Top 14 điều làm nên vẻ đẹp của Hà Nội trong mắt du khách nước ngoài

Hoa sữa

Từ xưa đến nay, dù bạn có không thích hoa sữa, thì cũng không thể phủ nhận Hoa sữa chính là một đặc trưng không thể thiếu của Hà Nội khi vào Thu. Những bông hoa sữa nhỏ kết thành từng chùm lớn, nở trắng cả một góc trời, đem theo hương thơm thoang thoảng, vươn mình đón lấy ánh nắng dịu nhẹ kết hợp cùng tiết trời man mát của trời thu đã tạo nên một khung cảnh vô cùng lãng mạn. 

Chẳng phải ngẫu nhiên mà hoa sữa lại trờ thành đề tài hấp dẫn cho các nhiếp ảnh gia mỗi độ thu sang. Nhìn thấy hoa sữa, tức là nhìn thấy thu Hà Nôi. Cảm nhận được hoa sữa, tức là cảm nhận được vẻ đẹp của thu Hà Nội. Hoa sữa thể hiện tình yêu nồng nàn với thủ đô, với từng con phố ngóc ngách – nơi in dấu lịch sử của dân tộc, giữa con người với con người, với tình yêu như chính mùi hương của nó vậy.

Hà Nội về đêm

Nếu như bạn chưa từng được trải nghiệm không khí thủ đô về đêm thì bạn chưa được biết thành phố này đẹp đến nhường nào đâu! Buổi ngày, Hà Nội sao vội vã quá, dòng người tấp nập ngược xuôi mưu sinh cho cuộc sống. Thậm chí đến cả khi màn đêm đã buông xuống nhưng thủ đô vẫn người xe ồn ã. Muốn biết Hà Nội đẹp như thế nào, hãy cùng người thương ra đường dạo quanh phố xá sau 12h đêm!

Thì ra phố cổ Hà Nội đẹp đến thế, những mái nhà cũ kỹ truyền thống, những con phố lặng thinh như tờ. Ánh đèn cao áp vàng sáng không đủ soi sáng cả con đường dài. Dạo một vòng quanh phố xá trên chiếc xe máy thân thuộc, lặng nhìn thành phố đang chìm sâu vào giấc ngủ hiền hòa, gió đêm se lạnh cùng chút hương vị của thành phố là điều tuyệt vời biết bao.

Chán chán, bạn hãy thử một lần ghé qua những khu chợ họp về đêm ở Đồng Xuân, hay chợ hoa tinh mơ sáng sớm, chợ rau quả cầu Long Biên, gọi ăn bát bún cá Hàng Đậu, xôi Yến dẻo thơm, bát phở, bát mỳ,… Có lẽ bạn sẽ thấy Hà Nội tối nay đẹp bình dị đến lạ thường, thêm yêu cuộc sống và con người mảnh đất nơi đây.

Cầu Long Biên

Trải qua bao lần đổi thay tu sửa, nhưng nhịp cầu Long Biên vẫn mang trong mình vẻ đẹp hoài niệm cổ xưa từ trăm năm nay. Được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, biểu tượng lịch sử của Hà Nội đến nay chỉ còn giữ được một phần vẹn nguyên.

Có lẽ khoảnh khắc hoàn hảo nhất để chiêm ngưỡng vẻ đẹp chiếc cầu xưa này chính là thời điểm bình minh và hoàng hôn. Với kiến trúc giao thoa giữa vẻ đẹp cổ điển và nét hiện đại khiến du khách bốn phương đến đây không khỏi trầm trồ khen ngợi, nhất là với những bạn đam mê nhiếp ảnh.

Khi ánh mặt trời vừa ló rạng hay đến khi dần buông xuống, quang cảnh chiếc cầu Long Biên đem đến cảm giác an yên nhẹ nhàng của vùng ngoại ô, tách biệt hoàn toàn so với sự phồn hoa đô thị.

Mỗi tối, cầu Long Biên là địa điểm lý tưởng cho du khách hay những cặp đôi hẹn hò. Trên vài ba chiếc chiếu giản dị là các hàng trà đá hướng dương, trà chanh, sinh tố,… nhộn nhịp tiếng nói cười. Còn gì tuyệt vời hơn khi ở một nơi trăng thanh gió mát, ngồi bên cạnh người mình thương trò chuyện đôi ba câu rồi lặng nhìn khung cảnh bầu trời đêm Hà Nội quá đỗi thanh bình mà bạn tuyệt đối không thể chiêm ngưỡng ở nội thành?

