Nội Dung Chính
Chùa Bắc Nga
Chùa Bắc Nga hay còn gọi Chùa Tiên Nga (Tiên Nga phật tự) nằm cách thành phố 11 km theo đường quốc lộ 4B từ Lạng Sơn đi Lộc Bình, Đình Lập, Quảng Ninh, thuộc địa phận thôn Bắc Nga, Xã Gia Cát, huyện Cao Lộc.
Nằm trên sườn đồi rộng thoai thoải, lưng tựa núi, mặt hướng ra quốc lộ 4B và dòng sông Kỳ Cùng uốn lượn tạo nên thế “Rồng chầu hổ phục”. Xưa kia ngôi chùa vốn nhỏ bé ẩn mình dưới tán lá cổ thụ um tùm. Sau nhiều năm được nhân dân địa phương góp tiền của tu bổ và cải tạo chùa mới có diện mạo như ngày nay.
Kiến trúc trong chùa bài trí đơn giản gồm tượng Phật, tượng ông Thiện ông Ác, một số tượng nhỏ trên ban thờ Tam Bảo cùng một số văn bia ghi lại nguồn gốc thành lập và quá trình công đức, trùng tu ngôi chùa. Tuy không thật sự bề thế và hoành tráng như nhiều ngôi chùa khác nhưng chùa Bắc Nga từ lâu đã nổi tiếng linh thiêng, thu hút rất nhiều du khách thập phương đến nguyện cầu.
Truyền thuyết kể lại rằng: Ngày xưa người và tiên sống cùng nhau, các tiên nữ thường ngao du xuống hạ giới, thấy vùng này nhiều hoa tươi cỏ lạ, cây cối mướt xanh cùng sòng Kỳ Cùng uốn lượn hữu tình làm mê đắm lòng người. Một trong số tiên nữ đã động lòng không muốn bay về thượng giới. Tiên đem nỗi niềm thổ lộ với người dân. Nhân dân trong vùng nghe vậy thì mừng lắm bèn góp của góp công xây dựng miếu thờ Tiên mong các Tiên nữ phù hộ dân làng cuộc sống bình yên. Chùa có từ đó.
Sau này, ngoài thờ Tiên, Chùa còn thờ Phật. Lễ hội chùa Bắc Nga (hay hội Bản Ngà) được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm (trùng hội chùa Tam Thanh – Lạng Sơn).
Chùa Tiên
Chùa Tiên hay chùa Song Tiên ở phố Hoàng Hoa Thám, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn.
Ngôi chùa nằm ngang chừng núi Đại Tượng (lên 64 bậc cấp), quả núi đá có hình con voi nằm về phía Nam thành phố Lạng Sơn, cách cầu Kỳ Cùng khoảng 500m, trên đường đi Mai Pha. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông. Xưa kia ở cạnh Giếng Tiên nhưng do bị hư hại nhiều mới chuyển vào động núi Đại Tượng như ngày nay.
Giếng Tiên thường hay được nhắc đến song song với Chùa Tiên. Tương truyền rằng Ông Tiên ngự trên núi, đã dẫm chân xuống đá biến thành giếng Tiên có đầy nước trong vắt cho dân làng dùng trong những năm hạn hán. Theo một thuyết khác rằng nơi đó là nơi đánh cờ của hai Tiên Ông. Trong một lần đánh thâu đêm không về trời đã hóa đá…
Chính giữa chùa được đặt ban thờ chư Phật, Bồ tát. Cung bên phải thờ vị anh hùng Trần Hưng Đạo, cung bên trái thờ Thánh Mẫu. Động còn giữ bút tích của Ngô Thì Sĩ ghi trên bia đá bài Trấn doanh bát cảnh (Tám cảnh đẹp của xứ Lạng). Năm 1992 chùa đã được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa quốc gia. Lễ hội chùa Tiên hàng năm vào ngày 18 tháng Giêng (âm lịch).
Đền Kỳ Cùng
Nằm bên bờ bắc sông Kỳ Cùng thuộc phường Vĩnh Trại, Đền Kỳ Cùng được coi là nơi linh thiêng bởi đền vốn là nơi thờ thần Giao Long (thần sông nước) để cầu quanh năm mưa thuận gió hòa. Sau này, đền Kỳ Cùng còn thờ ông Tuần Tranh.
