Nội Dung Chính
Nham Vân Xuyên
Thơm, bùi, béo, ngậy là những sự cuốn hút không thể cưỡng lại của món Nham cá dân dã nhưng đã trở thành đặc sản nổi tiếng của người dân làng Vân Xuyên, xã Hoàng Vân, huyện HIệp Hòa.
Nguyên liệu chính để làm món Nham là trám đen luộc bỏ hạt lấy cùi thái chỉ, thịt ba chỉ áp chảo thái chỉ, thịt cá chép đánh bắt từ sông Cầu nướng hoặc rán giòn rồi gỡ bỏ xương. Ba thứ đó trộn theo tỉ lệ 1:1:1 cùng với gia vị như: lạc rang, quả núc nác nướng, rau thơm, khế chua, nêm mắm muối vừa đủ. Món Nham này cuốn với lá nhội hoặc lá núc nác non.
Đây là món làm nên phong vị hồn quê khó quên cho mảnh đất Bắc Giang mà nhiều người không thể quên được.
Bánh vắt vai
Tên gọi của loại bánh này được xuất phát từ việc bánh có thể vắt lên vai khi đi đường và thưởng thức bất cứ lúc nào. Đây là loại bánh truyền thống của người Cao Lan vùng đất Lục Ngạn. Nguyên liệu làm bánh có gạo nếp Phì Điền – một giống gạo nương nổi tiếng thơm ngon ở Lục Ngạn, cùng với đường, đậu xanh, lá chuối, rau ngải cứu… Điểm đặc biệt của bánh chính là nhờ vào rau ngải cứu – kết hợp với các nguyên liệu khác sẽ tạo ra một loại bánh có màu xanh của lá chuối gói bên ngoài, hương thơm của bánh đậu xanh và lá ngải cứu, vị ngọt của đường, bùi của gạo nếp, khiến món bánh trở nên đậm đà, quyến rũ đến khó quên.
Gà đồi Yên Thế
Gà đồi Yên Thế là một đặc sản nức tiếng của vùng đất Yên Thế – Bắc Giang. Gà ở đây được chăn thả trên đồi nên thịt gà rất chắc, ngọt và thơm, không bị mềm nhão như thịt gà nuôi chuồng hay nuôi công nghiệp. Thịt gà luộc lên da săn chắc, giòn giòn, chấm với muối chanh ớt là món ngon được ưa chuộng của rất nhiều người.
Hiện nay giá gà thịt dao động từ 65.000đ – 80.000đ/kg gà sống.
Vải thiều Lục Ngạn
Quả vải đến với Bắc Giang, đặc biệt là huyện Lục Ngạn như một mối duyên trời định. Sự hòa hợp giữa loài cây này với đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu đã tạo ra một thứ quả ngọt, thơm, lành, đậm đà hơn cả ở nơi nó được sinh ra. Vải thiều Lục Ngạn đã được Nhà nước bảo hộ về chỉ dẫn địa lý và bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa.
Vải thiều được dùng như thực phẩm hàng ngày: Vải tươi, vải sấy, vải đóng hộp, nước ép vải… Thậm chí vải còn được dùng để tạo nên những vị thuốc rất tốt cho sức khỏe con người: chữa tiêu chảy, viêm miệng, mụn nhọt.
Về đây mùa vải thì bạn chỉ muốn vác đi cả bao vải vì giá quá rẻ, chỉ từ 15.000đ – 25.000đ/kg tùy loại quả.
Bánh đúc Đồng Quan
Bánh đúc là món ăn dân dã có ở khắp các vùng quê Việt Nam. Tuy nhiên mỗi vùng lại có cách chế biến khác nhau, cho hương vị khác nhau và cách thưởng thức cũng khác nhau. Trong đó, bánh đúc làng Đồng Quan được nhiều người yêu thích bởi bánh vừa dẻo, vừa mát. Miếng bánh đúc trắng ngần, lấm tấm những hạt lạc bùi bùi, giòn sần sật làm cho người thưởng thức chẳng thể nào quên. Ăn bánh đúc phải chấm với tương bần mới đúng vị. Khi đó, cái vị ngọt của gạo, vị nồng của vôi, béo của dừa, béo của tương, tất cả hòa quện tạo thành một hương vị khó quên.
Đến đây nếu bạn muốn mua về làm quà thì bạn cũng chỉ mất khoảng 25.000đ – 30.000đ.
Xôi ba màu của người Nùng
Xôi ba màu là món ăn độc đáo mang sắc thái riêng của dân tộc Nùng huyện Lục Ngạn. Để tạo ra những màu sắc hấp dẫn của món ăn này, người dân ở đây sử dụng những nguyên liệu sẵn có từ thiên nhiên chứ hoàn toàn không sử dụng phẩm màu.
Món xôi ba màu độc đáo được chế biến từ các nguyên liệu trong tự nhiên gồm: lá cây cẩm đỏ, cây sau sau trên rừng, nghệ và gạo nếp cái hoa vàng.
Để tạo ra màu đen của xôi thì đồng bào dùng cối giã lá sau sau rồi ngâm vào nước, vò lọc lấy nước, đem nước này đun sôi rồi đổ gạo vào ngâm 4-5 tiếng. Làm tương tự như vậy với lá cẩm đỏ và nghệ sẽ được màu đỏ và vàng. Sau đó sẽ đồ xôi riêng từng loại.
