vô cùng. Bánh ở miền xuôi thường được chấm với nước mắm, hoặc có thể vắt thêm chút chanh và ớt còn nơi đây, đó là một bát nước hầm xương đậm đà, điểm thêm là chút hành hoa thái lát, rau mùi thơm man mát hòa quyện cùng vị béo béo, ngậy ngậy của canh chấm bánh. Quả là chỉ nếm nước thôi cũng đủ làm bạn mê mẩn món bánh này. Khi nhìn thấy bạn sẽ cảm thấy rất lạ lẫm với kiểu ăn này, nhưng rồi thử nếm một miếng bánh dai dai, dẻo dẻo thì thật sự cái tâm hồn ăn uống của bạn đã bị món ăn này “hớp hồn”. Có 2 vị nhân của bánh cuốn trắng cho khách lựa chọn: nhân mộc nhĩ giòn thơm mang đến cảm giác là lạ hoặc nếu không thích ăn mộc nhĩ bạn có thể nếm vị nhân thứ hai là nhân ruốc và thịt băm, vị mặn mặn bùi bùi của nhân hòa quyện với vỏ ngoài mỏng mềm của bánh, thêm một thìa nước canh xương thì không còn gì tuyệt vời hơn.
Tùy thực khách gọi, có thể ăn thêm 1 – 2 khúc giò, cắt đôi miếng hoặc thả nguyên bánh vào bát canh để bánh thấm đẫm vị ngọt của nước xương, mùi thơm của hành lá trước khi đưa lên miệng. Đối với bánh cuốn trứng, khi bánh vừa chín chỉ cần đập thêm quả trứng gà rồi đậy vung để một lúc, sau đó mới cho thêm nhân mộc nhĩ thịt băm để trứng vừa chín lòng đào mà bánh vẫn đảm bảo độ mềm, mịn, không nát. Ngoài bánh cuốn trắng, còn có một loại bánh cuốn khác mà người ta hay gọi vui là “bánh cuốn vàng” – món bánh này cũng được làm từ bột gạo hấp, tráng mỏng nhưng khi gần cho vào nồi hấp, chủ quán đập thêm 1 quả trứng đánh đều khiến bánh khi lấy ra có màu vàng cực ngon mắt, vắt thêm chút chanh, cho thêm chút dấm ớt cay cay, vảng vất trên miếng bánh là những lát hành khô vàng rụm, giòn tan, tùy từng thực khách không thích hành khô có thể không cho vào, nhưng những hương vị giản dị trong đĩa bánh sẽ khiến cho những phượt thủ, khách du lịch sẽ không bao giờ quên món ăn ngon và lạ đậm chất thôn quê này.
Giá dao động: 15.000 đồng – 20.000 đồng/đĩa.
Thắng cố
Thắng cố là món ăn truyền thống của người H’mông về sau được du nhập sang các dân tộc Kinh, Dao, Tày. Thịt nấu thắng cố theo truyền thống là thịt ngựa về sau có thêm thịt bò, thịt trâu và thịt lợn.
Thắng cố được chế biến rất đơn giản nhưng để nấu ngon miệng thì vẫn cần ví quyết riêng cũng như kinh nghiệm của từng vùng. Người ta mổ ngựa hoặc bò, dê, lợn rồi làm thịt sạch sẽ, lấy hết tất cả nội tạng ăn được của con vật chặt ra từng miếng. Gia vị truyền thống gồm muối, thảo quả, địa điền, quế, lá chanh nướng thơm, tán nhỏ, ướp vào thịt trước lúc đem xào. Ngày nay, thành phần gia vị bị nhiều nhà hàng cũng như quán ăn thay đổi nhiều khiến hương vị trở nên khác biệt rõ rệt. Khi ăn chảo vẫn để trên bếp đun, ăn đến đâu múc ra bát đến đó, giống như ăn lẩu.
Từ trước đến nay, có rất nhiều người nghĩ rằng thắng cố không được sạch sẽ và có mùi khó chịu là bởi lòng ngựa không được làm sạch. Tuy vậy, đây là cách nghĩ sai lầm bởi vì mùi khó chịu của món thắng cố là do các gia vị đặc biệt khi nấu tạo nên. Uống thêm một chén rượu ngô cho hết vị khó chịu của thắng cố bạn lại gắp thêm một miếng nữa cho vào miệng. Rất ngạc nhiên, mùi vị khó chịu của thắng cố đã tan biến. Chỉ còn lại vị ngon ngọt, mùi thơm thoang thoảng của gia vị, kết hợp vị cay nồng của rượu ngô làm cho bạn muốn ăn hoài mà không thấy ngán. Bạn sẽ nghiện món này khi được một lần ăn thử.
Giá dao động: 100.000 đồng – 330.000 đồng/nồi đủ cho 4 đến 5 người ăn.
Cháo ấu tẩu
Người ta nói, đến Hà Giang mà chưa nếm thử qua món cháo ấu tẩu thì coi như chưa biết gì về món ngon Hà Giang. Đây là món cháo làm từ củ ấu tẩu có chất độc, nhưng được người Hà Giang chế biến khéo léo thành món ăn có tác dụng giải cảm như một vị thuốc. Muốn giảm bớt tính độc cho món cháo cũng phải có bí quyết, chọn gạo tẻ, nếp cái trồng trên nương của đồng bào dân tộc, chân giò của lợn cắp nách, ninh trong 4 tiếng,… qua một số cong đoạn công phu mới có được bát cháo ấu tẩu hoàn hảo. Củ ấu tẩu cũng cần được chọn lọc kĩ lưỡng, ngâm kĩ qua nước vo gạo trong qua một đêm, rửa sạch, đem ninh cho tới khi mềm, bở tơi thành thứ bột đặc sền sệt. Bột củ ấu tẩu được nấu lẫn gạo và nước dùng ninh từ chân giò lợn. Cuối cùng, bắc ra rồi múc ra bát đập thêm một quả trứng gà, cho thêm ớt, tiêu, hành, rau mùi và tía tô, tăng thêm tác dụng giải cảm cho bát cháo.