Mùa thu Hà Nội

Bất cứ du khách nước ngoài nào có dịp ghé thăm Hà Nội vào mùa thu đều phải công nhận thu Hà Nội rất đẹp. Đẹp ở đây không phải là một vẻ đẹp lộng lẫy cao xa, mà vẻ đẹp đến từ chính những điều binh dị và nhỏ nhoi nhất. 

Hà Nội mùa thu! 

Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ nằm kề bên nhau 

Phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu. 

Mùa hoa sữa về thơm từng cơn gió. 

Mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ 

Phố sữa vỉa hè thơm bước chân qua.”

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã cảm nhận mùa thu Hà Nội theo một cách giản đơn, nhưng lại để lại dấu ấn rất sâu sắc. Hà Nội mùa thu đẹp ở trong từng khoảnh khắc. Đẹp trong ánh nắng sớm hắt bên mái hiên nhà, đẹp trong hương thơm phảng phất mùi hoa sữa, đẹp trong từng cơn mưa, đẹp trong từng cái se se lạnh làm người ta phải tạm cất đi những chiếc áo cộc, mang đến không khí mát mẻ, dễ chịu cho bất cứ du khách nào. 

Quả thật, đến thăm Hà Nội phải đến vào mùa thu – để được đắm chìm trong cái sự buồn mang mác, đắm chìm trong sự mộng mơ. Rất nhiều du khách đã chia sẻ rằng họ có thể ngồi trong quán cafe cổ ở giữa lòng Hà Nội, ngắm nhìn từng tia nắng trong vắt chiếu qua kẽ lá, khẽ lọt vào bên trong ô cửa, ngấp một ngụm cafe nóng, nghe một bản nhạc không lời, là có thể cảm được vẻ đẹp bình yên và trong trẻo của thu Hà Nội. Đó chính là lý do tại sao mỗi dịp thu về, những người con Hà Nội ở xa lại mang nỗi nhớ Hà Nội da diết đến như vậy. 

Chợ Hoa vào sáng sớm

Nằm bên bờ đê Nghi Tàm, chợ hoa Quảng An (hay còn được biết đến là chợ hoa Quảng Bá) là chợ hoa đêm duy nhất tại Hà Nội. Khi mọi nẻo đường Hà Nội đã chìm sâu trong bóng tối, nhà nhà yên giấc thì chợ hoa Quảng An lại đông vui tấp nập hơn bao giờ hết, nhất là trong những dịp lễ tết.

Chợ hoa “không ngủ” Quảng An mở cả đêm nhưng nhộn nhịp nhất có lẽ là tầm 2h – 4h sáng, khi các sạp hoa được bày biện đẹp mắt. Không chỉ dân buôn tứ phương đổ về đây mà đây còn được giới trẻ ưa dịch chuyển bình chọn là địa điểm nhất định phải ghé qua khi phượt đêm Hà Nội.

Dưới ánh đèn cao áp, từng sạp hoa bày kín những bó hoa còn đọng nguyên sương mai ngày mới, nở rộ khoe sắc. Ở đây có đủ các loại hoa theo mùa, được chuyển đến từ những vùng trồng hoa nổi tiếng lân cận thành phố như Tây Tựu, Gia Lâm, Đông Anh,…

Những ngày lễ tết, dòng người đổ vào khu vực chợ khiến cả không gian quanh đây tràn đầy sức sống, cho dù chợ họp khi mà bình minh còn chưa ló dạng. Ấn tượng nhất có lẽ là những ngày cận kề Tết. Người người xôn xao, chen chúc chọn cho mình một cành đào Nhật Tân đỏ thắm, những chậu quất trĩu quả, hay những bó hoa ly, hoa cúc, hoa hồng rực rỡ,… Người ta có thể chờ đến sáng mai, khi dân buôn đổ hoa vào mọi ngóc ngách thành phố, thế nhưng nhiều người sẵn sàng chực chờ đến thời điểm gà còn chưa gáy này để tìm đến chợ hoa. Không chỉ để chọn cho mình những bó hoa tươi nhất, đẹp nhất với giá thành rẻ mà đây còn là một thú vui của người dân sinh sống tại mảnh đất ngàn năm văn hiến này.

