Nội Dung Chính
That Luang
That Luang tọa lạc ở cuối con đường Lane Xang – Di sản văn hóa thế giới và là một trong những biểu tượng của đất nước Vạn Tượng. Ngoài ra, That Luang còn được in trên tiền giấy và quốc huy của Lào.
Công trình Phật giáo này được xây dựng từ năm 1566 trên phế tích của ngôi đền Ấn Độ thế kỉ 13 và đây cũng chính là tháp xá lị lớn nhất và đẹp nhất ở Lào. Hàng năm, vào trung tuần tháng 11 nơi đây đều diễn ra lễ hội lớn mang tính chất quốc gia đó chính là lễ hội That Luang. Du khách đừng bỏ lỡ lễ hội này nếu như ghé thăm đất nước Triệu Voi nhé.
Khải Hoàn Môn Patuxay Gate
Patuxay – Khải Hoàn Môn của đất nước Triệu Voi, tọa lạc tại cuối đại lộ Lan Xang hay đại lộ Thanon Liang về phía Đông Bắc thủ đô Viêng Chăn. Công trình được xây dựng từ năm 1962 – 1968 để vinh danh những chiến sĩ trong cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Lào. Nơi đây được coi là biểu tượng cho chiến thắng của người Lào và là biểu tượng của thủ đô.
Tuy nhiên, công trình này chưa thực sự được hoàn thiện bởi nhiều lý do. Công trình như một phần lịch sử nghèo khó của đất nước và là lời nhắn nhủ đến thế hệ sau biết đến quá khứ khó khăn của ông cha để phấn đấu xây dựng đất nước trong tương lai.
Chùa Wat Sisaket
Wat Sisaket là ngôi chùa cổ nằm trên đường Sethathirath góc đại lộ Lane Xang, thủ đô Viêng Chăn. Nơi đây được coi là ngôi chùa có nhiều tượng Phật lớn nhất nước Lào với hàng nghìn tượng Phật lớn nhỏ và là thư viện chứa nhiều sách cổ viết bằng tay trên lá cọ. Wat Sisaket được xây dựng vào năm 1818 dưới triều vua Chao Anouvong và cùng với That Luang, Phra Keo tạo thành bộ ba ngôi chùa cổ nổi tiếng bậc nhất ở đất nước Triệu Voi.
Chùa có kiến trúc mái 5 tầng, hành lang bao quanh chùa chính, và có lẽ bởi lối kiến trúc này mà ngôi chùa đã không bị phá hủy khi quân Xiêm tấn công Viêng Chăn năm 1828. Khuôn viên chùa rộng lớn, mái chùa được lợp bằng những viên ngói đậm màu nâu đỏ, rêu phong cổ kính, gợi lên trong lòng du khách nét hoài cổ.
Chùa Sỉ Mương
Sỉ Mương – ngôi chùa linh thiêng và là linh hồn của thủ đô Viêng Chăn. Ngôi chùa nổi bật với màu vàng tươi, mái ngói thâm nghiêm trong một không gian thanh tịch khiến du khách đến đây có cảm giác như bước vào thế giới tâm linh Phật giáo đầy linh thiêng và huyền bí.
Ngoài ra, hàng tượng Phật màu vàng bên ngôi mộ Nang Si rêu phong cũng là nét cuốn hút của chốn linh thiêng này. Đến thăm nơi đây, bạn sẽ bắt gặp từng dòng người địa phương cũng như du khách vào chùa lễ Phật cùng đồ cúng.
Bước vào chùa, không gian hình chữ nhật được dựng lên bằng những cột lớn màu vàng phủ đầy hoa văn quen thuộc trong các kiến trúc của Lào, những tín đồ Phật tử vẫn lặng lẽ làm công việc của mình, từ kết những xâu hoa cúng cho đến sắp đặt các công việc trong chùa, tụng kinh và lần tràng hạt.
Đền Wat Xayaphoum
Savanakhet được ví như Sài Gòn của Việt Nam với sự phát triển và tầm ảnh hưởng của nền kinh tế nên đây cũng là một điểm đến du lịch hấp dẫn mà du khách không thể bỏ qua. Tại đây không có nhiều thắng tích lừng danh như ở thủ đô Viếng Chăn hay cố đô Luang Prabang nhưng Wat Xayaphoum là một ngoại lệ.