Những nguyên liệu để nấu xôi là những loại rất có lợi cho sức khỏe. Lá cây sau sau có tác dụng làm mát, giải độc, trị đau bụng, tiêu chảy. Lá cẩm đỏ trị chấn thương gân, cơ, tránh rôm sảy còn nghệ thì chữa các bệnh về da.
Ở đây, cứ vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm, các gia đình người Nùng đều làm xôi để cúng tổ tiên, chào đón tổ tiên về phù hộ cho con cháu.
Đến đây, bạn có thể được người dân mời thưởng thức miễn phí hoặc có thể mua với giá khoảng 35.000đ/ đĩa.
Bánh hút Lục Ngạn
Loại bánh nghe lạ tai này được làm từ bột gạo nếp, rau cải canh và mật mía. Cách làm bánh cũng rất đơn giản. Rau cải được rửa sạch rồi giã nhỏ vắt lấy nước, sau đó nhào nước đó cùng với bột gạo nếp cho dẻo bột rồi nặn thành bánh. Bánh nặn chỉ to cỡ chừng chiếc bánh trôi rồi chiên vàng. Khi bánh vàng thì vớt ra thật nhanh tay rồi thả vào nồi mật mía đun nhỏ lửa. Khi đó viên mật sẽ tự hút mật căng tròn bên trong. Vớt bánh ra và lăn qua một lớp bột gạo nếp. Bánh có vị ngọt thơm của mật mía, lại có mùi cay cay của cải hòa quện với vị thơm của bột nếp, tạo nên một hương vị rất đặc biệt.
Loại bánh này thường được làm vào dịp lễ tết hoặc để biếu người thân, bạn bè, khách quý nên nếu may mắn đến đây bạn sẽ được những người dân nồng hậu ở đây mời ăn cùng gia đình hoặc biếu mang về.
Mỳ Chũ Nam Dương
Mỳ Chũ là sản phẩm nổi tiếng của làng nghề Thủ Dương, Nam Dương, huyện Lục Ngạn.Mỳ được làm từ loại gạo truyền thống nổi tiếng thơm dẻo – gạo Bao Thai hồng nên mỳ ở đây mang một hương vị không thể lẫn được so với các nơi khác. Từng sợi mỳ sẽ mang lại cho bạn cảm giác dẻo dai, đậm đà, ngọt bùi nơi đầu lưỡi khi thưởng thức.
Mỳ chũ có thể được chế biến thành nhiều món khác nhau: nhúng ăn lẩu, xào hoặc làm phở… Những sợi mỳ dẻo dai, đậm đà có thể làm hài lòng bất cứ thực khách nào khi thưởng thức.
Mỳ Chũ chuẩn có giá khoảng 35.000đ/kg.
Xôi trứng kiến – Lục Ngạn
Xưa nay, người dân ở một số vùng của Bắc Giang vẫn dùng trứng kiến để ăn và được xem như một nguồn thực phẩm bổ dưỡng. Tuy nhiên, chỉ có một loài kiến mà chúng ta có thể ăn được trứng của nó là loại kiến nâu làm tổ trên ngọn cây mà thường được gọi là kiến ngạt hay kiến cong trôn.
Trứng kiến được làm sạch được cho vào xào cùng hành củ phi thơm rồi nêm gia vị cho vừa ăn. Đảo đều cho tới khi thấy dậy mùi thơm ngậy của trứng kiến và mùi thơm của hành là được. Khi xôi được hấp chín tới thì cho ra đánh tơi, trộn đều cùng trứng kiến đã xao vàng rồi cho ra đĩa, rắc thêm một chút hành khô phi lên trên rồi ăn nóng.
Món xôi sau khi làm xong có vị béo của mỡ hành, bùi bùi của trứng kiến, dẻo thơm của xôi nếp, đặc biệt là khi ăn sẽ thấy tiếng trứng kiến nổ lép bép trong miệng tạo một cảm giác rất thú vị.
Món khâu nhục của người Hoa
Đến Lục Ngạn, thưởng thức món khâu nhục béo ngậy, đậm đà, nhiều dinh dưỡng, bạn chắc chắn sẽ muốn thưởng thức món này thêm nhiều lần nữa và khó có thể quên.
Đây là món ăn có nguồn gốc của người Hoa, từ lâu đã trở thành đặc sản trong mỗi bữa cơm sang trọng hoặc những bữa đón tiếp khách phương xa của người dân Lục Ngạn. Nguyên liệu để chế biến gồm thịt lợn ba chỉ, thảo quả, đinh hương, hoa hồi, hoa quế, ngũ vị hương, húng lìu, tiểu hồi…
Chế biến món này khá cầu kỳ, nhiều công đoạn. Thịt lợn sử dụng phải là thịt lợn thả vườn, đem luộc chín, dùng kim châm bì để miếng thịt ngâm được ngấm đều gia vị. Ngâm thịt với nước gừng, dấm, sau đó đem lau khô, sát đều muối. Sau đó chao thịt trong dầu sôi cho tới khi thịt chín vàng đều. Miếng thịt vừa vớt ngâm ngay vào nước lạnh rồi đem luộc một lần nữa. Sau đó đem thịt đã luộc ra thái miếng, ướp gia vị rồi hấp cách thủy bao giờ thịt mềm nhũn là được.
Khâu nhục làm xong có mùi thơm ngậy ngậy, vị béo béo, thường được ăn kèm với dưa chua, hành muối trong bữa cơm.
Nếu đến đây và thưởng thức trong các quán ăn, nhà hàng thì bạn chỉ mất khoảng 100.000đ/bát.