Ẩm thực đường phố Hà Nội

Cũng giống như cafe vỉa hè, đã từ rất lâu, ẩm thực đường phố Hà Nội đã trở thành một nét văn hóa rất độc đáo.

Đặc trưng của ẩm thực đường phố nói chung và ẩm thực đường phố Hà Nội nói riêng là đồ ăn được chế biến rất nhanh chóng, không quá chú trọng tới trang trí và thực khách có thể thưởng thức ngay tại chỗ. Những du khách từ xa đến, khi muốn khám phá ẩm thực Hà Nội đều rất lấy làm ngạc nhiên khi thấy văn hóa ẩm thực đường phố Hà Nội. Nhưng rồi, từ lạ lẫm, họ cũng chuyển dần sang thích thú khi được trải nghiệm những món ăn ngon, chuẩn vị theo một phong cách mới lạ. 

Cốm

Nhắc đến đặc sản Hà Nội, không ai là không nhớ đến cốm làng vòng, một thứ quà ăn vặt dân dã, thanh tao nhưng cũng rất nổi tiếng của đất Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến. Được ví như một món quà tinh túy, những hạt ngọc xanh của trời đất, Cốm Làng Vòng đã dần trở thành một nét văn hóa đẹp của người Hà Nội mỗi dịp thu về.

Đúng như tên goi, để có thể làm ra được những hạt cốm, những tinh túy từ lúa nếp non ấy cần trải qua rất nhiều giai đoạn khác nhau. Để làm cốm, người ta phải sử dụng hạt gạo nếp hoa vàng – một loại gạo nổi tiếng dẻo, mềm và thơm ngon. Sau đó, khi lúa còn non, còn sữa thì đã phải gặt để làm cốm. Lúa để làm cốm thì không được vò hay đập mà phải tuốt rồi đem đi rang. Ngay khi cốm còn nóng, phải nhẹ tay giã cốm. Giã đến khi trấu tróc ra thì xàng, bỏ đi rồi giã tiếp. Mỗi lần giã 5kg, giã 9-10 lần là được một mẻ cốm. 

Ngay sau khi giã xong, cốm được bọc vào trong lá sen – một loại lá thể hiện cho sự tinh tế và thanh khiết. Cùng với đó, khi gói vào lá sen, cốm sẽ có được một mùi hương dễ chịu, làm say lòng người. Bất cứ du khách nào khi đến thăm Hà Nội đều muốn thử cảm giac ngồi trong một không gian tĩnh tại, nhâm nhi chút cốm cùng một tách trà, ngắm cảnh hồ Tây. 

Cúc họa mi đầu đông

Những năm gần đây, cứ vào độ cuối thu- đầu đông, rất nhiều du khách lại đổ ra Hà Nội để một lần được ngắm nhìn vẻ đẹp tinh khôi và trong trẻo của những bông hoa cúc Họa Mi. Những bông hoa nhỏ nhắn, mang một màu trắng tinh khiết, không lộng lẫy rực rỡ như nhiều loài hoa khác nhưng lại khiến người ta xiêu lòng. 

Nhiều người ví vẻ đẹp của cúc Họa Mi với vẻ đẹp của người con gái Hà Thành vì những bông hoa mang một nét đẹp dịu dàng, có chút mỏng manh. Không quá nổi bật mà vẫn cuốn hút, không mùi hương mà vẫn níu lòng người. Rất gần gũi và rất đời thường. 

Vào đầu đông, cúc Họa Mi xuất hiện ở mọi nơi trên phố phường Hà Nội. Những gánh hoa rong, những cửa hàng bán hoa, hoặc bạn có thể trực tiếp ra vườn hoa, chụp những bức ảnh thật đẹp và mua một bó về cắm trang trí trong nhà. Với nhiều du khách, việc ghé những gánh hàng rong mua hoa cúc họa mi là một điều vô cùng thú vị và mới mẻ. Vì chỉ có Hà Nội, mới có được “đặc sản” này.