Trong lịch sử tương truyền rằng ban đầu đền chỉ là một ngôi đền nhỏ làm bằng đất lợp ngói, để thờ thần Giao Long (thủy thần). Về sau có một vị quan được cử lên Lạng Sơn trấn ải biên thùy. Trong một lần đánh trận, quân ốm và nhiều thương vong, sợ trách phạt quan tuần đã nhảy sông tự vẫn. Do đó sau này mới có thêm việc thờ quan tuần.
Ngày nay, ghé thăm đền dễ thấy đền được xây dựng theo kiểu chữ đinh (丁), mặt tiền quay về hướng Nam. Ngoài Quân lớn Tuần trang thì hiện nay đền có thờ Tam tòa Thánh Mẫu và nhiều vị nhan thần khác.
Hằng năm, lễ hội chính của đền được tổ chức từ ngày 22 – 27 tháng Giêng âm lịch. Đây là một trong số những lễ hội lớn nhất và thu hút nhiều người nhất ở Lạng Sơn.
Chùa Tam Thanh
Chùa Tam Thanh còn có tên gọi Động Tam Thanh là “Đệ nhất bát cảnh Xứ Lạng”. Với diện tích trên 52ha, là một trong những hang động tự nhiên kỳ thú, nằm trên vùng thuộc hệ Triat, phiến thạch, quần thể hang động này được tạo nên từ lâu đời cách ngày nay từ 360 đến 245 triệu năm. Không chỉ đơn thuần là một danh thắng, Chùa Tam Thanh còn được biết đến bởi tính linh thiêng và những giá trị văn hóa nghệ thuật mà thiên nhiên ban tặng. Vẻ đẹp tạo hóa ban cho Tam Thanh có thể nói là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt đẹp và hài hòa.
Nằm trong hang động ở lưng chừng núi nên còn có tên gọi là Động Tam Thanh. Cửa hang nhìn về hướng đông cao chừng 8m lối lên là 30 bậc đá đục vào sườn núi. Vách động bên phải có khắc bài thơ của Ngô Thì Sĩ (1726-1780) khi ông làm đốc trấn Lạng Sơn.
Bước vào chính điện chúng ta sẽ thấy giữa là tượng Phật A Di Đà màu trắng với nét mềm mại, uyển chuyển được tạc nổi vào vách đá nghe nói tượng có từ thế kỷ XV mang phong cách nghệ thuật thời Lê – Mạc (thế kỷ XVI – XVII) tạc theo thế đứng trong hình một lá đề, cao 2.02m, rộng 0.65m, mặc áo cà sa buông chùm xuống tận gót, hai tay chỉ xuống đất trong thế ấn cam lộ. Phía dưới tượng là cung Tam Bảo, hồ Âm Ti quanh năm nước trong xanh không bao giờ cạn. Phía sau động, có cửa Thông Thiên thông lên đỉnh núi. Du khách đến lễ chùa không chỉ lễ mà còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú của Động. “Động này là kỳ quan do trời đất tạo ra, nơi đây là thắng cảnh của vùng đất thiêng người giỏi, thật khó mà miêu ta, tô vẽ được” (Bia khắc).
Lễ hội chùa Tam Thanh diễn ra vào ngày 15 và 16 tháng Giêng hằng năm với nhiều nghi lễ đặc sắc.
Đền Cửa Nam
Đền Cửa Nam nằm ở phía nam Thành cổ Lạng Sơn, cách cổng thành phía nam khoảng 100m, nay thuộc phố Cửa Nam, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn.
Đền Cửa Nam được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XVIII, có kiến trúc kiểu chữ Đinh chuôi vồ, cửa chính của Đền quay về hướng bắc. Đền thờ Mẫu (hệ tứ phủ) và thờ vọng Đức Thánh Trần (Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn).
Đền Cửa Nam cũng là một trong những nơi sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của nhân dân địa phương cũng như du khách thập phương.
Đền Mẫu Đồng Đăng
Tọa lạc tại trung tâm thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn. Đền Mẫu Đồng Đăng hay “Đồng Đăng linh tự”, là một ngôi đền cổ kính uy nghi nằm trên đỉnh núi. Người đến lễ thường cầu xin sự chở che của các đấng linh thiêng, cầu cuộc sống ấm no, hạnh phúc, cầu sức khỏe và sự may mắn.
Đền có 5 gian thờ chính là Tam bảo, nơi thờ Phật Chuẩn Đề và Phật bà Quan Âm (phía trong cùng), Tam tòa thánh mẫu (nơi thờ mẫu đệ nhất Thượng thiên, Mẫu đệ nhị Thượng ngàn và mẫu đệ tam Thoải phủ, ở phía ngoài). Bên cạnh đó Đền còn có các gian thờ Chúa Thượng, Chầu Mười Đồng Mỏ, Chầu Chín; Chúa Liễu, Chầu Bơ, Chầu Lục; Chầu đệ tứ Khâm sai, quan Trần Triều Đức Đại Vương cùng các thánh cô, thánh cậu….
