Top 6 địa điểm du lịch đẹp nhất ở Phú Thọ

Thác Vạn Mơ

Dòng thác có cái tên rất dịu dàng nên thơ tên là Vạn Mơ thuộc xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn. Thác có nhiều tầng nấc đến 9 tầng khác nhau nhưng lại là sự gắn bó,gắn kết giữa trời và đất dòng chảy nhẹ nhàng êm ái. Khi đã lên đến tầng cao nhất sẽ nhìn thấy tầng thác cuối cùng xuất hiện tháp đôi đẹp như bức tranh thủy mạc. Càng đi lên cao bạn sẽ thấy mình như hòa vào thiên nhiên núi rừng không gian tĩnh mịch chỉ nghe thấy tiếng ầm ầm của thác. Sau khi khám phá cảnh quan các bạn có thể dừng chân đắm mình trong dòng nước suối trong mát và nghỉ ngơi tại nhà sàn thưởng thức các món ăn dân dã đặc sắc ở vùng sơn nước cùng nhau tổ chức các hoạt động tập thể dưới tán cây rừng hay ngắm đàn chim xa về ăn khế. 

Suối Nước Khoáng Nóng Thanh Thủy

Suối nước khoáng nóng Thanh Thủy nằm trên địa phận xã La Phù huyện Thanh Thủy tỉnh Phú Thọ. Mỏ nước nóng này được phát hiện thời gian gần đây, sâu khoảng 35 – 100n. Suối nước khoáng này được tạo thành từ các khe nứt gãy hình quả bầu nậm sâu dưới lòng đất tạo thành nước khoáng Sunphat nóng dọc theo sông Đà với diện tích là 1km. Nhiệt độ trung bình của nước khoáng nóng dao động từ 37 đến 43 độ,  tổng trữ lượng là 19.710.000 m3. Suối khoáng nóng này có các nguyên tố hóa học có tác dụng chữa các bệnh về xương khớp và các bệnh ngoài da rất tốt. Đặc biệt nước suối có các hàm chất vi lượng như natri, canxi, magie và còn có nhiều hàm chất Radon – một loại nước ra don quý hiếm rất thích hợp cho việc tắm ngâm, phục hồi sức khoẻ và chữa bệnh. Nó không chỉ công hiệu trong việc chữa các bệnh ngoài da mà nó còn có khả năng thúc đẩy tuần hoàn, lưu thông máu, có lợi cho tim, giúp con người có một làn da khoẻ đẹp, hồng hào. Những khi người mệt mỏi chỉ cần ngâm người dưới nước nóng 30 phút là mọi cảm giác mệt sẽ biến mất và rất nhẹ người thoải mái vô cùng. 

Ao Giời – Suối Tiên

Ao Giời thuộc xã Quân Khê, huyện Hạ Hòa. Suối bắt nguồn từ núi Nả, ngọn núi cao nhất của huyện Hạ Hòa, nên có nhiều thác, và có những thác có độ cao đến 20m tạo nên những cảnh quan rất hùng vĩ như điểm tựa của miền thượng vùng trung du rộng lớn phủ xanh đặc của cá loại cây nhiệt đới với nhiều cây quý hiếm như lim, đinh, vàng tâm. Ở đầu nguồn có Giếng Tiên, diện tích chừng 40m2, sâu đến hơn 10m. Từ đáy giếng, dòng nước phun lên mát lạnh, ngọt ngào tạo thành Suối Tiên. Suối quanh co chảy qua nhiều tầng lớp tạo nên nhiều thác nước thẳng đứng. Dọc theo con suối là 14 thác nước có nhiều thác cao hơn 20m nhìn giống như những màn the trắng xóa, ở dưới là những mỏm đá khổng lồ với nhiều hình thù khác nhau được gắn với những tên độc đáo như bệ đá Voi Quỳ, bệ đá Hổ Phục, đá Bệ Rồng, Cổng Trời, Cánh Tiên. Đây cũng là một địa điểm du lịch quen thuộc với những người dân Phú Thọ và khách du lịch đến với Phú Thọ. 

