Nội Dung Chính
Chùa Vĩnh Nghiêm
Chùa Vĩnh Nghiêm ở làng Đức La xã Trí Yên huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang, Việt Nam, còn được gọi là chùa Đức La, từ lâu chùa đã được nhiều du khách biết đến không chỉ đơn thuần là một điểm du lịch với vẻ đẹp kiến trúc và phong cảnh hữu tình hiếm thấy mà còn bởi bản sắc đặc biệt của văn hóa Phật giáo Việt Nam nơi đây. Đây là nơi lưu giữ một kho Mộc thư khố được coi như là bảo vật quốc gia. Các bản mộc thư chủ yếu ghi chép kinh luật nhà Phật, lịch sử hình thành và phát triển Thiền phái Trúc Lâm, trước tác của 3 vị tổ Thiền phái là Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang; ngoài ra còn có các tác phẩm thơ, phú, nhật ký của Mạc Đĩnh Chi và một số vị cao tăng.
Khu di tích Khởi nghĩa Yên Thế
Khu di tích khởi nghĩa Yên Thế thuộc huyện Yên Thế tỉnh Bắc Giang, cách thành Phố Bắc Giang 28 km về phía Tây Bắc theo đường tỉnh lộ 284, là nơi đã diễn ra cuộc khởi nghĩa nông dân chống Thực dân Pháp xâm lược kéo dài suốt 30 năm vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 (1884 – 1913) do vị anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám lãnh đạo. Ngày 16/3 hàng năm được lấy làm ngày hội truyền thống ở địa phương. Ngoài ra, khi đến Yên Thế bạn còn có thể ghé thăm Hồ Suối Cấy, Hồ Cầu Rễ hoặc nhà lưu niệm nhà văn Nguyên Hồng.
Suối Mỡ
Khu du lịch Suối Mỡ thuộc địa phận xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, cách thành phố Bắc Giang khoảng 32km về phía Đông Bắc là một thắng cảnh nổi tiếng của Bắc Giang. Nơi đây được chú ý bởi nó là sự kết hợp hài hòa giữa du lịch sinh thái và du lịch tâm linh. Suối Mỡ chảy quanh co trong thung lũng núi Huyền Đinh, Yên Tử – nơi có nhiều thác nước lớn, nhỏ tung bọt trắng xoá và nhiều bồn tắm thiên nhiên. Hội Suối Mỡ được tổ chức vào đầu tháng 4 âm lịch hàng năm, thời điểm này, du khách ghé thăm sẽ được khám phá thiên nhiên hùng vĩ, cảm nhận dòng nước mát lạnh và lắng nghe những câu chuyện về công chúa Quế Mị Nương – con gái vua Hùng Định Vương, người có công mở suối mang lại nguồn nước cho nhân dân trong vùng. Ngoài ra, ở khu du lịch còn có đền thờ Đức Thánh Trần và một số dấu tích của quân đội thời Trần chống quân phong kiến phương Bắc xâm lược rất thích hợp cho những người muốn tìm hiểu về lịch sử nước nhà.
Hồ Khuôn Thần – Vườn cây ăn quả Lục Ngạn
Nằm cách thành phố Bắc Giang khoảng 50 km và cách Hà Nội khoảng 100 km về phía Đông Bắc, hồ Khuôn Thần thuộc xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang với diện tích rộng khoảng 240 ha, được bao bọc bởi những rừng thông, chàm, keo tai tượng tươi tốt quanh năm. Đến với hồ Khuôn Thần du khách sẽ được đắm chìm trong màu xanh ngút ngàn của rừng, của trời mây, non nước… cùng với một cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, huyền ảo. Lòng hồ có 5 đảo nhỏ là những vùng đồi bát úp được phủ kín bởi xanh của thông. Du khách có thể thả hồn trên du thuyền, cảm nhận sự mênh mông tĩnh lặng của nước hồ trong xanh hoặc đắm chìm trong thiên nhiên hoang sơ trên các hòn đảo. Lên đến đỉnh đập nước của hồ Khuôn Thần du khách còn có thể ngắm nhìn toàn cảnh khung cảnh mênh mông, hoang sơ, hùng vĩ mà rất đậm chất thơ.
Hơn thế nữa, du khách đến đây vào khoảng tháng 6, tháng 7 dương lịch còn có cơ hội ghé thăm những vườn cây ăn trái rộng ngút ngàn. Có lẽ chúng ta không còn mấy xa lạ với thương hiệu vải thiều Lục Ngạn. Đây còn là nơi nơi cư trú, nuôi dưỡng và bảo tồn những giá trị văn hoá độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số như: người Sán Chí, Cao Lan, Tày, Nùng với những làn điệu dân ca tình tứ… Ẩm thực ở đây cũng khá phong phú, sau khi thăm thú hồ bạn có thể thưởng thức rượu tắc kè, mật ong, vải thiều, hạt rẻ,… và đặc biệt là món cá bống nướng trên bếp than của đồng bào dân tộc.
Đồng Cao
Nằm cách trung tâm huyện Sơn Động chừng 20 km, thôn Đồng Cao, xã Thạch Sơn có độ cao gần 1.000m so với mặt nước biển. Điểm nhấn của nơi đây chính là thiên nhiên hoang sơ, thoáng đãng, núi rừng trùng điệp, những đồi cỏ xanh mát, những thảo nguyên trải dài rất thích hợp cho những phượt thủ ưa thích sự mạo hiểm. Những bãi đá cổ ở đây mang dáng vẻ kì quái nằm rải rác trên những bãi cỏ. Chưa hết, lên đến đỉnh Đồng Cao còn lộ ra một cửa hang, tương truyền có tên là hang Vua với nhiều huyền tích kỳ bí chờ đợi du khách khám phá.