Lễ hội đền Mẫu Đồng Đăng được tổ chức bắt đầu từ mùng 5 đến mùng 10 tháng giêng hằng năm. Vào những ngày này hàng chục nghìn du khách từ khắp nơi (đặc biệt là khách Trung Quốc) cùng đến đây để dự lễ, tham gia các hoạt động văn hóa tâm linh truyền thống.
Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, nhiều lần tôn tạo, đến nay, ngôi đền đã mang diện mạo khác hẳn, tường bao hoa văn đẹp mắt; cây cối xanh rì tỏa mát cả sân đền, ghế đá, biển chỉ dẫn được sắp đặt gọn gàng, khoa học không còn thấy những cảnh ăn xin đeo bám, xem quẻ, xem bói bát nháo lộn xộn như ở một số đền chùa khác vẫn thường gặp.
Ngày nay, đền Mẫu Đồng Đăng không đơn thuần chỉ là nơi cúng bái tâm linh mà còn là một điểm đến dừng chân của khách du lịch khi đến thăm vùng đất địa đầu phía bắc của Tổ Quốccòn là một điểm dừng chân trong tuor du lịch từ các tỉnh đến Lạng Sơn, đi cửa khẩu Tân Thanh và chợ Đông Kinh…
Chùa Thành
Chùa Thành (hay Diên Khánh Tự – có nghĩa là tích điều thiện để có phúc truyền cho đời sau) là một ngôi cổ tự bề thế có kiến trúc nghệ thuật tín ngưỡng, tôn giáo dạng nội công ngoại quốc, toạ lạc tại số 3 đường Hùng Vương, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam, đã được xếp hạng di tích Lịch sử – văn hóa cấp quốc gia vào năm 1993 và hiện là Trụ sở của Ban Đại diện Phật giáo tỉnh. Đây là ngôi chùa có số lượng tượng thờ bằng đồng nguyên khối lớn nhất Việt Nam.
Ghé thăm Diên Khánh tự yên bình bên sông Kỳ Cùng thơ mộng, bảng lảng sương mờ, soi bóng ngôi cổ tự uy nghiêm như vẽ lên một bức họa với gam màu thủy mặc, xua tan mọi não phiền trần thế.
Vào thăm chùa, bạn sẽ thấy giữa tam quan của chùa treo một quả chuông nặng 2.100kg thể hiện ý nghĩa cầu cho nước Việt Nam ở thế kỷ 21, được thịnh vượng và quốc thái dân an. Tiếng chuông trầm ấm ngân nga, bay xa hàng chục kilômet. Nếu ai đó một lần được nghe tiếng chuông chùa Thành hòa vào thinh không khi chiều buông, sương phủ mờ trên mặt sông Kỳ Cùng thơ mộng, hẳn sẽ thấy thanh thoát tâm hồn. Bên trong chùa, cột gỗ lim to một người ôm cao 9m được đặt trên các chân tảng đá xanh. Nền chùa lát gạch bát tràng, thời gian trôi qua nét cổ kính càng được tôn nên vẻ đẹp của ngôi chùa. Cửa sổ ở đây cũng được thiết kế hết sức khoa học và đậm chất Á Đông khi cửa sổ ngoài tròn, trong vuông tượng trưng cho âm dương, trời đất. Cánh cửa cũng được làm như một bức tranh tứ bình, tứ quý mỗi khi đóng lại tạo cảm giác nhẹ nhàng và giữ được nét cổ kính nguyên sơ. Toàn bộ câu đối phía ngoài bằng chữ Hán được gắn bằng sứ hết sức tỉ mỉ, công phu. Các cánh cửa chùa chạm trổ tinh xảo với những cảnh tứ linh, tứ quý, tùng hạc diên niên, tứ bình và những hoa sen, bánh xe pháp luân, bàn tay Phật…
Chùa gồm 38 gian lớn nhỏ, bước chân vào ta có cảm giác như đang lạc vào chốn Tây Phương cực lạc bởi hệ thống nội thất của chùa được trang trí và bố cục hết sức tinh vi, cổ kính. Toàn bộ hệ thống tượng thờ của chùa được đúc bằng đồng vàng nguyên khối với 53 pho tượng lớn nhỏ, chùa Thành đã được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác nhận là “Ngôi chùa có hệ thống tượng thờ bằng đồng nguyên khối nhiều nhất Việt Nam” vào năm 2007.
