Nội Dung Chính
Giếng Bá Lễ
Nếu bạn từng ăn các món ăn ngon nổi tiếng của xứ Quảng như món Cao Lầu, mì Quảng, chè xí, có bao giờ bạn từng thắc mắc nguyên liệu nấu ăn của những món này là gì không? Thưa vâng, một nguyên liệu vô cùng quan trọng đó chính là nước được lấy từ giếng Bá Lễ – ngôi giếng cổ tồn tại hơn 200 qua – biểu tượng cho nghệ thuật ẩm thực của phố cổ Hội An.
Đến tìm hiểu về chiếc giếng này, bạn sẽ thấy ngay sự khác biệt của nó: miệng giếng hình vuông chứ không phải hình tròn. Đó là lối kiến trúc đặc trưng của người Chăm.
Nước của giếng được coi là nước thánh, vì vậy mà không ai dám sử dụng hoang phí. Bạn có thể đến Hội An để nếm thử các món ăn được chế biến từ “nước Thánh”, hoặc nếm thử luôn ngay tại miệng giếng, chắc chắn dòng nước thơm ngọt mát lành đó sẽ chinh phục bạn ngay!
Nhà cổ Tấn Ký
Điều đặc biệt tiếp theo không thể bỏ qua chính là các ngôi nhà cổ được bảo tồn qua hàng trăm thế kỷ, trong đó có Nhà cổ Tấn Ký.
Đây là ngôi nhà có niên đại khoảng 200 tuổi. Ghé thăm đây, các bạn có thể thấy rất rõ kiến trúc ngôi nhà mang cả ba phong cách Việt Nam – Nhật Bản – Trung Hoa. Mọi hiện vật ở đây đều được bảo toàn gần như nguyên vẹn với những bức hoành phi tuyệt đẹp, điển hình là: “Tích đức lưu tôn”, “Tâm thường thái”,… đặc biệt nhất là chiếc chén Khổng Tử (được sưu tầm từ khoảng 600 năm trước).
Sau khi ghé thăm các hiện vật, chúng ta có thể ra sân sau ngồi hóng mát, nghe người dân địa phương hay hướng dẫn viên kể về sự tích của ngôi nhà, hay về ý nghĩa của chiếc chén Khổng Tử…
Nhà thờ cổ tộc Trần
Đây là một địa điểm không thể bỏ qua trong hành trình tham quan phố cổ. Nhà thờ cổ tộc Trần nằm ở số 21 đường Lê Lợi.
Ngôi nhà có không gian trầm lắng, yên bình. Không gian mang đậm sự kết hợp giữa Việt Nam – Nhật Bản – Trung Hoa. Gian thờ cúng ở giữa có ba cửa lớn, cửa lớn nhất nằm chính giữa chỉ mở vào những dịp quan trọng, còn hai cửa bên thì dành cho nam tộc và nữ tộc. Trên hương án bàn thờ thờ tộc trưởng tộc Trần và phu nhân, bên phải thờ người có công lập nên nhà thờ, còn bên trái thì thờ Phật.
Đến thăm nơi đây, bạn sẽ hiểu thêm được tầm quan trọng của những ngôi nhà thờ có niên đại khoảng 200 – 300 năm và lịch sử phát triển của Hội An thời xưa.
Hội quán Phúc Kiến
Đây là công trình kiến trúc mang đậm nét văn hóa Trung Hoa, do người Phúc Kiến (Trung Quốc) xây dựng nên vào cuối thế kỷ 17.
Hội quán có không gian rộng và sâu nhất trong khu phố cổ. Hội quán thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, Quan Thế Âm Bồ Tát và nhiều tượng thờ khác. Đến đây, các bạn có thể tìm hiểu về hệ thống hiện vật được trưng bày ở đây, gồm: chuông đồng, trống đồng, lư hương, hoành phi,… và nhiều hiện vật từ thời phát triển phồn vinh của khu đô thị cổ. Đặc biệt trong thời gian này, Phố cổ Hội An đang tổ chức kỷ niệm 17 năm được công nhận là Di sản văn hóa Thế giới, chắc chắn sẽ có nhiều hoạt động vô cùng ý nghĩa cho bạn cùng tham gia.
Chùa Cầu
Khi nhìn thấy hình ảnh này, có phải là bạn nhớ ngay đến tờ tiền 20.000 đồng của Việt Nam phải không? Chắc chắn rồi, chiếc cầu này phải vô cùng đặc biệt mà chúng ta không thể không ghé thăm nó một lần.
Chùa Cầu được xây dựng vào khoảng thế kỷ 16, dài khoảng 18m với lối kiến trúc mang đậm nét văn hóa Việt Nam – mềm mại, thanh thoát, được các thương nhân Nhật Bản thời xưa xây dựng nên. Thời xưa, Đô thị cổ Hội An nổi tiếng là khu đô thị cổ sầm uất, thương nhân các nước tấp nập đổ về kinh thương, buôn bán. Chiếc cầu này được xây dựng nhằm tiện cho việc buôn bán giữa người Nhật Bản với người Trung Hoa.
Đến đây, bạn sẽ được giải đáp rằng tại sao lại xây chùa trên một chiếc cầu, tại sao lại có lối kiến trúc độc đáo đến như vậy, tại sao lại có tượng con chó và con khỉ ở hai bên chùa, tại sao trong cầu lại đặt am thờ?… Vâng, khi đến đây, đừng quên hỏi những điều này với hướng dẫn viên của các bạn, khi biết được câu trả lời rồi chắc chắn các bạn sẽ rất thích thú đấy.
Chùa Ông
Chùa Ông (Quan Công Miếu) được xây dựng vào năm 1653, thờ Quan Vân Trường (Quan Công).
Nơi đây từng là trung tâm về tín ngưỡng của vùng đất Quảng xưa, là nơi vô cùng linh thiêng. Nơi đây còn lưu lại bài thơ đề vịnh của Quận công Nguyễn Nghiễm (thân phụ của đại thi hào Nguyễn Du) và hai bài họa của Uông Sĩ Cư và Nguyễn Lệnh Tân. Bạn có thể ghé thăm Chùa Ông để cầu may trong làm ăn, buôn bán, xin phước lành.