Cafe vỉa hè

Đến với Hà Nội, du khách không nên bỏ qua việc thưởng thức một ly cafe vỉa hè Hà Nội, để có thể ngắm nhìn được hết sự ồn ã của Hà Nội và cảm nhận rõ rệt dòng chảy của thời gian. 

Hà Nội chẳng thiếu hàng quán đường phố, phổ biến đến mức nó dường như đã trở thành một nét đẹp văn hóa của người dân thủ đô. Những vỉa hè đông kín người, người chăm chú đọc báo,người lại cười nói, tụ tập vui vẻ với đám bạn bên ly cafe cùng những chiếc ghế nhỏ xinh. Không phải là hàng quán cao xa đắt đỏ, mà chỉ cần vài cốc cafe, dăm ba chiếc ghế nhựa, cũng đủ để tạo nên một buổi chiều tuyệt vời.

Uống cafe vỉa hè là một hoạt động khiến nhiều du khách thích thú. Thích thú vì chỉ có cafe vỉa hè mới cho họ thấy một Hà Nội thân thiện, một Hà Nội nhộn nhịp, và cảm nhận được chính xác cái không khí tươi vui của Hà Nội. 

Tết Hà Nội

Khoảnh khắc đất trời chuyển mình sang giao thừa thiêng liêng, cả đất nước Việt Nam đều khoác lên một vẻ đẹp mang đậm dấu ấn cổ truyền. Những ngày thường Thủ đô Hà Nội hiện đại tấp nập vội vã đến đâu thì những ngày Tết lại trở nên yên lặng, mang hơi thở cố đô đến lạ.

Sớm mai đầu năm, mưa xuân rơi lất phất, từ những con phố lớn trung tâm hồ Hoàn Kiếm cho đến từng ngõ hẻm nhỏ đều lặng thinh, vắng ngắt. Cờ hoa rợp trời, sắc xuân phơi phới nhưng lại có một Hà Nội mang vẻ đẹp rất khác trong những ngày đầu xuân năm mới.

Không chỉ thế, nếu có dịp, bạn nên ghé thăm thủ đô vào những ngày giáp Tết. Thăm thú những con đường hoa nở rộ, nào vườn đào Nhật Tân đỏ thắm, cành mai vàng tươi, hoa cúc, hoa hồng, cành quất,… ngắm nghía mọi người tấp nập chuẩn bị cho thời khắc thiêng liêng của đất trời. Những ngày này, người ta lại được nhìn lại những điều đặc trưng của Tết cổ truyền Việt Nam với ông đồ và câu đối đỏ, cành đào cành quất, bánh chưng xanh, khoanh giò béo ngậy,…

Hồ Tây

Hà Nội không chỉ nổi tiếng với Hồ Gươm đã đi vào thi ca ngàn năm, mà còn được biết đến với vẻ đẹp non nước thơ mộng của Hồ Tây. Là vùng đất thiêng hội tụ linh khí của đất trời, mang huyết mạch của thủ đô, Hồ Tây là một phần không thể thiếu trong bức tranh Hà Nội.

Dù nắng hay mưa, bất cứ mùa nào trong năm thì Hồ Tây cũng mang trong mình vẻ đẹp đi cùng năm tháng. Mặt hồ phẳng lặng như gương, uốn quanh con đường Thanh Niên lộng gió. Mùa hạ có tán phượng hồng đỏ rực, sắc bằng lăng tím rợp trời, mùa đông là hương hoa sữa nồng thơm cùng với nhành liễu xanh rủ thướt tha,… Hồ Tây đẹp đến nao lòng, là địa điểm hẹn hò lý tưởng cho cặp đôi.

Vòng quanh Hồ Tây, những hàng quán vỉa hè dân dã nhưng lại chưa bao giờ vắng khách. Ngồi nhâm nhi đĩa hướng dương, ly trà chanh, trà đá vỉa hè, phóng tầm mắt ra bờ Hồ Tây lung linh ánh đèn, để gió từ hồ thổi ngang qua mặt có lẽ là thú vui không thể thiếu của người dân nơi đây, nhất là những bạn trẻ.