Với 10.000 hoa đăng chào mừng Đại lễ Phật đản được thả xuống sông Kỳ Cùng ngày 18/5/2008, chùa Thành cũng trở thành ngôi chùa thả hoa đăng cầu an nhiều nhất Việt Nam. Nơi đây cũng là ngôi chùa duy nhất ở Việt Nam có đầy đủ hệ thống tượng Phật thờ theo Phật giáo Bắc Tông. Ngôi Đại Hùng Bảo Điện uy nghiêm nhưng gần gũi, tạo cho ta cảm giác như đang được diện kiến chư phật, bồ tát, thánh tăng. Hệ thống hoành phi, câu đối của chùa được chạm khắc cực kỳ tinh xảo và sơn son thếp vàng, nhiều bộ hoành phi có tuổi hàng trăm năm. Trong chùa hiện lưu giữ quả chuông được đúc từ năm 1671 triều vua Lê Hiển Tông, nặng 600kg. Hòa với hệ thống chiếu sáng được thiết kế riêng tăng thêm tính thiêng liêng của ngôi chùa.
Không chỉ lễ hội chính của chùa mà ngay cả các dịp lễ hội khác như: Hội Bắc Lệ tháng chín, hội Đầu Pháo Tả Phủ, Kỳ Cùng… rất đông khách thập phương tới chùa chiêm bái, cầu phúc.
Đền Bắc Lệ (Đền Mẫu Thượng Ngàn)
Thuộc xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn, Đền nằm cách thị trấn Hữu Lũng khoảng 10 km, cách Hà Nội khoảng 80 km. Đền Bắc Lệ là đền thờ Mẫu Bà Chú Thượng Ngàn (Nữ thần núi) điển hình ở nước ta cũng là một trong ba nơi thờ chính của Mẫu Thượng Ngàn (hai đền kia là Đền Mẫu Đông Cuông và Đền Suối Mỡ). Ngôi đền này nổi tiếng về cầu may mắn và bình an, đông nhất là dịp lễ tạ vào cuối năm.
Đền Bắc Lệ không rõ được xây dựng vào thời gian nào, người ta chỉ căn cứ vào văn bia năm 1919 rằng trước đó đền là một am nhỏ thường hay bị hỏa hoạn. Nằm trên một quả đồi khá cao, hai bên rợp bóng cây cổ thụ to lớn đã được hàng trăm tuổi, Đền Bắc Lệ đặc biệt rất đông vào dịp lễ hội diễn ra từ 18 – 20 tháng 9 âm lịch.
Ngoài là nơi thờ Bà Chúa Thượng Ngàn, đến Bắc Lệ bạn còn thấy trong đền có Chấu Bé, đây chính là các cô, cậu bé trong tin ngưỡng thờ Mẫu của người VIệt. Cậu bé trong đền Bắc Lệ là một nhân vật có thật người vùng này.
Mặc dù đã trải qua nhiều lần tu bổ nhưng ngôi đền vẫn giữ được dáng vẻ cổ truyền và nhiều di vật cổ như 19 bức tượng lớn có nhỏ có được làm bằng gỗ mít, hoành phi câu đối chạm trổ tinh tế v.v…
Đền Cửa Bắc
Đền Cửa Bắc nằm ở phía bắc Thành cổ Lạng Sơn, ngã tư đường Trần Hưng Đạo và Trần Nhật Duật, nay là số 1 Trần Nhật Duật, Chi Lăng, Thành phố Lạng Sơn, Lạng Sơn.
Được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVIII. Đền thờ Đức Thánh Trần (Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn) và thờ Mẫu (Mẫu Liễu), Phật (Thiên Thủ Thiên Nhãn).
Kiến trúc của Đền hình chữ Nhị, gian Đại Bái (Chính Điện) ngay bên ngoài, lui vào phía trong là gian Hậu Cung. Theo ghi chép cũ: Xưa kia, Đền có nhiều hiện vật quý (1 tấm bia đá ghi công đức thời Khải Định (1924), 06 tượng thánh bằng gỗ sơn son thếp vàng, 2 nhang án, lỗ bộ, 1 bát nhang cổ bằng sứ, 1 bát nhang đỏ). Hiện nay, tại Đền vẫn còn lưu giữ tấm bia ghi công đức (năm 1924) và có thêm các tượng, đồ thờ tự, ngai (thờ bóng), điện thờ…
Đền Cửa Bắc là một trong nhiều nơi sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng của nhân dân địa phương và du khách thập phương.