Người không quen khi ăn sẽ thấy khá khó ăn vì vị đắng của cháo nhưng sau đó sẽ cảm nhận được vị ngọt nơi cổ họng. Bát cháo có độ sánh, là tổng hòa mùi thơm của nếp, vị ngọt của chân giò, vị béo ngậy của trứng, vị chua của măng cùng vị bùi hơi đắng của ấu tẩu. Người Hà Giang thường ăn cháo ấu tẩu vào buổi tối, vì món ăn này giúp thư giãn, giảm đau nhức, rất tốt cho giấc ngủ. Đặc biệt, bạn chỉ cần đến trung tâm thành phố Hà Giang chứ không cần phải lên tận vùng núi cao cũng đã được thưởng thức món ăn ngon, bổ này. Hơn nữa, các quán cháo ấu tẩu chỉ mở cửa bán sau 7 giờ tối cho đến đêm hoặc sáng hôm sau.
Giá dao động: 20.000 đồng – 25.000 đồng.
Thắng dền
Thắng dền là món bánh ăn chơi vào mùa đông, nên phải khi có gió lạnh tràn về thì người ta mới bắt đầu làm bánh. Thắng dền thoạt nhìn sẽ thấy bánh trôi tàu ở Hà Nội, bánh cống phù ở Lạng Sơn, nhưng lại có cách chế biến và hương vị khác biệt, khiến du khách ăn thử một lần sẽ thấy ấm áp khó quên.
Bánh cũng được làm từ bột gạo nếp, có thể làm chay hoặc bọc nhân đỗ, nhưng món ăn trên vùng cao này sẽ mang đến một hương vị hoàn toàn khác biệt, đặc biệt ở bát nước dùng. Mỗi viên bột nặn không quá to, chỉ tầm hơn đầu ngón tay cái chút xíu, cho vào nồi nước dùng luộc, đến khi nổi lên thì sẽ dùng muôi vớt ra. Bát thắng dền hấp dẫn với nước dùng được pha hỗn hợp của gừng, đường, nước cốt dừa và bên trên bát là chút hạt vừng, hạt lạc điểm xuyết tạo nên vị bùi và đẹp mắt cho bát thắng dền ngon tuyệt ngon.
Giữa cái giá rét căm căm của núi rừng miền núi, món thằng dền lại có sức hút rất lớn đối với du khách, nó khiến cho mọi người như gần nhau hơn, chủ quán cứ nặn từng viên thắng dền, rồi dần dần hàng chục rồi hàng trăm bát thắng dền đã hết từ bao giờ. Nhẩn nha ăn bát thắng dền nóng hôi hổi, cùng trò chuyện với nhau biết bao thứ chuyện, từ đó thắng dền dần trở thành món ăn mà người dân thường gọi đó là “món gọi bạn“.
Giá dao động: 10.000 đồng – 15.000 đồng/bát.
Cơm lam Bắc Mê
Cơm lam là cơm được nấu bằng ống nứa, ống tre và nướng chín trên than, lửa. Đồng bào dân tộc miền núi thường làm món cơm này để mang theo khi đi làm nương làm rẫy, vừa thuận tiện lại vừa được bảo quản tốt, không bị ôi thiu. Để làm món cơm lam Bắc Mê không hề khó, công đoạn đơn giản mà cũng không hề tốn kém. Người dân thường chọn nguyên liệu là gạo nếp ngon nhất được trồng trên nương, rồi ngâm kĩ trong nước. Việc lựa chọn gạo là yếu tố quan trọng nhất vì chúng quyết định phần lớn độ ngon và mùi thơm của cơm lam. Gạo nếp ngâm, vo sạch rồi trộn đều cùng với một chút muối.
Nấu cơm lam Bắc Mê không chỉ có gạo là đủ, phải dùng đến những ống nứa, thân cây tre, trúc, được chặt từ trên núi mang về. Khi lấy được những thân nứa, tre, trúc mang về, người dân sẽ bỏ một đầu, đổ gạo nếp vào ống tre rồi đổ nước vào vừa tới lớp gạo trên cùng, sau đó lấy lá chuối hoặc lá dong làm nút và nút chặt lại một đầu. Khi đã đổ đầy gạo nếp vào từng ống tre, người ta sẽ để những ống tre đó đốt trên than hồng, vừa đốt vừa xoay tròn từ từ, cho nhiệt tác dụng đều lên xung quanh vỏ ống. Nướng cơm lam Bắc Mê chỉ mất khoảng một giờ, khi mà mùi thơm của cơm tỏa ra thơm lừng là cơm đã chín và ngon rồi. Khi đến Hà Giang khách du lịch thường không quên mua thưởng thức, đơn giản vì nét độc đáo, vị ngon, ngọt của món ăn nơi địa đầu tổ quốc này.
Giá dao động: 25.000 đồng – 50.000 đồng.