Ăn đêm ở Hà Nội

Đến với mảnh đất Kinh kỳ ngàn năm văn hiến, bên cạnh vẻ đẹp pha lẫn giữa nét cố đô hoài cổ và cao ốc hiện đại thì ẩm thực Hà Nội cũng thu hút du khách không kém. Hà Nội không thiếu chỗ ăn chơi, không phải là những nhà hàng sang trọng đẳng cấp mà chính những góc quán cóc ăn vặt vỉa hè mới là điều níu giữ chân mọi người.

Đêm xuống, phố xá lên đèn, người người tấp nập rủ nhau ra đường, giải tỏa bớt áp lực một ngày làm việc mệt mỏi. Hàng ngàn quán xá thi nhau bày sạp, muốn ăn gì cứ xách xe dạo một vòng quanh Hà Nội sẽ có. Cuối ngày rủ nhau lên Tạ Hiển làm chút bia hơi, ghé ăn xôi Yến Hoàn Kiếm, làm bát phở Lý Quốc Sư ấm lòng,… thật chỉ cần muốn ăn, đi ngóc ngách nào Hà Nội cũng không thiếu quán ăn đêm ngon.

Trong những điều làm nên bức tranh lung linh của đêm Hà Nội thì những quán ăn đêm “không ngủ” chính là những điểm nhấn sắc màu thú vị. Những hàng quán mở xuyên đêm nổi tiếng như nướng Gầm Cầu chưa đến đã nghe hương, phố lẩu Phùng Hưng thơm lừng, xôi Lộc ở Tạ Quang Bửu, hay những hàng bún cá, bún ốc, phở,… cũng khiến du khách đến đây phải trầm trồ khen ngợi.

Tập thể dục Hồ Gươm sáng sớm

“Bước xuống phố sáng tinh mơ, dạo quanh góc công viên. Người người chào bình minh đang đến, nhìn cụ già tập dưỡng sinh. Sao trong tâm ta thấy bình yên, một Hà Nội rất thân quen. Hà Nội nhẹ nhàng ấm áp, dịu dàng đậm chất thơ.” Có lẽ lời bài hát “Nồng nàn Hà Nội” của ca sĩ Nguyễn Đức Cường đã phần nào lột tả được nét đẹp tinh khôi của Hồ Gươm sáng sớm.

5h sáng, khi nhiều người vẫn đang chìm sâu vào giấc ngủ thì ở bờ Hồ đã nhộn nhịp đông vui. Sớm tinh mơ, khi mặt trời chỉ vừa tỏa sáng, thì các cô các chú, bạn trẻ đã náo nức cùng nhau ra bờ Hồ tập thể dục. Không khí trong lành không chút vướng khói bụi, gió từ hồ se lạnh, hít một hơi ôm trọn mùi hương thơm mát.

Có muôn vàn cách để tập thể dục quanh Hồ Gươm, người đi bộ, chạy bộ nhẹ nhàng vòng quanh hồ, người thì tập thể dục tại chỗ, lại có người chọn cách đạp xe, lắc vòng,… tiếng nói, tiếng cười, tiếng đài loa phát nhạc sao bình dị, thân thương đến thế. Không kể đông hay hè, lạnh buốt hay nóng nực, cứ sáng sớm người dân quanh đây lại tụ tập, tập thể dục, dưỡng sinh,… nâng cao sức khỏe, hít hà hương sương sớm tinh mơ.

Những gánh hoa ven đường

Hà Nội – mảnh đất ngàn năm văn hiến luôn mang một vẻ đẹp rất riêng – một vẻ đẹp của sự bình dị và những điều xưa cũ. và cũng không biết từ bao giờ, mà những chiếc xe đạp cũ chở trên mình những gánh hoa tươi lại trở thành một điểm rất đặc biệt, chỉ có ở Hà Nội. 

Giữa sự đông đúc tấp nập và hiện đại của Hà Nội, những gánh hoa tươi như hiện thân của Hà Nội Cổ. Trong con mắt của du khách, Hà Nội đẹp nhưng lại không phải là vẻ đẹp của sự hiện đại, mà vẻ đẹp ấy đến từ chính những điều bình dị, an yên như hơi thở của cuộc sống đô thị này. Và những gánh hoa là một trong số đó. Nó vẫn luôn tồn tại, hiện hữu như một nét đẹp văn hoá của thủ đô ngàn năm văn hiến.

Trả lời