Chùa Tân Thanh
Chùa Tân Thanh được xây dựng không lâu lắm nhưng đã đón trên 150.000 lượt khách thập phương. Đây không chỉ là nơi thờ phật mà còn có ý nghĩa như một cột mốc văn hóa tâm linh của người Việt Nam.
Ngôi chùa được xây dựng cách đường biên giới Việt – Trung khoảng 500m, với kiến trúc mang đậm nét văn hoá Việt Nam. Trong chùa, khuôn viên có trên 100 pho tượng và trên 500 cây xanh các loại… do các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp và phật tử cung tiến.
Đầu năm 2017, tỉnh tổ chức khai mạc lễ hội Xuân tại chùa Tân Thanh đã thu hút khoảng 15.000 lượt du khách. Qua đó quảng bá rộng rãi đến mọi miền tổ quốc về văn hóa Lạng Sơn và đặc biệt đã tạo nên sức hút với các nhà tâm linh.
Đền Cửa Đông
Đền Cửa Đông (còn gọi là Đền Bạch Đế hay Đền Quan Lớn Tam Phủ – Tên chữ: Đông Môn Từ) nằm ở phía đông Thành cổ Lạng Sơn, nay là số 67A đường Hùng Vương, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, bên bờ phía Tây của dòng sông Kỳ Cùng.
Theo “Đại Nam Nhất Thống Chí” ghi chép lại rằng: “Đền Bạch Đế nằm ở phía Đông tỉnh thành. Địa phận xã Mai Pha thuộc Châu Ôn, thờ Thủy Thần”. Dựa theo các nghiên cứu và một số tài liệu ghi chép còn để lại, người ta cho rằng Đền được xây dựng muộn nhất là vào khoảng giữa thế kỷ XVIII. Đền thờ thần Bạch Đế (tức là thờ thủy thần, thần sông, thần rắn).
Đền là một di tích tôn giáo – tín ngưỡng được xây dựng theo kiến trúc hình chữ Đinh, cửa chính đền quay hướng chính Đông nhìn ra sông Kỳ Cùng, cổng vào Đền quay mặt hướng chính Tây, sau Đền ở phía tây có trang trí và đắp hai chữ đại tự lớn “Đông Môn” trên tường. Phía tay phải liền kề là cổng đền. Cấu trúc Đền gồm 3 phần liền nhau: Nghi môn – Chính điện – Tả hữu vu.
Đền Cửa Đông hiện nay ngoài thờ thần sông “Bạch Đế” còn là nơi thờ Mẫu và Đức Thánh Trần.
Đền Tả Phủ
Đền Tả Phủ nằm ở phố chợ Kỳ Lừa, thuộc phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn. Được xây dựng từ năm Chính Hòa thứ 4 (1683) thờ một vị quan tướng thời Hậu Lê tên là Thân Công Tài, làm Tả đô đốc Hán quận công. Đương thời, ngoài việc chăm lo giữ gìn biên ải, ông còn có công mở 7 con đường, lập nên 7 phường cho phố chợ Kỳ Lừa, giúp nơi đây buôn bán phồn vinh, thu hút cả người Trung Hoa ở bên kia biên giới đến làm ăn.
Đền Tả Phủ nằm trên thế đất cao, cửa chính quay về hướng Tây tạo vẻ uy nghi, linh thiêng. Đền gồm hai tòa được nối bởi tường vây có trổ 2 cổng nhỏ đi xuyên vào trục chính đạo. Giữa hai tòa có một khoảng sân nhỏ trước có tấm bia “Tôn sư phụ bi”, mặt bên ghi dòng chữ “Lưỡng quốc khách nhân” với nội dung ghi lại việc nhân dân 2 nước Việt – Trung ghi tạc công lao của Thân Công Tài với Lạng Sơn và việc mở mang thương trường buôn bán tại đây.
Lễ hội đền Tả Phủ từ ngày 22 đến ngày 27 tháng Giêng hàng năm với tên gọi Lễ hội Đầu pháo Kỳ Lừa, có liên quan mật thiết với lễ hội đền Kỳ Cùng. Tương truyền ông Thân Công Tài và ông quan Tuần Tranh ở đền Kỳ Cùng thuở còn sống thường lui lại nhà nhau cùng đàm đạo thế cờ. Do đó ngày nay lễ hội có rước kiệu ông này sang nhà ông kia chơi. Rước đi rồi rước về, bởi vậy lễ hội thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách tham dự.