Nội Dung Chính
Nga
Việc áp dụng lệnh cấm ngày Valentine không xuất hiện đồng đều ở khắp nước Nga mà chỉ ở một số vùng. Năm 2011, chính quyền tỉnh Belgorod, Nga đã ban bố lệnh cấm ngày Valentine. Các nhà chức trách tỉnh này cho rằng lệnh cấm chính là để bảo vệ “an ninh tinh thần” cho người dân.
Một người người Nga đã cho rằng, Valentine chỉ là một trào lưu không lành mạnh ngoại bang đã xâm nhập vào lãnh thổ của họ.
Saudi Arabia
Giới chức Saudi Arabia tuy có ban hành lệnh cấm ngày Valentine nhưng lại không quá “nghiêm ngặt”. Cụ thể, bất kể vật dụng nào liên quan đến ngày này như hoa, bánh kẹo, quà tặng và cả những vật dụng màu đỏ đều bị cấm bán. Ông Sheikh Khaled Al – Dossari , một học giả chuyên nghiên cứu Hồi giáo, trả lời phỏng vấn vào năm 2008 đã cho biết: “Là người Hồi giáo, chúng ta không nên kỉ niệm một ngày lễ không theo đạo Hồi , đặc biệt là một ngày lễ có thể khuyến khích các mối quan hệ trái đạo đức giữa những người đàn ông chưa lập gia đình và phụ nữ”.
Mặt khác, chính lệnh cấm này cũng đã tạo cơ hội kiếm tiền rất lớn cho những chủ cửa hàng quyết tâm liều mình phạm luật. Giá một bông hoa hồng đỏ ngày thường chỉ từ 1,3 USD đã tăng lên tới 8 USD vào ngày Valentine, bởi vì, ở đây, có rất ít cửa hàng dám liều mình bán loại mặt hàng biểu trưng cho tình yêu. Thị trường chợ đen các mặt hàng liên quan đến ngày Valentine thì càng có cơ hội phát triển. Dù lãi lớn rất lớn nhưng các chủ cửa hàng tham gia vào thị trường chợ đen cũng phải đối mặt với nguy cơ bị phạt rất nặng nếu chẳng may bị các nhà chức trách phát hiện ra.
Ấn Độ
Tuy chính phủ Ấn Độ không có bất cứ một lệnh cấm chính thức nào đối với ngày lễ Valentine nhưng có rất nhiều chính trị gia lo ngại rằng “làn sóng phương Tây” sẽ có tác động rất nhiều đến nền văn hóa Ấn Độ. Người đứng đầu đảng cánh hữu Sri Rama Sena của Ấn Độ đã tuyên bố, họ sẽ tổ chức các cuộc biểu tình bên ngoài các quán bar, club hay các trường học có kế hoạch chuẩn bị tổ chức ngày Valentine. Ông cho rằng, việc bắt chước văn hóa phương Tây như thế sẽ làm hư giới trẻ Ấn Độ.
Iran
Vào năm 2011, chính quyền Iran cho rằng ngày lễ tình nhân là bất hợp pháp. Các phương tiện truyền thông của Iran vào năm đó cho biết “biểu tượng trái tim, hoa hồng đỏ, hay bất cứ biểu tượng nào liên quan đến Ngày Tình nhân đều bị cấm”. Ngoài ra, còn có quy định “in ấn và sản xuất bất kỳ sản phẩm nào có liên quan đến ngày Valentine như áp phích, tờ rơi, thiệp, hộp quà hay bất cứ hoạt động quảng bá nào liên quan đến ngày Valentine cũng bị cấm”.
Iran được biết là một quốc gia có 70% dân số dưới 30 tuổi, ngày Valentine ngày càng trở nên phổ biến ở đất nước này. Nó đã mở ra một thị trường cực kỳ tiềm năng cho các doanh nghiệp chuyên sản xuất quà tặng và thiệp mừng dịp Valentine. Việc cấm ngày lễ Valentine là một bước đi thể hiện đường lối cứng rắn của Tehran nhằm mục đích ngăn chặn sự lây lan của văn hóa phương Tây ở quốc gia Hồi giáo này. Ngoài ra, Luật Hồi giáo cũng nghiêm ngặt cấm các đôi tình nhân có hành động “gần gũi” nhau, chính vì vậy, các nhà chức trách lại càng có thêm lý do để cấm ngày lễ Valentine.
Uzbekistan
Các nhà chức trách nước Uzbekistan ra một lệnh cấm không chính thức đối với các hoạt động lãng mạn liên quan đến kỷ niệm ngày lễ tình yêu 14/2. Các phương tiện truyền thông của nước này cho biết, quốc gia Trung Á này đã tuyên bố hủy bỏ các buổi hòa nhạc cũng như tất cả các hoạt động kỷ niệm lễ tình nhân trên khắp đất nước này.
Malaysia
Cũng tương tự như các quốc gia Hồi giáo khác, các nhà chức trách Malaysia lo ngại rằng việc tổ chức ngày lễ Valentine sẽ có thể tạo ra những tư tưởng chống đối và đặc biệt là việc quan hệ tình dục sớm trước hôn nhân sẽ trở nên phổ biến hơn. Mà những điều này lại được xem là vi phạm Luật Hồi giáo.
Từ năm 2005, chính quyền Malaysia đã chính thức cấm tất cả các hoạt động liên quan đến ngày lễ tình nhân Valentine và có những hành động bắt giam những ai cố tình phớt lờ lệnh cấm này. Vào năm 2012, cảnh sát nước này đã ập tới các khách sạn bình dân và đã bắt các cặp đôi đang “tình cảm” với nhau – một tội mà ở nước này có thể sẽ bị phạt tù.