Wat Xayaphoum là một ngôi chùa cổ kính, nguy nga nằm trong lòng thủ phủ Savanakhet. Công trình này được sung tạo từ năm 1542, với một tăng đoàn hơn 200 vị. Nơi đây nổi danh là trường Phật học Phạn ngữ đào tạo tăng sĩ đệ nhị cấp và là một điểm đến nổi tiếng mà bất kỳ du khách nào đến Savanakhet đều muốn ghé thăm.
Talat Sao
Nằm ở góc đường phía Đông giữa đường Lane Xang và Khu Vieng – trung tâm thủ đô Viêng Chăn, chợ Talat Sao mở cửa từ 7h00 đến 16h00 hàng ngày. Đây được coi là điểm thu hút du khách đến tham quan, mua sắm ở thủ đô Lào.
Trong chợ có vô số cửa hàng nhỏ, nhà hàng, những quầy bán trái cây, rau, trang sức, lụa, đồ thủ công mỹ nghệ, dụng cụ âm nhạc, đồ điện tử, đồ gia dụng… Nơi đây tập trung hàng hóa mang bản sắc văn hóa Lào, bạn sẽ dễ dàng mua được những món đồ ưng ý để làm quà cho bạn bè và người thân.
Chùa Phra Keo
Phra Keo là ngôi chùa được xây dựng năm 1565 bởi triều đại vua Sai Setthathirat. Nơi đây thờ tượng Phra Keo và đã từng bị cướp mất khi quân Xiêm xâm chiếm năm 1779. Năm 1828, ngôi chùa đã bị san phẳng và từ năm 1936 – 1942, chùa Phra Keo được xây lại bằng công sức của người dân Lào.
Chùa Phra Keo hay còn gọi là Haw Phra Kaew là ngôi chùa Phật ngọc nổi tiếng của thủ đô Viêng Chăn, đây là nơi mà trước kia các vị vua chúa, Hoàng tộc đến cầu nguyện. Ngày nay, Phra Keo là một viện bảo tàng rộng lớn chứa đựng nhiều tác phẩm nghệ thuật đạo giáo với kiến trúc độc đáo, mang đậm nét văn hóa truyền thống của người dân Lào.
Bảo tàng quốc gia Lào
Luang Prabang – cố đô của Lào, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, là điểm đến thanh bình, gần gũi và thân thiện mà du khách đều muốn một lần đặt chân đến đây. Nơi đây có Bảo tàng quốc gia – điểm đến hấp dẫn của đất nước Triệu Voi.
Bảo tàng quốc gia Lào vốn là Hoàng cung Vương quốc Lào thuở xa xưa, mang đậm dấu ấn kiến trúc Pháp hiện đại và tinh tế. Nơi đây lưu giữ bức tượng Phật Prabang – báu vật trấn quốc, được làm bằng vàng, nặng 48 kg, cao 83 cm. Lối vào Bảo tàng là cảnh quan tươi đẹp với hai hàng cây thốt nốt cao vút tuyệt đẹp, khu vườn Thượng uyển xinh xắn với những cây lạ, hoa quý, hồ nước long lanh, chim lượn vòng,… Phía bên phải là tượng vua Sisavang Vong bằng đồng uy nghi trầm mặc; bên trái là mái chùa lộng lẫy, thềm lót đá cẩm thạch trắng, mát lạnh giữa nắng trưa.
Công viên tượng Phật
Cách thủ đô Viêng Chăn khoảng 25 km về phía Đông Nam, Công viên tượng Phật (Buddha Park) hiện lên với cảnh vật bình dị, thanh bình và thật gần gũi. Nơi đây là một quần thể gồm hàng trăm bức tượng được đúc theo Phật thoại.
Buddha Park còn có tên gọi khác là Xieng Khuan, được tu sĩ Luang Pu Bunleua Sulilat quyên góp và xây dựng vào năm 1958. Tại công viên có hơn 200 bức tượng Phật, các vị thần Hindu giáo và ngoài ra còn có tượng của một số linh vật, ác quỷ và con người, tất cả đều được đúc bằng xi măng.
Trong quần thể này còn có một công trình lớn được gọi là động âm phủ, mang hình dáng của quả bí ngô khổng lồ. Cửa động cao hơn 2 m là miệng của con ác quỷ, vào trong động bạn có thể trèo lên cầu thang và tham quan ba tầng tượng trưng cho Địa ngục, Trần gian và Thiên đường.
Trung tâm công viên là bức tượng Phật nằm khổng lồ dài khoảng 40 m, với dáng vẻ thảnh thơi như tư thế Phật tổ nhập Niết bàn. Gương mặt đức Phật thật bình dị, bao dung với vầng trán rộng, mắt khép nhẹ và môi mỉm cười.