Di Tích Lịch Sử Đền Hùng

Là di tích lịch sử văn hóa đặc biệt của quốc gia, Đền Hùng là một quần thể kiến trúc tuyệt vời nằm trên núi Nghĩa Lĩnh với độ cao 175m thuộc xã Hy Cương huyện Lâm Thao tỉnh Phú Thọ. Khu di tích bao gồm Đền Hạ là nơi mẹ Âu Cơ sinh ra trăm trứng sau nở thành 50 người con trai là tổ tiên của dân tộc Việt. Khi các con đã khôn lớn Lạc Long Quân mang theo 50 người con xuống biển để mở mang bờ cõi, Mẹ Âu Cơ mang theo 50 người con lên núi trồng dâu nuôi tằm dệt vải xây dựng cuộc sống. Người con trưởng ở lại làm Vua cha truyền con nối 18 đời đều gọi là Hùng Vương. Tiếp đến là đền Trung nơi các vua Hùng luận bàn việc nước và cũng là nơi Lang Liêu dâng bánh chưng bánh dày lên cho vua cha nhân dịp tết. Để leo lên đến đền Trung thì phải đi 168 bậc đá nữa từ đền Hạ. Đền Thượng là nơi hàng năm vua Hùng làm lễ tế trời, thờ thần Lúa, thần Núi. Đây cũng là nơi Vua Hùng lập đền thờ Gióng sau khi đánh tan giặc Ân và là nơi an nghỉ của Vua Hùng thứ 6. Đền Thượng cũng chính là nơi Thục Phán sau khi được vua Hùng thứ 18 truyền ngôi, dựng cột đá thề sẽ trông nom ngôi đền và giữ gìn cơ nghiệp nhà Hùng. Từ đền Trung phải đi tiếp 102 bậc đá nữa mới đến đền Thượng. Cuối cùng từ trên đền Thượng có đường đi xuống là đền Giếng nơi có Giếng Ngọc bốn mùa đầy nước, trong vắt để hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa hàng ngày soi gương, chải tóc.

Hang Lạng

Hang Lạng là một trong kì quan thiên nhiên nổi tiếng của vùng đất Phú Thọ. Nơi này chính là điểm du lịch thu hút hàng ngàn lượt khách gần xa đến tham quan mỗi năm. Hang lạng dọc theo một con suối lớn, những chỗ phình ra của hang đều có một lớp đá củ đậu cát vàng và đất sét. Những chỗ có thạch nhũ rớt xuống trải qua hàng triệu năm đã tạo ra thành nhiều hình dạng như ngàn vạn tòa tượng Phật. Ngoài vòm hang thì có chỗ cao đến 15 – 20m chiều rộng cũng tầm cỡ đó. Trong hang có các phiến thạch nhũ tạo cho hang một vẻ đẹp huyền bí tâm linh. Còn ở các nhũ đá nhô lên giữa các dòng suối nhìn long lanh huyền ảo trong ánh đèn đuốc, nhũ đá ở đây lại không bị xỉn màu thành một màu xám như những núi đá vôi khác mà sáng trắng, và nhiều chỗ lấp lánh những tia ánh sáng hồng rất kì lạ. Khi vào bên trong có thể đi được thành từng đoàn do hang rất rộng nên rất dễ dàng tham quan, chiêm ngưỡng. 

Đầm Ao Châu

Đầm Ao Châu nằm trên địa bàn thị trấn Hạ Hòa, xã ấm Thượng, xã Y Sơn và xã Phụ Khánh huyện Hạ Hòa tỉnh Phú Thọ, cách thành phố Việt Trì 80km, cách Hà Nội 150km. Đường đi đến Đầm Ao Châu rất dễ dàng bằng đường bộ hoặc đường thủy dọc theo sông Hồng và đường sắt theo tuyến Hà Nội – Yên Bái – Lào Cai. Nhìn từ trên bản đồ đầm giống như đầu một con trâu có 2 sừng choãi ra 2 phía Sông Thao và Sông Lô. Ao Châu có diện tích mặt nước khoảng 2km² và có tới khoảng 100 hòn đảo lớn nhỏ được bao phủ một thảm thực vật đa loài dầy đặc và phong phú. Và đỉnh cao nhất cao tới 177m so với mặt biển. Đáng chú ý là mực nước trong hồ luôn có độ sâu khoảng 3m, có nơi sâu tới 35m và quanh năm không bị cạn. Nhờ vậy, mặt nước Ao Châu trong xanh, không bị ô nhiễm và có nhiều thủy tộc sinh sống: giải, rùa vàng, ba ba. Ở đây, dân địa phương còn trồng nhiều loại cây ăn quả như: mít, bưởi, nhãn, vải khiến cho Ao Châu càng trở nên hấp dẫn. Ao Châu rất thuận lợi cho việc phát triển khu du lich sinh thái,nghỉ dưỡng, bơi thuyền,câu cá leo núi đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.

Trả lời