Top 7 Kỉ lục của chùa Bái Đính ᰫ Ninh Bình thu hút khách du lịch có thể bạn chưa biết

Chùa trồng nhiều cây bồ đề nhất Việt Nam

Chùa Bái Đính là ngôi chùa trồng nhiều bồ đề nhất nước ta từ trước đến nay. Theo các điển tích Phật giáo, cây bồ đề đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời của Đức Phật vì Đức Phật đã ngồi thiền định dưới gốc cây bồ đề và từng bước giác ngộ được giáo lý của Phật giáo. Từ đó theo tín ngưỡng, có một nữ tu đã đến cây bồ đề đó chiết cành đem về trồng ở Ấn Độ.

Vì vậy, khi xây chùa Bái Đính, có 100 cây bồ đề thế hệ thứ 3 được chiết từ các cây bồ đề của Ấn Độ đã được đưa về trồng ở nơi đây thể hiện sự linh thiêng của ngôi chùa. Tất cả các cây bồ đề được trồng vào dịp Đại lễ Phật Đản Liên hiệp quốc tại Việt Nam năm 2008 cho đến nay đã lên tới hàng ngàn cây mọc xung quanh chùa.

Khu chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á

Du khách đến chùa Bái Đính sẽ vô cùng ấn tượng với hai dãy hành lang dài, khép kín dẫn đến các khu chùa trên núi và lối đi xuống. Đó cũng chính là hành lang La Hán dài nhất châu Á. Kỉ lục này được xác lập vào năm 2012. Chiều dài mỗi dãy hành lang khoảng 1 700 m với 250 gian, mỗi gian có kích thước 4,5 m x 4,5 m. Hai dãy hành lang được tạo dựng bằng 10 000 mét khối gỗ và được thực hiện chạm trổ, lắp ghép bởi 100 nghệ nhân và 700 người thợ. 

Tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á

Tượng Phật Thích Ca Mâu Ni tĩnh tọa trên tòa sen và niệm hoa sen ở điện Pháp chủ đang giữ kỉ lục là tượng Phật bằng đồng nguyên chất dát vàng lớn nhất châu Á. Kỉ lục này được xác lập năm 2012. Đây cũng được coi là biểu tượng của ngôi chùa Bái Đính linh thiêng, trầm mặc.

Tượng Phật cao 10 m, nặng 100 tấn, bằng đồng dát vàng và được đặt trên bệ cao 1,5 m. Pho tượng được các nghệ nhân đúc đồng thôn Thượng Đồng, xã Yên Tiến, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định đúc được đỡ bởi khung bê tông cốt thép giả gỗ cao đến nóc gần 30 m; dài 44,7 m; rộng 43,3 m.

Quần thể khu chùa rộng nhất Việt Nam

Nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 2 giờ đi xe máy, chùa Bái Đính tọa lạc trên dải đất linh thiêng “núi gối đầu sông, mây vờn non đỉnh” tại thôn Sinh Dược, Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình. Quần thể chùa Bái Đính có diện tích được xác lập là rộng nhất Việt Nam với 539 ha, bao gồm 27 ha khu chùa Bái Đính cổ, 80 ha khu chùa Bái Đính mới được xây dựng từ năm 2003 và các hạng mục khác như: công viên văn hóa, học viện Phật giáo, đường giao thông, bãi đỗ xe, khu hồ Đàm Thị,… Đặc biệt, bao bọc quanh chùa là những vòng cung núi đá vôi kì vĩ, nên thơ.

Tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á

Pho tượng tạo hình Phật Di Lặc bằng đồng nặng 100 tấn an vị trên ngọn đồi của chùa Bái Đính bên ngoài điện Tam Thế là tượng Phật Di Lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á. Mặc dù ở trên cao, nhưng những du khách hành hương đến đây không thể bỏ qua được địa điểm này. Đứng trên cao, chiêm ngưỡng vẻ đẹp của tượng Phật, cầu xin sự an lạc, bình an cho gia đình, thật không gì tĩnh tâm và thư thái đến vậy.

Khu chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam

Đi trong dãy hành lang La Hán với tổng chiều dài gần 3 km, du khách sẽ được chiêm ngưỡng với số lượng lớn các pho tượng La Hán. Mỗi dãy hành lang đặt 250 pho tượng La Hán tạc bằng đá nguyên khối, mỗi tượng cao từ 2 đến 2,5 m. Điều đặc biệt thể hiện bàn tay chế tác tài hoa của người thợ đá Ninh Bình chính là mỗi pho tượng có hình dáng và thần thái khác nhau thể hiện triết lý đạo giáo với những cung bậc cảm xúc hỷ, nộ, ái, ố trong đời sống thường nhật của con người. Chính vì vậy, chùa Bái Đính đang giữ kỉ lục là khu chùa có nhiều tượng La Hán nhất Việt Nam.

Khu chùa có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam

Chùa Bái Đính còn là nơi có giếng ngọc lớn nhất Việt Nam. Kỉ lục này được xác lập năm 2007. Từ Tam quan, bước 300 bậc đá xuống đến chân núi Bái Đính là giếng ngọc. Giếng hình mặt nguyệt rất rộng, đường kính 30 m, sâu 6 m, nước trong mùa ngọc bích in bóng trời mây. Và điều đặc biệt là giếng không bao giờ cạn nước.

Lan can đá chạy tròn miệng giếng trông rất đẹp. Khu đất xung quanh giếng hình vuông, có diện tích 0,6 ha với 4 góc là 4 lầu bát giác, quanh năm cây cỏ xanh tốt, nở hoa. Tương truyền cách đây gần 1000 năm, Thiền Sư Nguyễn Minh Không đã lấy nước để sắc thuốc chữa bệnh cho dân nghèo và cho Thái Tử Dương Hoán.  

Trả lời